(KTSG Online) - Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng Dự thảo thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý. Trong đó, quan trọng nhất là nguồn tài chính đóng góp vào quỹ sử dụng không đúng mục đích.
- Doanh nghiệp: cần gọi đúng tên 'phí bảo vệ môi trường' trong dự thảo nghị định
- Đóng góp tài chính tái chế bao bì: 'không bắt buộc nên không phải là nguồn thu thuế, phí'
- Đóng tài chính tái chế bao bì sản phẩm: lo ngại 'tiền nộp nhưng môi trường vẫn bẩn'
11 hiệp hội và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN vừa có văn bản gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về việc góp ý xây dựng dự thảo nêu trên.
Theo đó, các đơn vị nêu trên cho rằng "Dự thảo thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải” còn nhiều điểm bất cập, mâu thuẫn với Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật hiện hành. Điều này ảnh hưởng lớn đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp khi việc sử dụng nguồn tài chính đóng góp của doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường chưa thật sự đảm bảo đúng mục đích.
Cụ thể, điều 23 của dự thảo quy định chi phí quản lý, điều hành văn phòng EPR Việt Nam (Văn phòng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu Việt Nam) gồm có 11 loại chi phí.
Tuy nhiên, các hiệp hội cho rằng chỉ có 1 loại chi phí (tại khoản 1, điều 23) là được dùng vào việc hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Trong khi đó, 10 loại chi phí khác (từ khoản 2 đến khoản 11) như mua sắm tài sản, truyền thông, giao dịch, đối ngoại, hội thảo, hội nghị, chi hỗ trợ cho đảng bộ, đoàn thể… cũng sử dụng từ khoản đóng góp của doanh nghiệp cho tái chế sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải là không hợp lý.
Các hiệp hội cho rằng Luật Bảo vệ môi trường quy định rất rõ ràng: “Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì” (tại điểm b, khoản 4, điều 54) và “việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định” (tại điểm c, khoản 4, điều 54). “Điều này có nghĩa, khoản đóng góp tài chính này được luật quy định chỉ sử dụng cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và không sử dụng vào các mục đích khác”, văn bản gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường viết.
Chính lý do nêu trên, các hiệp hội cho rằng việc dự thảo cho phép sử dụng các khoản đóng góp của doanh nghiệp để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì vào các mục đích khác như trên là hoàn toàn trái nguyên tắc, đi ngược lại và không thống nhất với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài việc sử dụng quỹ không đúng mục đích, các hiệp hội cũng cho rằng Văn phòng EPR Việt Nam sẽ làm tăng biên chế; quyền hạn Văn phòng EPR Việt Nam rất lớn và không phù hợp với Nghị định 08/2022/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, tuy nhiên lại không có quy định trách nhiệm và chưa có cơ cấu tố chức rõ ràng đối với EPR Việt Nam.
Chính vì vậy, các hiệp hội kiến nghị cần sửa lại dự thảo cho đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính hợp pháp và thống nhất của dự thảo và không phát sinh biên chế, không sử dụng tiền đóng góp của doanh nghiệp sai mục đích. Đồng thời, cần quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của Văn phòng EPR Việt Nam.
11 hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPAS), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã có văn bản gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về việc góp ý xây dựng dự thảo nêu trên.