Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyền ‘ngắt kết nối’ sau giờ làm việc

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ranh giới giữa cuộc sống gia đình và thời gian làm việc đã bị xóa mờ đáng kể trong bối cảnh xu hướng làm việc trực tuyến trở nên phổ biến hơn sau đại dịch Covid-19. Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người lao động, nhiều quốc gia đã và đang xem xét áp dụng các quy định về quyền “ngắt kết nối” sau giờ làm việc.

Nhu cầu được ngắt kết nối ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Quyền “ngắt kết nối”

Đâu là điểm chung giữa một nhà lập pháp tại Kenya, một quản lý nhà hàng tại Pháp và một bộ trưởng tại Bồ Đào Nha? Đó là việc tất cả họ đều ủng hộ nhiệt thành cho quyền “ngắt kết nối” sau giờ làm việc của người lao động. Sẽ không còn các e-mail cuối tuần, hoặc các cuộc gọi về vấn đề công việc từ sếp khi bạn đang ngồi ăn tối.

Các chuyên gia cho biết, nhu cầu được ngắt kết nối ngày càng trở nên cấp thiết hơn, trong bối cảnh các hình thức làm việc từ xa và kết hợp đang dần phổ biến tại nhiều doanh nghiệp.

Khi những ngôi nhà trở thành nơi làm việc trong thời kỳ phong tỏa vì dịch bệnh, nhà lập pháp Kenya Samson Kiprotich Cherargei nhận ra rằng, số giờ làm việc của nhiều người lao động đã vượt quá mức tối đa 52 giờ/tuần theo quy định của pháp luật.

Theo một dự luật mới chuẩn bị được đệ trình lên Quốc hội Kenya trong tháng này, người sử dụng lao động tại nước này sẽ bị cấm liên lạc vì mục đích công việc với người lao động sau giờ làm việc hoặc trong dịp cuối tuần.

Ông Cherargei cho biết: “Trong thời đại của sự dịch chuyển từ các văn phòng truyền thống sang hình thức làm việc trực tuyến, điều quan trọng là phải thiết lập các quy định phù hợp để bảo vệ sức khỏe tinh thần của người lao động, tránh tình trạng kiệt sức và đảm bảo thời gian của họ dành cho gia đình”.

Liên minh châu Âu (EU) định nghĩa quyền “ngắt kết nối” là “quyền của người lao động được ngừng làm việc và không tham gia vào các hoạt động liên lạc điện tử liên quan đến công việc, chẳng hạn như e-mail hoặc tin nhắn, ngoài giờ làm việc”. Trong khi quyền này chưa được chuyển thành luật tại EU, nhiều quốc gia trong khu vực đã lần lượt đưa ra các điều luật nhằm bảo vệ nhân viên khỏi bị sếp làm phiền sau giờ làm việc.

Pháp – quốc gia nổi tiếng với tuần làm việc 35 giờ, đã đi tiên phong trong vấn đề này từ năm 2017 khi cho phép người lao động có quyền bỏ qua các thông tin liên lạc về công việc sau khi đã kết thúc giờ làm việc. Chia sẻ với BBC vào thời điểm đó, nghị sĩ đảng Xã hội Benoit Hamon đã nhận xét rằng “Các nhân viên rời khỏi văn phòng, nhưng không rời bỏ được công việc. Họ vẫn bị ràng buộc bởi một loại dây xích điện tử”.

Gwendoline Dessaux – quản lý một nhà hàng và trung tâm leo núi tại thành phố Strasbourg, thường không mang điện thoại theo người trong trong các kỳ nghỉ. Năm nay, cô cũng yêu cầu các nhân viên không liên lạc với mình khi đã hết giờ làm việc, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp về y tế hay có hỏa hoạn.

Tại Bồ Đào Nha, quy định về sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc cũng đã được áp dụng từ cuối năm 2021 với các công ty có hơn 10 nhân viên, và những doanh nghiệp vi phạm sẽ đối mặt với án phạt tiền. Bà Ana Catarina Mendes, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề quốc hội của Bồ Đào Nha cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu phải có một đạo luật như vậy trở nên cấp bách.

Quy định về “ngắt kết nối” tại một số quốc gia

Ngoài Pháp và Bồ Đào Nha, nhiều quốc gia châu Âu khác như Ý, Bỉ, Tây Ban Nha và Ireland đều đã áp dụng những quy định tương tự ở các mức độ khác nhau. Hồi cuối năm 2022, giới chức Bỉ đã thông qua luật cho phép công chức không nhận e-mail, tin nhắn và cuộc gọi điện thoại ngoài giờ làm việc, mà không lo bị nhận án phạt. Các kế hoạch mở rộng phạm vi áp dụng luật sang lĩnh vực tư nhân cũng đang được triển khai.

Bộ trưởng Hành chính công Petra De Sutter cho biết, chính phủ hy vọng các quy tắc mới sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng người lao động kiệt sức và củng cố tầm quan trọng của việc thiết lập sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Tại Kenya, dự luật được đề xuất sẽ yêu cầu các công ty có hơn 10 nhân viên phải tham khảo ý kiến của nhân viên hoặc công đoàn về các chính sách “ngắt kết nối”. Án phạt lên tới 4.000 đô la Mỹ sẽ được áp dụng với các doanh nghiệp vi phạm quy định.

Người lao động sẽ được trả thêm tiền nếu phản hồi các yêu cầu công việc của người sử dụng lao động ngoài giờ làm việc. Nếu bỏ qua những yêu cầu này, người lao động cũng sẽ được bảo vệ khỏi những án phạt từ doanh nghiệp.

Tại một số quốc gia, các quy định về quyền “ngắt kết nối” được áp dụng ở mức độ địa phương, ví dụ như tại tỉnh Ontario (Canada) các doanh nghiệp được yêu cầu phải có các chính sách rõ ràng bằng văn bản về việc cho phép nhân viên ngừng kết nối với công việc. Bang Queensland của Úc hồi tháng 12 năm ngoái cũng đã cấp quyền được ngắt kết nối kỹ thuật số cho giáo viên.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), không chỉ giới chức các nước mà nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã chủ động bảo vệ người lao động bằng các thỏa thuận đa quốc gia hỗ trợ quyền ngắt kết nối của nhân viên.

Tuy nhiên, tại một số quốc gia như Mỹ và Ấn Độ, vấn đề quyền được ngắt kết nối sau giờ làm việc đã không nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận. Tại Hội đồng Thành phố New York, một dự luật quy định việc các nhà tuyển dụng tư nhân yêu cầu nhân viên kiểm tra và trả lời email ngoài giờ làm việc là bất hợp pháp đã không được thông qua vào năm 2018.

Sự cần thiết phải thiết lập các quy định về quyền “ngắt kết nối”

Theo WEF, các khảo sát gần đây cho thấy, nhu cầu làm việc từ xa đang ngày càng lớn.

Làm việc từ xa cũng đồng nghĩa với những khó khăn trong cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Hơn một phần ba số người được hỏi tại Mỹ cho biết, cảm thấy khó dứt ra khỏi công việc khi làm việc tại nhà.

Các chuyên gia cho rằng, vào thời điểm hiện tại, điều quan trọng hơn cả là việc cần tách rời người lao động khỏi công việc của họ trong bối cảnh sự mệt mỏi và tâm lý lo lắng do đại dịch gây ra đang ngày càng gia tăng. Ariane Ollier-Malaterre, Giáo sư quản lý tại Đại học Quebec ở Montreal, người gần đây là đồng tác giả của một bài báo về quyền “ngắt kết nối”, cho biết tách rời khỏi công việc có nghĩa là người lao động có thể dành thời gian tham gia vào một hoạt động khác mà không cảm thấy có lỗi vì vẫn chưa hoàn thành công việc của mình ở chỗ làm.

Theo Giáo sư Ollier Malaterre “vấn đề là khi mọi người cảm thấy có lỗi hoặc phải nghiền ngẫm về công việc sau giờ làm việc, họ không bao giờ có thể thực sự nghỉ ngơi và bổ sung năng lượng, từ đó không thể quay trở lại làm việc một cách mạnh mẽ, hết khả năng và sáng tạo”.

Những tranh cãi về hiệu quả làm việc

Tại Kenya, một hiệp hội người sử dụng lao động đã bày tỏ lo ngại rằng dự luật mới sẽ gây ra tình trạng vô kỷ luật tại nơi làm việc, làm tổn thương nền kinh tế và ngăn cản việc tạo ra các cơ hội việc làm mới trong khu vực công và tư nhân. Bà Jacqueline Mugo, Giám đốc điều hành Liên đoàn Người sử dụng lao động Kenya cảnh báo “điều này sẽ đặt ra những thách thức đối với quan hệ lao động tại Kenya”.

Quy định cũng được cho là sẽ không đạt được hiệu quả khi nhiều người lao động sẵn sàng làm việc ngoài giờ, dù không được trả lương. “Vào thứ Sáu, tôi vẫn mang hồ sơ về nhà để làm vào cuối tuần. Dù không được trả tiền cho điều đó, nhưng tôi biết rằng sự chăm chỉ này sẽ giúp tôi được trả lương cao hơn trong tương lai”, Susan Gituku, nhân viên tín dụng tại một tổ chức tài chính ở Nairobi chia sẻ với Quartz.

Tuy nhiên, nhiều người lao động khác lại kỳ vọng sự thay đổi có thể tạo ra một môi trường không chỉ giúp làm việc tốt hơn mà còn giúp họ gắn bó lâu dài hơn ở công ty.

Daniel Mwangi, 37 tuổi, đã từ bỏ vị trí giám đốc bán lẻ ở Nairobi vào năm 2021 sau khi chán ngấy việc phải nhận những e-mail lúc 4 giờ sáng và những cuộc gọi lúc 9 giờ tối từ sếp. Anh bắt đầu bị sụt cân và luôn cảm thấy lo lắng. Công việc tiếp theo của anh cũng không khác là bao, và rốt cuộc, Mwangi quyết định chuyển sang tự kinh doanh. “Tôi là một người ủng hộ mạnh mẽ quyền ngắt kết nối. Mọi người tập trung tốt hơn khi họ không còn bị căng thẳng và phải gắn với công việc suốt 24/7. Giờ đây tôi cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều”.

Chuyên gia Cristina Banks đã lên tiếng bác bỏ quan niệm cho rằng cuộc sống làm việc thoải mái sẽ khiến người lao động trở nên lười biếng. “Điều này là sai lầm vì các tài liệu nghiên cứu trong nhiều thập kỷ đã chỉ ra rằng năng suất cao nhất đến từ những người lao động khỏe mạnh, cảm thấy an toàn và hạnh phúc”, bà Banks nhận định.

Nguồn: Washington Post, CBS News, WEF, Quartz

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngắt hay không, là quyền của mình. Chả ai cho và chả xin ai. Nếu đủ bản lĩnh “tắt nguồn” thì cũng chính là đủ bản lĩnh để làm chủ và chi phối cuộc sống theo ý của mình. Tiếc thay, rất nhiều người lại không thể làm được !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới