(KTSG Online) - Sáng 21-12, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã tổ chức lễ ra mắt Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA). Đây là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam về sản xuất nội dung trên phương tiện truyền thông nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường hợp tác đầu tư trong và ngoài nước, chia sẻ kiến thức về nền kinh tế số.
Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết cùng với số lượng người dùng mạng xã hội của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng đã tạo điều kiện thu hút những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng toàn cầu như Youtube, Facebook, Tiktok… Điều này góp phần đưa ngành công nghiệp nội dung số trở thành một xu hướng phát triển mới.
Trên cơ sở này, Liên minh Sáng tạo nội dung số ra đời nhằm kết nối các doanh nghiệp, cá nhân trong ngành nội dung số, công nghệ thông tin và truyền thông; đưa ngành sáng tạo nội dung số Việt Nam ngày càng phổ biến; tạo ra nhiều sản phẩm nội dung có giá trị cho cộng đồng, nhất là việc phát triển các sản phẩm nội dung “Make in Vietnam”.
Một số loại hình dịch vụ nội dung số đang phát triển trong các năm gần đây như giải trí số (phim số, ảnh số, nhạc số); game online, gameshow, nội dung tương tác; giáo dục trực tuyến, thể thao trực tuyến; quảng cáo số…
Tuy nhiên, Hội Truyền thông số Việt Nam cũng nhấn mạnh tổ chức Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đang có những thách thức trước mắt cần đề ra giải pháp như số lượng các nội dung có giá trị với cộng đồng còn hạn chế; hầu hết đội ngũ làm nội dung là các nhà sáng tạo tự do; sản phẩm chưa được đầu tư về chiến lược truyền thông.
Nhiều sản phẩm chỉ mang tính chất giải trí, thiếu tính truyền cảm hứng; nhiều người chỉ coi việc sáng tạo nội dung số để phục vụ đam mê, giải trí dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao.
Cùng ngày, Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) ra mắt tổng đài tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền với số liên hệ 19002685.
Tổng đài sẽ tiếp nhận các thông tin báo cáo, phản ánh vi phạm bản quyền từ các cá nhân, tổ chức. Đồng thời, bộ phận này hướng dẫn cá nhân, tổ chức khai báo cung cấp bằng chứng vi phạm và chuyển bằng chứng đến các đơn vị có thẩm quyền để kiểm tra, giải quyết và xử lý vi phạm.
Phạm vi các lĩnh vực hỗ trợ tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền là mạng xã hội, báo chí, truyền hình, nghệ thuật, sách báo, ấn phẩm, quảng cáo…