Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Samsung “kéo” thêm nhà cung cấp vào SHTP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Samsung “kéo” thêm nhà cung cấp vào SHTP

Quốc Hùng

Samsung
Ông Lê Hoài Quốc (phải) trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư Hàn Quốc -Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Chiều ngày 11-12, Ban Quản lý khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho một công ty Hàn Quốc để xây dựng nhà máy sản xuất động cơ điện nhằm cung cấp cho khu phức hợp điện tử gia dụng của Samsung đang được xây dựng tại đây.

Đó là dự án xây dựng nhà máy động cơ cho các loại máy giặt, tủ lạnh, điều hòa không khí và máy hút bụi của Công ty TNHH New – Hanam do tập đoàn Tae-Hwa Group của Hàn Quốc đầu tư.

Theo giấy phép, nhà đầu tư sẽ phát triển dự án trên khu đất rộng 3 héc ta với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 74 triệu đô la Mỹ nhằm sản xuất khoảng 13 triệu động cơ các loại mỗi năm để cung ứng cho tổ hợp sản xuất của Samsung. Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ đưa khánh thành nhà máy này vào cuối năm tới.

Tae-Hwa Group, công ty mẹ của New – Hanam, hiện đã có 10 chi nhánh sản xuất ở nhiều nước gồm Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, nhưng dự án tại khu công nghệ cao TPHCM là dự án lớn nhất cung ứng động cơ, cụm linh kiện cho Samsung. Tại đây, công ty cũng sẽ đầu tư một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, sau khi chính thức cho khởi công xây dựng vào trung tuần tháng 5 rồi, dự án khu phức hợp điện tử gia dụng của Samsung trị giá 1,4 tỉ đô la Mỹ được triển khai rất nhanh chóng và sẽ đưa vào vận hành đúng như kế hoạch đặt ra của nhà đầu tư là vào giữa năm tới.

Như vậy, New – Hanam là nhà cung cấp nước ngoài thứ ba của tổ hợp Samsung tại TPHCM được cấp phép đầu tư vào SHTP. Ban quản lý SHTP cho biết hiện còn có ba nhà cung cấp nước ngoài khác của Samsung đang được xem xét cấp phép đầu tư, trong khi đó doanh nghiệp trong nước thì còn hiếm hoi.

Cụ thể sau khi Samsung có văn bản đề nghị được hỗ trợ tìm các nhà cung cấp nội địa, các cơ quan chức năng tại TPHCM đã rốt ráo vào cuộc nhưng tình hình cho thấy doanh nghiệp trong nước còn phải nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được yêu cầu của tập đoàn này.

Chỉ ít ngày sau khi khởi công xây dựng Khu phức hợp điện tử tại SHTP, Samsung đã có văn bản gửi các ngành chức năng của TPHCM đề nghị hỗ trợ tìm các nhà cung cấp nội địa tập trung vào một số ngành như cơ khí (gồm phun nhựa, in kim loại, ốc vít, linh kiện cao su), điện (bảng mạch in cứng, công tắc, mô tơ, cuộn dây, lò xo, cảm biến, biến thế), lắp ráp PCB (khung cơ khí, module điện tử, cụm điều khiển từ xa), vật liệu phụ (băng dính, linh kiện đóng gói, túi PE, tấm phủ, đệm, hộp carton, sách hướng dẫn sử dụng), nguyên liệu thô (hạt nhựa, lò xo thép, giấy cuộn…).

Sau cuộc gặp với các nhà cung cấp trong nước, Sở Công Thương đã lập danh sách doanh nghiệp có khả năng cung cấp các sản phẩm theo yêu cầu để Samsung xem xét, thực hiện các bước tiếp theo.

Tuy nhiên, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết sau nhiều vòng làm việc, danh sách từ hơn 100 doanh nghiệp ban đầu đã rút xuống còn một phần ba. Tuy nhiên, rốt cuộc, Samsung cũng chỉ chọn được khoảng 15 doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất và sẽ tiến hành khảo sát thực tế, xem nơi sản xuất, quy trình sản xuất…, sau đó sẽ quyết định có chọn những doanh nghiệp nội địa này hay không.

Theo bà Loan, cửa rất rộng mở cho các nhà cung cấp nội địa, song có tận dụng được hay không lại là chuyện khác, bởi Samsung yêu cầu rất cao đối với nhà cung cấp về công nghệ, chất lượng sản phẩm, thời gian cung ứng…”

Dự án khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (Samsung HCMC CE Complex – SEHC) sẽ được thực hiện trên diện tích 70 héc ta trong Khu Công nghệ cao TPHCM, với mục tiêu sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao.

Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ được đưa vào hoạt động vào quí 2 năm 2016, tập trung nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm tivi như tivi màn hình cong UHD, Smart TV, TV LCD, LED …Đây cũng sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng tivi toàn cầu của Samsung, góp phần củng cố vị trí nhà sản xuất tivi số một thế giới mà Samsung đã nắm giữ chín năm liên tiếp kể từ 2006 đến nay.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng khác như máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt ứng dụng công nghệ cao. Đây là những dòng sản phẩm điện tử gia dụng mà Samsung đang đẩy mạnh kinh doanh ở thị trường Việt Nam qua con đường nhập khẩu.

Doanh nghiệp trong nước đầu tư 120 triệu đô la Mỹ xây nhà máy dược

Cũng trong ngày hôm nay, Công ty TNHH Bình Việt Đức (BIVID Co., Ltd) cũng được trao giấy chứng nhận đầu tư phát triển nhà máy dược phẩm tại Khu công nghệ cao TPHCM với vốn đầu tư là 120 triệu đô la Mỹ.

Nhà máy dược phẩm Bivid dự kiến sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 80.000 mét vuông, gồm 4 nhà máy với các nhóm sản phẩm sinh phẩm y tế, dược phẩm và trang thiết bị y tế. Ttrong đó đáng chú ý là nhà máy chuyên về các chế phẩm từ huyết tương người; các loại dung dịch tiêm; và các loại bột pha tiêm dạng đông khô.

Dự kiến khi bắt đầu đi vào hoạt động cuối năm 2017, mỗi năm nhà máy sẽ cung ứng cho thị trường 150 ngàn lọ sinh phẩm y tế với giá thành thấp hơn từ 20 – 30 % so với nhập khẩu từ nước ngoài.

Ở giai đoạn tiếp theo, nhà máy sẽ đi vào sản xuất các loại bột tiêm đông khô và bột tiêm nước chuyên dùng hỗ trợ cho quá trình trị bệnh. Khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ cho công suất đạt khoảng 80 triệu lọ sản phẩm mỗi năm.

Mời đọc thêm:

>>> Samsung khởi công khu phức hợp điện tử gia dụng 1,4 tỉ đô la Mỹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới