Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sân ga

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sân ga

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Một năm thường hai lần cả nhà về quê nội trên con tàu Thống Nhất. Hai lần nghe lại giọng cô phát thanh viên kể về ga Hàng Cỏ và lịch sử vùng đất Thăng Long sau hồi còi dài tàu chào sân ga. Sau lời giới thiệu đó, thể nào cũng tới bài “Tàu anh qua núi” do nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa thể hiện. Giọng trong và cao lắm, như thể chị còn rất trẻ.

“Tàu anh qua núi” ra đời năm 1976, khi lần đầu tiên đoàn tàu xuyên Việt vào Nam ra Bắc mang tên Thống Nhất được thông tuyến. Cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, người chồng đầu tiên của nghệ sĩ Thanh Hoa hồi đó là nhân viên Xí nghiệp in vé tàu lửa thuộc Tổng cục Đường sắt đã viết bài hát trong một chuyến đi thực tế trên tuyến tàu.

Nghệ sĩ Thanh Hoa từng kể lại, bài hát ra đời nhờ cảm xúc từ một câu chuyện có thật. Một anh lái tàu và cô thanh niên chốt tại trạm gác ven biển miền Trung nhờ những chuyến tàu mà biết mặt rồi yêu nhau. Nhưng khi tình yêu đang độ chín thì cô gái vướng mìn, hy sinh trên đường ray. Người lái tàu chới với. Mỗi lần tàu qua trạm người yêu gác, anh lại kéo một hồi còi dài thăm thẳm, xé lòng. Dòng nhạc ấy vì thế khắc khoải, bồn chồn: “Mà yêu nhau, em bắc cầu cho tàu anh tới”. Lời bài hát sâu lắng cũng vì được lấy từ tứ của câu ca dao “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa giờ đã làm bà của bốn đứa cháu. Âm sắc giọng hát cũng khác xưa, nhưng tên tuổi chị và bài hát đã gắn bó thành một trong suốt vài chục năm đất nước từ chiến tranh đi tới hòa bình. Tiếng hát của chị thực sự chắp cánh cho thương hiệu của ngành đường sắt Việt Nam, và bài hát cũng được coi là một trong những bài hát về ngành hay nhất.

Nhưng vẫn còn những điều chưa trọn vẹn trên con tàu Thống Nhất. Đó là chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt không được cải thiện. Bữa ăn trên tàu đã bao nhiêu năm qua vẫn thực sự là nỗi sợ của hành khách. Ngoài chai nước lọc được phát miễn phí còn có ba bữa ăn một ngày. Bữa sáng thường chỉ là mì tôm hoặc bánh mì kèm túi sữa. Bữa trưa và bữa tối trên tàu triền miên chỉ là hai hộp cơm khi thì khô, khi thì vón cục, nguội ngắt. Thức ăn chỉ đơn điệu cá hay thịt kho, kèm chút đồ xào khi lạt khi mặn, canh thì loãng sõng sượt và trào ra cả miệng hộp nhựa. Quý nhất là hôm nào có thêm một quả trứng luộc.

Ở trên tàu, muốn trả tiền để được phục vụ tốt hơn cũng khó. Chưa kể hành khách nước ngoài hiện đi tàu ngày một nhiều nhưng không chỉ khó ăn mà còn mù thông tin do nhà tàu vẫn chưa có hướng dẫn hay giới thiệu, thông báo bằng tiếng Anh, kể cả những lời chào đón thông thường.

Kinh hãi hơn là hệ thống nhà vệ sinh trên tàu. Chất thải “sống” từ trên tàu bao năm nay vẫn tuồn trực tiếp xuống đường ray, không qua bất kỳ khâu xử lý nào. Nước rửa tay cũng thường xuyên bị thiếu. Những chuyến tàu trễ giờ vẫn là chuyện cơm bữa. Nạn bán vé lậu, cò mồi có sự tiếp tay của người nhà tàu vẫn diễn ra. Việc nhân viên bán phòng, thu tiền riêng của khách vẫn bình thường như hàng chục năm trước.

Ga Hàng Cỏ đánh dấu vị trí một cái chợ bán cỏ cuối phố Hàng Cỏ (giờ là phố Trần Hưng Đạo sầm uất). Nếu so với quy hoạch đô thị hiện đại thì nó quả không còn phù hợp khi nằm ngay giữa nội thành, gây ách tắc giao thông và mất trật tự đô thị. Ga tàu, sân bay, bệnh viện, trường học là những thứ mà các kiến trúc sư luôn muốn lôi ra khỏi trung tâm một đô thị hiện đại – hình mẫu mà Hà Nội đang gây dựng.

Hơn 100 năm qua, kể từ ngày Việt Nam có đường sắt do người Pháp xây dựng, chúng ta vẫn dùng một tuyến đường ray duy nhất, không có khả năng tự tránh tàu đi ngược chiều. Đường ray lạc hậu khiến mật độ khai thác các chuyến tàu thấp, tàu không thể chạy nhanh. Kế hoạch xây thêm một làn đường Bắc – Nam thống nhất với tiêu chuẩn hiện đại và hai đường ray nhằm rút ngắn thời gian cho chuyến hành trình thiên lý Bắc – Nam vẫn là dự định.

Đường sắt ngày nay không phải là phương tiện xa xỉ nếu không nói ngược  lại, song ở nước ta vẫn còn vô số những người không đủ tiền để đi tàu, phải chịu cảnh ép xác trên những chuyến xe đò cực khổ. Chúng ta vẫn chưa có đường tàu đi đến các tỉnh, các nơi nghèo khó, vùng xa. Con người ta muốn đến gần nhau, song khó khăn quá, việc người ta sẵn sàng đến với nhau đôi khi chưa đủ mà còn phụ thuộc nhà xe, nhà tàu.

Mỗi lần về quê nội, tôi mong thức ăn trên tàu sẽ khá hơn, thái độ phục vụ tốt hơn, nạn bán phòng ít hơn, các hình thức tiếp thị cho ngành đường sắt sẽ khá hơn bằng chính sự cải thiện dịch vụ. Tôi cũng mong song đừng bỏ đi những câu chuyện về mỗi vùng đất tôi sẽ được đi qua, đừng bỏ đi bài hát “Tàu anh qua núi” và những tiếng còi. Bởi mỗi con tàu rời đi hay ở lại đều cần sự “nhớ nhung” của hành khách, như những bàn tay vẫy ở mỗi sân ga.

HỒNG PHÚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới