Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sáng chế trong trường đại học: Lằn ranh khó phân định về chủ sở hữu

Lê Vũ Vân Anh(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một trường đại học muốn sở hữu một sáng chế do nhân viên mình tạo ra không hề dễ dàng vì hoạt động nghiên cứu trong môi trường học thuật, đặc biệt ở các nước phát triển, có nhiều điểm khác biệt với môi trường tư nhân.

Thông thường, người tạo ra sáng chế sẽ là chủ sở hữu của sáng chế đó. Tuy nhiên, luật pháp các nước đưa ra một trường hợp ngoại lệ. Đó là khi người lao động tạo sáng chế trong quá trình làm việc thì sáng chế đó sẽ thuộc về người sử dụng lao động. Điều này có nghĩa rằng, mặc dù bằng sáng chế vẫn ghi nhận người lao động là tác giả, nhưng quyền khai thác và thương mại hóa sản phẩm trí tuệ sẽ thuộc về người sử dụng lao động.

Ở các nước phát triển, việc trường đại học muốn sở hữu sáng chế do nhân viên của mình tạo ra cũng có những điểm khác biệt so với môi trường tư nhân. (1) Nếu các chuyên viên trong khu vực tư phải thực hiện nghiên cứu dựa trên hoạt động của doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu học thuật không bắt buộc phải thực hiện trong một lĩnh vực cụ thể. (2) Chưa kể, họ là người nộp đơn xin tài trợ để tiến hành dự án nghiên cứu trong khi điều này không xảy ra với khu vực tư. (3) Vì vậy, các nhà nghiên cứu trong môi trường học thuật là người quyết định thời điểm công bố kết quả nghiên cứu, thông thường thông qua các hình thức xuất bản trên các tập san chuyên ngành hoặc báo cáo tại các hội nghị. (4) Khi chuyển sang môi trường làm việc khác, đa phần họ được tự do mang theo kết quả nghiên cứu. Vì vậy, việc xác định ai là chủ sở hữu hợp pháp của các sáng chế tạo ra bởi những người nghiên cứu trong môi trường học thuật gặp nhiều khó khăn.

Vụ tranh chấp giữa Đại học Tây Úc và Giáo sư Bruce Gray

Vụ tranh chấp giữa Đại học Tây Úc (University of Western Australia - UWA) và cựu nhân viên, Giáo sư Bruce Gray có thể minh họa cho điều này(1).

Giáo sư Gray, Giám đốc Công ty Sirtex Medical Ltd.

Vào năm 1985, ông Gray được tuyển dụng toàn thời gian với tư cách là giáo sư phẫu thuật tại UWA và đã ký một hợp đồng lao động tiêu chuẩn với các quy định về nhiệm vụ và trách nhiệm như sau:

Giảng dạy, chấm thi, chỉ đạo, và giám sát công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình;

Thực hiện nghiên cứu và khuyến khích nghiên cứu giữa nhân viên và sinh viên;

Thực hiện các công việc thích hợp khác.

Khi còn ở trường đại học, ông Gray đã tiến hành nghiên cứu về ung thư gan và ruột di căn. Ông đã phát triển các công nghệ sản xuất và sử dụng vi cầu để điều trị các khối u theo mục tiêu, đồng thời nộp một số bằng sáng chế mang tên ông và những người khác liên quan đến những công nghệ đó. Khi hợp đồng lao động giữa Gray và UWA chấm dứt vào năm 1997, ông đã chuyển nhượng các sáng chế của mình cho Công ty Sirtex Medical Ltd. Công ty này đã được niêm yết cổ phiếu vào năm 2000, lúc này Gray đang là giám đốc, sở hữu một số lượng cổ phần đáng kể.

Biết được sự việc, vào năm 2004, UWA đã gửi một lá thư cho Sirtex tuyên bố rằng tất cả tài sản trong các công nghệ liên quan thuộc về UWA và rằng Sirtex phải sửa đổi sổ đăng ký cổ phiếu để ghi nhận quyền lợi của UWA. Nhưng ông Gray không đồng ý. Tháng 12-2004, UWA bắt đầu thực hiện quá trình tố tụng.

Vì sao các lập luận của UWA bị bác bỏ?

Lập luận đầu tiên của UWA rằng trường đại học tự động sở hữu đối với sáng chế của Gray vì ông có một “nghĩa vụ ngầm phải tạo ra sáng chế” (implied duty to invent) như một phần trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã bác bỏ lập luận này dựa trên các lý do sau: Giáo sư Gray tự do trong việc lựa chọn hướng nghiên cứu. Ông không có nghĩa vụ giữ bí mật và được tự do xuất bản nghiên cứu, ngay cả khi việc công bố có thể gây phương hại đến các đơn xin cấp bằng sáng chế. Ngoài ra, ông cũng đã hợp tác với các nhà nghiên cứu ở các tổ chức khác và ông đã hành động ở một mức độ đáng kể với tư cách là một doanh nhân trong việc đảm bảo nguồn tài trợ cho nghiên cứu của mình.

Tòa phúc thẩm cũng nêu lên sự khác biệt giữa các trường đại học và các tổ chức tư nhân, lưu ý rằng việc tòa sơ thẩm quan tâm đến vấn đề chính sách, chẳng hạn như bản chất và mục đích công của các trường đại học cũng như sự khác biệt của hoạt động học thuật trong các trường đại học và tầm quan trọng của “tự do học thuật” là phù hợp trong vụ việc tranh chấp.

UWA cũng cho rằng Giáo sư Gray đã vi phạm nghĩa vụ ủy thác (fiduciary duties) đối với nơi làm việc, nghĩa là ông lẽ ra phải bảo vệ và giữ gìn các quyền tài sản của UWA và không được hưởng bất kỳ khoản lợi nhuận hoặc khoản thanh toán bí mật nào từ bên thứ ba. Tuy nhiên, tòa án quyết định rằng trường không có quyền sở hữu nào đối với các sáng chế của Giáo sư Gray, nên lập luận này thất bại.

Ngoài ra, UWA dựa vào quy định về bằng sáng chế và quy định về sở hữu trí tuệ của trường để kết luận rằng ông Gray đã vi phạm hợp đồng lao động vì ông không tiết lộ các sáng chế của mình. Tuy nhiên, tòa án cho rằng nghĩa vụ tiết lộ của Gray chỉ được thực hiện khi và chỉ khi nhà trường duy trì Ủy ban bằng sáng chế. Tuy nhiên cơ quan này đã không còn tồn tại từ năm 1988. Tòa án cũng tuyên bố quy định về sở hữu trí tuệ của trường không hợp lệ, lưu ý rằng trường chỉ có quyền tạo ra quy định về quản lý và sở hữu tài sản của riêng mình. Chỉ có thông qua các điều khoản cụ thể trong hợp đồng lao động, trường mới có thể đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên các điều khoản trong hợp đồng với Giáo sư Gray không có các quy định như vậy.

Cuối cùng, tòa án xem xét rằng các ý tưởng mang tính sáng tạo (inventive concept) của Giáo sư Gray đã hoàn tất trước khi ông làm việc tại UWA. Các công việc ông thực hiện tại trường liên quan đến kiểm tra và thử nghiệm hơn là hoạt động tạo ra sáng chế. Vì vậy, những hoạt động nghiên cứu ông thực hiện tại trường không liên quan đến việc xác định ai là tác giả sáng chế.

Vì toàn bộ lập luận của UWA đã bị bác bỏ, trường xin cấp giấy phép đặc biệt để kháng cáo lên tòa án tối cao và lập luận rằng hợp đồng lao động cho giảng viên không nên khác biệt với các hợp đồng lao động khác và nhiệm vụ tạo ra sáng chế không thể xem như khác biệt so với nhiệm vụ nghiên cứu. Tuy nhiên, đơn xin này đã bị từ chối, vì tòa án không tìm thấy lý do nào để cấp giấy phép đặc biệt.

Sự việc nêu trên chứng minh rằng không phải chỉ vì một sáng chế được tạo ra trong quá trình làm việc sẽ tự động thuộc về trường đại học vì nghiên cứu trong môi trường học thuật có nhiều khác biệt so với các hoạt động nghiên cứu khác. Ngoài ra, đa phần nhân viên của các trường đại học thuộc các nước phát triển có quyền hạn rất lớn trong việc xác định mục tiêu và phạm vi nghiên cứu cũng như tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ, điều này khiến sự độc lập trong hoạt động nghiên cứu của họ cũng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, trong nhiều trường hợp một tuyên bố đơn phương về chính sách sở hữu trí tuệ của một trường đại học có thể không tự động ràng buộc nhân viên.

(*) Giảng viên chuyên ngành Luật SHTT Đại học Durham, Vương quốc Anh

(1) University of Western Australia v Gray [2009] FCAFC 116

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới