Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sập bẫy lừa làm việc cho sàn thương mại điện tử, bị mất 1,2 tỉ đồng

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, thời gian gần đây nhiều kẻ xấu đã lừa đảo dưới chiêu thức tuyển cộng tác viên cho sàn thương mại điện tử. Tại Hà Nội đã có người nhẹ dạ bị lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng và ra trình báo công an.

Giao diện website giả mạo sàn thương mại điện tử Shopee để tuyển cộng tác viên và lừa đảo. Ảnh: Vân Ly

Thông tin từ Công an Hà Nội cho biết, Công an quận Long Biên đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng. Theo đơn trình báo, chị T. trú tại quận Long Biên, Hà Nội có lên mạng Facebook để tìm kiếm việc làm tại nhà. Khi thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng trực tuyến trên Facebook chị T đã tham gia. Khi làm nhiệm vụ thanh toán 4 đơn hàng đầu thì chị T nhận được số tiền 900.000 đồng hoa hồng. Từ nhiệm vụ lần thứ 5 đến lần thứ 10, chị T đã chuyển 1,2 tỉ đồng nhưng không nhận được tiền hoa hồng. Biết mình bị lừa, chị T đã đến Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội trình báo.

Để phòng ngừa tội phạm, Công an Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ghi nhận từ thực tế, trong thời gian qua, nhiều người dân ở Hà Nội thường nhận được tin nhắn, cuộc gọi mời chào làm cộng tác viên cho những sàn thương mại điện tử có danh tiếng. Công việc được mô tả cho cộng tác viên là nhấn thả like, thả tim cho các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử để tăng tính tương tác, với mức thù lao 120.000 đồng cho 10 sản phẩm.

Chị Minh, một chủ tiệm cắt tóc gội đầu tại Thành Công, Hà Nội, chia sẻ chị từng nhận lời làm cộng tác viên cho sàn thương mại điện tử mà chị nghĩ là Shopee. Song, khi bắt tay vào công việc thực tế chị mới biết mới đây là website nhái Shopee với tẹn gọi là Shoppeg.com (hiện website này không còn hoạt động, khi người dùng truy cập sẽ thấy thông báo 404 Not Found). Chị Minh được yêu cầu tải phần mềm trò chuyện trực tuyến (chat) mang tên Telegram (một phần mềm tương tự như Zalo, Viber) để người phụ trách tạo nhóm chat và sau đó giao nhiệm vụ công việc. Nhóm có sự tham gia của hàng chục thành viên.

Trưởng nhóm gửi đường link các sản phẩm để các thành viên nhấn nút like và thả tim. Đúng như thỏa thuận, ngày cộng tác đầu tiên chị Minh nhấn nút like cho 10 sản phẩm trên sàn Shoppeq và được nhận tiền thù lao 120.000 đồng qua hình thức chuyển khoản.

Sang ngày thứ 2, chị Minh được trưởng nhóm giao nhiệm vụ khó hơn, phải chuyển khoản tiền mua sản phẩm. Khi cộng tác viên chuyển khoản tiền cho trưởng nhóm để mua sản phẩm trị giá 100.000 đồng thì sẽ được trưởng nhóm mua lại sản phẩm bằng cách chuyển khoản lại cho chị 120.000 đồng. Trưởng nhóm vẫn giải thích đây là hành động để tăng tương tác cho nhóm... Theo tìm hiểu của chị Minh, đối với những khoản mua hàng có giá trị không cao, các cộng tác viên được nhận lại hoa hồng đúng như cam kết. Có những người mua hàng trị giá 2 triệu đồng trong ngày đã được nhận lại 2,4 triệu đồng.

Do nghi ngờ tính chất lừa đảo nên chị Minh không thực hiện nhiệm vụ từ ngày thứ hai nhưng vẫn ở lại trong nhóm chat để quan sát. Chị ghi nhận những ngày sau đó, khi có trường hợp các cộng tác viên chuyển khoản cho trưởng nhóm để mua hàng hóa lên đến hàng chục triệu đồng thì trưởng nhóm phát ra thông báo giải tán nhóm vì nhóm không hoàn thành nhiệm vụ.

Suýt là nạn nhân của trò lừa đảo trực tuyến nêu trên, chị Minh cho hay hình thức lừa đảo không mới mẻ nhưng đánh vào lòng tham của mọi người, đặc biệt là những người không có công việc làm ổn định, ít giao tiếp và ít tìm hiểu thông tin về hoạt động thương mại điện tử. Do đó, trong các gia đình cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin để giúp các thành viên ít va chạm xã hội không bị lừa đảo theo hình thức này.

2 BÌNH LUẬN

  1. Em cũng bị lừa , mất 7tr rồi chúng nó kêu phải làm nv thứ 2 là 22tr mới nhận được tiền, nghe là biết mùi rồi nên em chấp nhận mất 7tr chứ chuyển 22tr chắc chết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới