Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sáp nhập – xu hướng mới của ngành công nghiệp máy tính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sáp nhập – xu hướng mới của ngành công nghiệp máy tính

Huỳnh Hoa

Trung tâm dữ liệu của tập đoàn Cisco Systems tại Thung lũng Silicon, Mỹ.

(TBVTSG) – Nhiều người ở Thung lũng Silicon giật mình trước quyết định mua lại Sun Microsystems của tập đoàn Oracle. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, thương vụ này là bước phát triển tự nhiên và hợp lý của hai xu hướng liên quan với nhau đang định hình lại nền công nghiệp máy tính để sống sót trong thời buổi suy thoái toàn cầu.

Khi giá cổ phiếu rơi không phanh, các công ty càng lớn và càng mạnh sẽ càng có nhiều cơ hội để thâu tóm những công ty nhỏ và đang gặp khó khăn với mức giá rất hời.

Và giờ đây những ông khổng lồ công nghệ như Cisco Systems và Hewlett-Packard (HP) đang tích cực mở rộng hoạt động với ý đồ chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại.

Con đường của họ là chuyển thành những nhà cung cấp mọi dịch vụ phần cứng và phần mềm cho những trung tâm dữ liệu khổng lồ làm nòng cốt cho hoạt động thương mại toàn cầu.

“Một làn sóng mới sắp diễn ra và các tay chơi lớn đã tự định vị để sẵn sàng nắm lấy cơ hội ấy,” ông Jean Bozman, chuyên viên theo dõi mảng công nghệ thông tin của Công ty Dữ liệu quốc tế IDC, nhận định.

Cá lớn nuốt cá bé

Lĩnh vực xây dựng và cung cấp các trung tâm dữ liệu – những căn phòng máy lạnh chạy suốt ngày đêm, chất đầy những giàn máy chủ và thiết bị liên quan, đảm nhiệm mọi dịch vụ từ xử lý các đơn đặt hàng trực tuyến đến theo dõi hàng tồn kho, tài khoản khách hàng và thông tin về thanh toán –  hiện đã có doanh số hàng trăm tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Người ta kỳ vọng ngành này sẽ phát đạt hơn nữa nhờ sự phổ biến của “điện toán đám mây” (cloud computing), trong đó các doanh nghiệp và khách hàng càng ngày càng sử dụng máy tính cá nhân và thiết bị thông tin di động để truy xuất thông tin và chương trình phần mềm chứa trong các trung tâm dữ liệu thay vì chứa trên ổ đĩa cứng của từng máy riêng rẽ.

Theo xu hướng đó, các nhà phân tích nói rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi tập đoàn Oracle – một doanh nghiệp phát triển nhờ tập trung vào mảng phần mềm doanh nghiệp – thôn tính Công ty Sun Microsystems – một tập đoàn mà giá cổ phiếu đang rớt thê thảm trong lúc chật vật tìm nguồn thu từ sản phẩm phần mềm, máy chủ cao cấp và các hệ thống lưu trữ dữ liệu khổng lồ.

“Khách hàng của chúng tôi đòi hỏi Oracle phải đảm nhận một vai trò lớn hơn để làm giảm độ phức tạp, rủi ro và chi phí của họ,” Chủ tịch Oracle, ông Charles Phillips, thông báo như vậy trong thư gửi khách hàng và đối tác. Ông nói rằng, Oracle đã có kế hoạch đáp ứng yêu cầu đó bằng cách cung cấp “một loạt sản phẩm rộng rãi”, bao gồm cả phần cứng và phần mềm, và một “hệ thống tích hợp sẵn” trong đó “mọi bộ phận gắn kết vào nhau, hoạt động cùng nhau và khách hàng không cần phải tự mình làm gì cả”.

Sẽ có thêm nhiều thương vụ tương tự

“Chúng tôi tin rằng hoạt động mua bán sáp nhập công ty trong lĩnh vực công nghệ máy tính đang tiếp diễn và sẽ bùng nổ”.

Chris Whitmore, nhà phân tích đầu tư của Deutsche Bank 

Sự kiện tập đoàn IBM – bậc trưởng lão trong làng công nghệ máy tính – cũng ngấp nghé thâu tóm Sun Microsystems đã khuấy động Oracle và đẩy công ty này vào hành động quyết định.

Trước đó, ở Thung lũng Silicon đã diễn ra những vụ sáp nhập nhỏ hơn, chẳng hạn như công ty sản xuất máy tính Rackable Systems gần đây đã mua lại đối thủ cạnh tranh đang được bảo hộ phá sản là Silicon Graphics. Các chuyên gia cho rằng nhiều vụ sáp nhập như vậy đang âm thầm diễn ra giữa các công ty từng là đối thủ của nhau.

“Chúng tôi nhìn thấy tái diễn hiện tượng thôn tính của thời sụp đổ các doanh nghiệp dot-com một thập niên về trước khi giá cổ phiếu rơi thẳng đứng, nhiều công ty phá sản phơi bày ra nhiều công nghệ hấp dẫn chờ được mua lại,” ông Charles King, một nhà phân tích lão thành của Công ty tư vấn Pund-IT, nhận xét.

Ngay cả các công ty cỡ trung và mạnh khỏe cũng có thể biến thành những mục tiêu thôn tính, theo nhận định của nhà phân tích đầu tư Chris Whitmore của Ngân hàng Đức Deutsche Bank. Trong một báo cáo gửi khách hàng gần đây, Whitmore đã lưu ý tới các công ty NetApp, EMC, Juniper Networks và Brocade Communications Systems… như là những đơn vị “đáng mua” và nói thêm rằng, “chúng tôi tin rằng hoạt động mua bán sáp nhập công ty trong lĩnh vực công nghệ máy tính đang tiếp diễn và sẽ bùng nổ”. Whitmore cho rằng các công ty cỡ bự như HP, Cisco, IBM và Dell đang nỗ lực bành trướng qua việc mua lại các công ty nhỏ để mở rộng danh mục sản phẩm của mình.

Tập đoàn IBM đã phát triển rất mạnh nhờ việc cung cấp cho khách hàng hàng loạt sản phẩm phần cứng và phần mềm cần thiết để vận hành một trung tâm tính toán hiện đại. Còn HP và Cisco đang tận dụng lợi thế công nghệ ngày càng tinh vi của họ để tăng trưởng mạnh hơn nữa, vươn ra ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và truyền thống để theo đuổi những phân khúc thị trường mà trước đây họ nhường cho các công ty khác.

“Đối với những ông khổng lồ, sự tăng trưởng chỉ có thể duy trì bằng cách giành lấy thị phần từ tay những kẻ khác”, ông James Staten, nhà phân tích của Công ty tư vấn Forrester, nhận định. Theo ông Staten, những tiến bộ trong lĩnh vực phần cứng và phần mềm cho phép các công ty công nghệ khổng lồ cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ hơn với chi phí thấp hơn nhờ gắn kết vào nhau những cái trước đây là những bộ phận riêng biệt, chẳng hạn như máy chủ, thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị kết nối mạng và vô số phần mềm khác nhau. Ngày xưa, để có tất cả những thứ này khách hàng phải mua từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.

Và theo ông Gordon Haff của tập đoàn tư vấn công nghệ Illuminata, khi công nghệ ngày càng trở nên phức tạp thì việc lắp ráp và quản lý những bộ phận khác nhau đã trở thành một nhiệm vụ khó khăn và tốn kém. Ngay cả những doanh nghiệp có bộ phận tin học hùng mạnh giờ đây cũng phải trông cậy vào các công ty máy tính chuyên nghiệp chứ không thể tự mình giải quyết mọi vấn đề như trước.

Những hệ thống thống nhất

Tháng trước, khi Cisco Systems công bố họ sẽ bắt đầu bán máy chủ, nhiều người cho rằng Cisco đang từ bỏ lĩnh vực kinh doanh sở trường và truyền thống là cung cấp thiết bị mạng, giúp kết nối các máy tính lại với nhau. Nhưng Tổng giám đốc của Cisco Systems, ông John Chambers, cho rằng tập đoàn này đang hướng tới “một hệ thống điện toán thống nhất” (united computing system), kết hợp cả máy chủ, mạng và những phần mềm mới, giúp cho các bộ phận của một trung tâm dữ liệu cùng hoạt động với nhau một cách suôn sẻ hơn.

Trong khi đó, tập đoàn HP, nổi tiếng là nhà cung cấp máy chủ hàng đầu thế giới, giờ đây đang ra sức quảng bá cho loạt sản phẩm mạng của mình. Mới tuần trước, HP công bố một hệ thống mới, có tên là Ma trận (Matrix), kết hợp cả máy chủ, bộ lưu trữ dữ liệu và thiết bị mạng cùng với bộ phần mềm tinh vi của HP. “Chúng tôi tin rằng các trung tâm dữ liệu ngày nay quá phức tạp, quá tốn kém,” ông Jim Ganthier, Phó chủ tịch của HP, nhận xét, và cho rằng hệ thống Ma trận sẽ giúp đơn giản hóa các hoạt động tính toán với chi phí thấp hơn rất nhiều.

Bây giờ thật khó nói rằng HP là nhà cung cấp máy chủ còn Cisco chuyên về thiết bị mạng vì ranh giới của hai lĩnh vực này đã bị xóa nhòa trong hoạt động của cả HP lẫn Cisco.

Không chỉ HP và Cisco thâm nhập vào lĩnh vực truyền thống của nhau mà đầu tháng Tư vừa qua, trước khi về với Oracle, Sun Microsystems cũng đã kịp trình làng một thế hệ máy chủ mới, được thiết kế để hoạt động hữu hiệu hơn với những thiết bị mạng, thiết bị lưu trữ và phần mềm riêng của Sun Microsystems. Giới phân tích cho rằng, giờ đây Oracle có thể tận dụng sức mạnh tài chính của mình, cộng với chuyên môn công nghệ của cả Oracle và Sun hợp lại để thách thức tham vọng phát triển và kinh doanh trung tâm dữ liệu của bất kỳ đối thủ nào muốn cạnh tranh với họ.

“Oracle có kế hoạch khuếch trương việc kinh doanh phần cứng của Sun,” công ty Oracle tuyên bố và nói thêm rằng Oracle sẽ bán ra thị trường loại máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu được tích hợp sẵn các sản phẩm phần mềm doanh nghiệp của Oracle.

Tuy nhiên, ông Staten của công ty tư vấn Forrester dự đoán rằng, cuối cùng Oracle sẽ “buông” hoạt động kinh doanh phần cứng của Sun – vốn đem lại tỷ suất lợi nhuận thấp hơn rất nhiều so với những thành quả của Oracle trong những năm gần đây. Nếu như vậy, theo ông Staten, Oracle sẽ hợp tác với các nhà cung cấp phần cứng như HP, và sẽ “bẩy” ngôn ngữ lập trình Java của Sun lên cao để từ đó cung cấp cho thị trường một danh mục rộng lớn các sản phẩm phần mềm và dịch vụ tư vấn.

Những cơ hội mới

Nhưng khi Oracle và những người khổng lồ công nghệ khác cố gắng giành giật thị phần trong lĩnh vực kinh doanh trung tâm dữ liệu thì vẫn còn chỗ cho những tay chơi nhỏ hơn. Công ty VMware mới phất lên chẳng hạn, năm ngoái đã thu được 1,9 tỷ đô-la Mỹ nhờ bán các phần mềm ảo hóa (virtualisation) tiên tiến của mình – phần mềm thay đổi phương cách mà các trung tâm dữ liệu phân bổ công việc cho các máy tính khác nhau và giúp thúc đẩy xu thế tích hợp gần nhau các bộ phận khác nhau của cùng một hệ thống.

“Chúng ta luôn luôn có những công nghệ mới ra đời và tạo ra những cơ hội mới,” ông Staten nói.

(San Jose Mercury News)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới