Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sau đợt thu hồi, Tiền Giang còn bao nhiêu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 528 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu đảm bảo thực hiện đúng quy định. Đây là con số còn lại sau khi có 450 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị huỷ như KTSG Online đã thông tin.

Tiền Giang hiện còn 528 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu hiện hành. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang vừa có văn bản 1573/SNN&PTNT-TT&BVTV để báo cáo UBND tỉnh về việc “thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói bị huỷ trên địa bàn tỉnh”

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn 528 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói thực hiện đúng các quy định hiện hành.

Cụ thể, có 271 mã số vùng trồng cây ăn trái được cấp với diện tích 20.051 héc ta, bao gồm 70 mã số vùng trồng mít với diện tích 8.519 héc ta; 77 mã số vùng trồng cây thanh long với diện tích 6.090 héc ta; 32 mã số vùng trồng xoài với diện tích 1.579 héc ta; 12 mã số vùng trồng vú sữa với diện tích 73 héc ta; 5 mã số vùng trồng dưa hấu có diện tích 819 héc ta; 3 mã số vùng trồng chôm chôm với diện tích 389 héc ta; 2 mã số vùng trồng nhãn với diện tích 121 héc ta; 66 mã số vùng trồng sầu riêng có diện tích 2.401 héc ta và 4 vùng trồng bưởi với diện tích 60,35 héc ta.

Trong khi đó, với mã số cơ sở đóng gói, toàn tỉnh hiện có 257 mã số . “Các mã số nêu trên (vùng trồng và cơ sở đóng gói) đảm bảo thực hiện đúng theo quy định, chưa có trường hợp nào phải huỷ hoặc thu hồi”, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang viết.

Liên quan đến 450 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây bị thu hồi như KTSG Online đã thông tin, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, ngày 23-5-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn về việc công cấp thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã giao các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương rà soát, tổng hợp và đề nghị Cục bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh (giai đoạn này để được cấp mả số chỉ cần có văn bản đề nghị, kèm theo danh sách, địa điểm, loại cây trồng… mà chưa có quy định hồ sơ chặt chẽ như hiện nay – PV).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến ngày 25-5-2021, Cục Bảo vệ thực vật giao 281 mã số vùng trồng và 728 mã số cơ sở đóng gói về cho địa phương quản lý, giám sát.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong năm 2021-2022, cơ quan này tiến hành rà soát đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số trên địa bàn tỉnh, thì kết quả có 450 mã số bị hủy do không đảm bảo theo quy định mới của nước nhập khẩu hoặc đã ngưng hoạt động.

Từ kết quả giám sát nêu trên, đơn vị này đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn quản lý chặt việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thông qua tập huấn, tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của việc cấp mã số phục vụ xuất khẩu; chấp hành quy định nước nhập khẩu; sản xuất theo hướng an toàn…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới