(KTSG Online) – Hạ tầng đồng bộ, môi trường kinh doanh thông thoáng và nhân lực chất lượng cao sẽ là ba khâu đột phá chiến lược được tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện thời gian tới. Đây là nền tảng được tỉnh Tiền Giang đề ra nhằm gia tăng thu hút đầu tư phát triển kinh tế- xã hội thời gian tới…
Tại hội nghị "Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang" diễn ra vào hôm nay (24-3), ông Rob Brouwer, đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết, các chuyên gia tư vấn đã nghiên cứu và đề ra ba khâu đột phá chiến lược nhằm giúp địa phương gia tăng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội thời gian tới.
Theo đó, khâu đột phá chiến lược đầu tiên là phải trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng và hành lang kinh tế trọng của tỉnh Tiền Giang. Trong đó bao gồm vùng kinh tế trọng điểm Gò Công; vùng công nghiệp Tân Phước và hành lang kinh tế dọc sông Tiền.
Khâu đột phá thứ hai, theo ông Rob Brouwer, Tiền Giang phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số với ba trụ cột, gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Khâu đột phá thứ ba được đơn vị tư vấn đề ra là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh Tiền Giang.
Từ ba khâu đột phá nêu trên, tỉnh Tiền Giang cũng đã xác định một số nội dung chiến lược trong định hướng phát triển và được cụ thể hoá trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đó là: thứ nhất, đối với công nghiệp sẽ phát triển theo hướng hiện đại, tập trung quy mô lớn.
Thứ hai, vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược có tiềm năng kinh tế to lớn. Trong đó, sẽ tập trung phát triển đô thị, du lịch, thuỷ sản và cảng biển nhằm tạo động lực cho chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Tiền Giang cho biết, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh có vị trí thuận lợi “trên bến dưới thuyền”, có vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TPHCM và Đông Nam bộ…
Theo ông, quy hoạch tỉnh đã xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển. Cụ thể là trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông- Tân Phú Đông; vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước; khu vực ven sông Tiền được quy hoạch mới thành trục đô thị ven sông, phục vụ phát triển du lịch.
Ngoài ra, theo ông Danh, bốn hành lang kinh tế sẽ được địa phương tập trung. Đó là hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận; hành lang dọc tuyến quốc lộ 1; hành lang tuyến đường bộ ven biển, tuyến quốc lộ 50 và hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng ĐBSCL.
Để hiện thực hoá các mục tiêu, Tiền Giang nhấn mạnh sẽ huy động tối đa nguồn lực tham gia, nhất là thu hút đầu tư vào các công trình hạ tầng kinh tế- kỹ thuật; xây dựng môi trường đầu tư năng động, nâng cao mức độ hài lòng của nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngoài các dự án trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng như nghiên cứu đầu tư, tỉnh Tiền Giang cũng đưa ra danh mục 40 dự án ưu tiên để mời gọi các nhà đầu tư với tổng vốn 53.900 tỉ đồng. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, gồm đô thị dân cư; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp; kết cấu hạ tầng và nông nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch là nền tảng giúp địa phương phát triển kinh tế- xã hội, nhưng quá trình thực hiện cần linh hoạt, phù hợp với thực tế phát triển. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ để gia tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng hoan nghênh doanh nghiệp đến Tiền Giang đầu tư để cùng địa phương xây dựng và phát triển. “Tuy nhiên, tinh thần là phải ba cùng, tức cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, hành động và cuối cùng là cùng hưởng, cùng chiến thắng và phát triển”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu phải đồng hành, hỗ trợ địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án, xoá bỏ cơ chế xin cho. Đồng thời, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát nâng cao nâng lực thực thi của các cấp...