Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sẽ dời dân xã đảo vào đất liền sinh sống

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sẽ dời dân xã đảo vào đất liền sinh sống

Uyên Viễn thực hiện

Ông Lê Văn Thơm, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG Online) – Ngày 7-11, chính quyền huyện Cần Giờ (TPHCM) đã có cuộc họp sơ bộ đánh giá tình hình di dời và chăm sóc hàng ngàn người dân đang trú bão số 13 tại thị trấn Cần Thạnh, trung tâm của huyện này.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Lê Văn Thơm, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, về các diễn biến trước và sau khi cơn bão số 13 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

TBKTSG Online: Đêm hôm qua (6-11-2013) tâm trạng cá nhân ông và chính quyền các cấp huyện Cần Giờ như thế nào?

– Ông Lê Văn Thơm: Không chỉ cá nhân tôi mà tất cả cán bộ, cũng như hàng ngàn cư dân địa phương suốt mấy ngày qua đều ở trong trạng thái hồi hộp.

Trong trường hợp cơn bão số 13 đổ bộ vào Cần Giờ vào chiều tối 6-11, thiệt hại về người và của rất khó lường. Kết cuộc, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên biển và di chuyển sang hướng khác. Tâm trạng của tất cả cư dân và chính quyền các cấp huyện Cần Giờ phải nói là rất mừng, vì sự bình an đã diễn ra từ suốt tối qua cho đến sáng nay (7-11).

Bao giờ thì chính quyền địa phương đưa người dân từ nơi trú bão về lại nhà của họ?

Điều này còn tùy thuộc vào diễn biến của thời tiết. Nếu trời quang, mây tạnh, có thể trong chiều nay (7-11) người dân sẽ nhận được thông báo lần lượt trở về nhà ở ngoài xã đảo Thạnh An hoặc các tổ ấp ven các con sông rạch, ven biển. Trường hợp trời vẫn còn mưa dông, gió giật thì người dân vẫn tiếp tục tạm trú trong đất liền chờ ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo UBND TPHCM.

Trong thời gian người dân trú bão, mỗi ngày họ được chăm sóc ba bữa ăn. Bên Hội Phụ nữ huyện báo cáo cho chúng tôi biết, giá mỗi suất cơm hộp là 20.000 đồng.

Ông có nghĩ rằng công tác dự báo bão của các trung tâm khí tượng thủy văn bị sai sẽ dẫn đến việc các địa phương được cho là bão đổ bộ và sẽ tốn kém nhiều chi phí về nhân lực, vật lực?

Diễn biến của các cơn bão hầu hết là khó lường, gây thiệt hại rất lớn. Chính vì thế nếu chúng ta chủ quan trong công tác dự báo bão sẽ trả giá rất đắt.

Phương châm phòng chống bão lũ bao giờ cũng áp dụng nguyên tắc bốn tại chỗ. Đó là chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư và công tác hậu cần. Chúng ta thà chịu tốn kém chi phí trong công tác chuẩn bị, thuê phương tiện đưa đón, ứng phó cứu dân còn hơn là chịu tổn thất, mất mát tính mạng nhân dân.

Về phía người dân rất có ý thức trong việc chấp hành di dời đến nơi trú bão an toàn.

Vì huyện Cần Giờ là vùng xa cho nên trước và sau các cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới đi qua, chính quyền địa phương rất thiếu các phương tiện, công cụ chuyên dụng như cưa cây gãy đổ, dọn dẹp vệ sinh, môi trường, thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, chăm sóc người dân v.v. Thí dụ như trong những ngày chờ tránh bão, huyện Cần Giờ rất thiếu các tấm bạt mới, sạch sẽ để trải xuống nền nhà cho bà con nghỉ lưng tại các nhà văn hóa, trường học tại thị trấn Cần Thạnh.

Chi phí trung bình cho mỗi đợt chờ đón bão đổ bộ vào huyện Cần Giờ là bao nhiêu?

Cũng tùy thuộc vào thời gian diễn biến của bão nhanh hoặc chậm, một hai ngày hay kéo dài nhiều ngày. Chẳng hạn, cơn bão số 1 diễn ra năm ngoái (2012), chi phí ước tính khoảng 800 triệu đồng. Còn những năm trước đó, mỗi đợt đón bão huyện Cần Giờ chi ra từ 500- 800 triệu đồng, chưa bao giờ vượt qua con số 1 tỉ đồng.

Chi phí thuê phương tiện cứu hộ, cứu nạn bao gồm ghe, thuyền và xe chiếm hơn 1/2 tổng chi phí tổ chức phòng tránh bão. Phần còn lại được sử dụng mua thực phẩm, mền gối, sữa, thuốc, dầu xanh… để hỗ trợ bà con.

Nhiều năm trước, lãnh đạo TPHCM và huyện Cần Giờ từng đề cập đến việc di dời người dân từ xã đảo Thạnh An vào đất liền sinh sống. Vậy bao giờ kế hoạch này được triển khai?

Xã đảo Thạnh An hiện có 1.300 hộ dân, với 4.500 nhân khẩu. Trong những ngày dự báo cơn bão số 13 đổ bộ vào Cần Giờ, chính quyền địa phương đã vận động di dời khoảng 2.000 dân vào đất liền trú bão. Họ là người già, người bệnh, trẻ em và phụ nữ. Cánh đàn ông, thanh niên thì ở lại đảo giữ nhà.

Hiện tại chính quyền huyện Cần Giờ đang xây dựng phương án di dời cục bộ cư dân xã đảo Thạnh An. Trong thời gian ban đầu, dự kiến sẽ di dời 400 hộ dân vào đất liền định cư tại khu dân cư Giồng Ao thuộc thị trấn Cần Thạnh. Khu dân cư này có diện tích khoảng 20-30 héc ta. Sau khi hoàn chỉnh bản vẽ quy hoạch chi tiết, chính quyền huyện sẽ trình lên lãnh đạo TPHCM xem xét và triển khai sau đó.

Thời gian triển khai các giai đoạn di dời dân xã đảo vào đất liền sinh sống, hạn chế thiệt hại do bão gây ra còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện tài chính v.v. cho nên tạm thời chưa xác định được mốc thời gian.

Xin cảm ơn ông!

Từ đêm qua cho đến 12g trưa nay (7-11-2013) mưa dầm diễn ra trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Từ 14g, tại trung tâm thị trấn Cần Thạnh trời bắt đầu hửng nắng, tạnh mưa. Các khách sạn, nhà trọ đã đón khách trở lại.

Thông tin từ ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết lúc 15g chiều nay (7-11), chính quyền địa phương sẽ có cuộc họp thứ hai trong ngày để bàn đến việc đưa người dân trở lại nhà của họ ở các xã, tổ ấp.

Theo báo cáo của lãnh đạo bệnh viện huyện Cần Giờ tại cuộc họp diễn ra sáng 7-11 tại UBND huyện, trong ngày hôm qua (6-11) có một số trường hợp phải nhập viện. Đó là hai người dân bị tiêu chảy nhẹ và ba sản phụ.

Trong sáng 7-11, một trường hợp trượt nước bị té gãy tay do đi tránh bão đã nhập viện điều trị tại khoa ngoại bệnh viện huyện. Đó là cụ bà Ung Thị Thích, 83 tuổi, cư dân xã đảo Thạnh An.

Cụ bà Ung Thị Thích đang điều trị tại khoa ngoại, bệnh viện huyện Cần Giờ. Ảnh: Uyên Viễn

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới