Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Shipper với nền tảng công nghệ: Gió đang đổi chiều

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) –  Sự bùng nổ của ngành công nghiệp chuyển phát hàng hóa trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, đã khiến nhiều quốc gia phải quan tâm hơn đến việc bảo vệ quyền lợi của các nhân viên giao hàng – đối tượng vốn chịu nhiều thiệt thòi trong mối quan hệ với các nền tảng công nghệ.

Trung Quốc đang có hơn 7 triệu người làm việc với tư cách là nhân viên giao hàng thực phẩm. Họ chỉ kiếm được 41 nhân dân tệ sau một ca làm việc kéo dài 12 tiếng.

Nhân viên giao hàng đối mặt với nhiều sức ép lớn

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi năm ngoái, nền kinh tế toàn cầu đã phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng khi các doanh nghiệp, cửa hàng phải đóng cửa hàng loạt. Trong bối cảnh đó, các nền tảng công nghệ đã ném cho các chủ nhà hàng, hãng bán lẻ và người lao động một chiếc phao cứu sinh quan trọng: dịch vụ mua hàng trực tuyến.

Mọi hàng hóa cần thiết cho cuộc sống của người dân trong thời gian phải ở nhà vì đại dịch giờ đây đều có thể được cung cấp thông qua các nền tảng trực tuyến và nhân viên giao hàng.

Theo thống kê của Statista, trong năm ngoái, chỉ riêng lĩnh vực giao nhận thực phẩm đã ghi nhận mức tăng trưởng 67% trên toàn thế giới, trong đó một số quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng trên 100% như Mỹ (123%), Nga (117%) hay Canada (113%). Còn tại Đông Nam Á, sự gia tăng trong hoạt động giao nhận thực phẩm đã khiến tổng giá trị hàng hóa tăng tới 183%, ngay cả khi nhiều quốc gia áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, nhu cầu đặt hàng tăng đột biến, đồng thời cũng khiến người lao động làm việc cho các nền tảng công nghệ tại nhiều nước phải đối mặt với nhiều sức ép và rủi ro hơn. Họ phải làm việc nhiều giờ trên đường, đối mặt với nguy cơ kiệt sức, tai nạn giao thông và phơi nhiễm Covid-19 trong khi lại không được hưởng các chế độ bảo vệ, phúc lợi xã hội và có một thu nhập ổn định, bởi chỉ được các nền tảng coi là đối tác, chứ không phải nhân viên. Đó là chưa kể đến nguy cơ bị phạt thường xuyên vì không thể hoàn thành các đơn hàng đúng hạn.

Tại Hàn Quốc, kể từ khi đại dịch bùng phát hồi năm ngoái, đã có nhiều trường hợp nhân viên giao hàng tử vong, được kết luận là do “làm việc quá sức”. Các nhân viên được mô tả là phải làm việc 10-14 tiếng/ngày nhưng chỉ có nửa tiếng để nghỉ ngơi. Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, Ủy ban Nhân quyền quốc gia cho biết, các tài xế giao hàng đã phải làm việc trung bình 71,3 giờ/tuần – tương đương với “tiêu chuẩn quốc tế của 100 năm trước”.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Trung Quốc – nơi đang có hơn 7 triệu người làm việc với tư cách là nhân viên giao hàng thực phẩm. Các cuộc tranh luận đã gia tăng, sau khi giới chức Trung Quốc hồi tháng 4 cho đăng tải đoạn video ghi lại hình ảnh một quan chức nước này bí mật làm việc với tư cách là nhân viên giao hàng thực phẩm cho nền tảng Meituan ở Bắc Kinh để tìm hiểu tình hình thực tế.

Sau một ca làm việc vất vả kéo dài 12 tiếng và phải đối mặt với những án phạt của công ty, ông Wang Lin – một quan chức tại Cục An sinh xã hội và Nhân sự thành phố Bắc Kinh, chỉ kiếm được 41 nhân dân tệ (6,37 đô la Mỹ) – một số tiền thấp hơn nhiều so với tưởng tượng ban đầu.

Giới chức các nước thắt chặt quy định

Trong khi các công ty công nghệ vẫn đang tập trung vào cuộc đua thúc đẩy số lượng đơn hàng và rút ngắn thời gian thực hiện, giới chức nhiều nước cũng đang tiến hành một cuộc đua khác: buộc các nền tảng phải chú trọng hơn đến quyền lợi của người lao động.

Hôm 10-9, giới chức Trung Quốc đã triệu tập các hãng công nghệ hàng đầu của nước này, trong đó bao gồm Alibaba, Tencent, Meituan và Didi Chuxing…, tham gia một cuộc họp để thảo luận về những nỗ lực của họ trong việc bảo vệ các quyền lợi của người lao động trong nền kinh tế tự do (gig economy), theo các hướng dẫn mới được ban hành bởi chính phủ nước này hồi tháng 7. Các công ty được yêu cầu thiết lập thời gian biểu và lộ trình để tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ, bao gồm cả việc ký hợp đồng lao động.

Trước đó, Cơ quan Quản lý nhà nước về Quy chế thị trường (SAMR) cùng sáu cơ quan chính phủ khác đã ban hành hướng dẫn mới cho các công ty công nghệ, nhằm bảo vệ quyền lợi cơ bản của các lao động hợp đồng như nhân viên giao hàng, tài xế dịch vụ chia sẻ xe. Các quyền lợi này bao gồm thu nhập cơ bản, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc tốt và quyền được tiếp cận các chương trình bảo hiểm.

Những nỗ lực tương tự cũng được triển khai tại nhiều quốc gia châu Á khác. Trong bài phát biểu nhân dịp ngày Quốc khánh Singapore (9-8), Thủ tướng Lý Hiển Long đã đề cập đến mối quan tâm cụ thể đối với các nhân viên giao hàng đang làm việc cho các nền tảng trực tuyến. Ông nhấn mạnh rằng họ làm việc “với mọi ý định và mục đích giống như các nhân viên”, nhưng lại thiếu đi các biện pháp bảo vệ cơ bản như bồi thường thương tật tại nơi làm việc, được đại diện bởi công đoàn và được công ty đóng bảo hiểm.

Bộ Nhân lực Singapore hiện đang nghiên cứu cách thức để đảm bảo điều kiện làm việc và chế độ phúc lợi tốt hơn cho các nhân viên giao hàng đang làm việc cho các nền tảng trực tuyến như Grab, Deliveroo, Foodpanda cũng như những người lao động tạm thời khác.

Thượng viện Philippines dự kiến sẽ thông qua dự luật cung cấp một “lớp bảo vệ” bao gồm lương cơ bản, phúc lợi xã hội và điều kiện bảo vệ cho những người lao động trong lĩnh vực này.

Còn tại Úc, nền tảng giao đồ ăn trực tuyến Menulog hồi tháng 4 cho biết, hãng sẽ trực tiếp sử dụng các nhân viên giao hàng của mình và trao cho họ các quyền lợi như mức lương tối thiểu và các khoản đóng góp lương hưu. Hãng cũng tăng chi phí đóng bảo hiểm, và nghiên cứu các cách thức để tạo nguồn quỹ cho việc người lao động nghỉ ốm hoặc nghỉ lễ.

Thông báo này được đưa ra chỉ hai tháng trước khi báo cáo của một ủy ban thượng viện Úc nêu lên những lo ngại về việc thiếu các biện pháp bảo vệ cơ bản và mức lương thấp dành cho các nhân viên làm việc trong nền kinh tế gig economy.

Cuộc chiến pháp lý đảo chiều

Trong khi đó, tại các quốc gia phương Tây, sau quãng thời gian dài tranh cãi, một số sự thay đổi cũng đã bắt đầu diễn ra, phần lớn bắt nguồn từ phán quyết của các tòa án.

Từ giữa tháng 3 năm nay, hãng cung cấp dịch vụ gọi xe Uber đã có một sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh, khi công nhận khoảng 70.000 tài xế là nhân viên của mình, cấp cho họ mức lương tối thiểu, nghỉ phép có lương và các kế hoạch lương hưu.

Uber cũng công bố một thỏa thuận về việc để nghiệp đoàn xe cho thuê tư nhân GMB đại diện cho các lái xe của hãng tại Vương quốc Anh. Các động thái này được đưa ra sau khi Tòa án tối cao Anh duy trì phán quyết về việc các lái xe của Uber nên được phân loại là nhân viên thay vì các nhà thầu độc lập.

Tại Tây Ban Nha, một đạo luật có tên gọi là Luật Rider đã bắt buộc các nền tảng giao hàng thực phẩm phải coi nhân viên giao hàng là nhân viên làm công ăn lương, với các quyền lợi như thương lượng tập thể.

Đạo luật có hiệu lực kể từ ngày 12-8 rồi cũng yêu cầu các công ty phải tiết lộ cách thức hệ thống của họ phân công công việc và đánh giá hoạt động của các nhân viên giao hàng. Những thay đổi này diễn ra sau một phán quyết hồi tháng 9 năm ngoái của Tòa án tối cao Tây Ban Nha, công nhận một người giao hàng làm việc cho công ty chuyển phát nhanh Glovo là nhân viên của hãng.

Tại Ý, công ty giao đồ ăn trực tuyến Just Eat đã ký hợp đồng với những lái xe của mình trên cả nước, cung cấp cho họ mức lương tối thiểu 8,5 euro/giờ, nghỉ phép có lương, nghỉ ốm, an sinh xã hội và bảo hiểm, cũng như công đoàn đại diện.

Điều này được thực hiện sau khi Văn phòng công tố viên Milan hồi tháng 2 đã yêu cầu các công ty giao đồ ăn như Uber Eats và Deliveroo trong vòng ba tháng phải thuê người giao hàng theo hợp đồng chính thức hoặc đối mặt với án phạt hàng trăm triệu euro.

Cuộc chiến pháp lý vẫn đang tiếp tục diễn ra ở một số quốc gia khác. Tại Thụy Sỹ, một tòa án ở Geneva đã ra phán quyết hồi tháng 6 năm ngoái, coi Uber Eats là công ty sử dụng lao động và phải thuê các tài xế với tư cách là nhân viên chính thức, có bảo hiểm xã hội và các điều kiện phúc lợi khác. Uber đã đệ đơn kháng cáo lên tòa án liên bang và phán quyết cuối cùng của vụ việc dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối năm nay.

Còn tại Mỹ, một số công ty đã thành lập các nhóm vận động hành lang và đang làm việc với nghiệp đoàn ở nhiều bang khác nhau để đạt được thỏa hiệp cho phép tài xế và nhân viên giao đồ ăn tổ chức thành một nghiệp đoàn, thương lượng mức lương tối thiểu và các lợi ích khác, trong khi vẫn đảm bảo được rằng các lao động này sẽ không được phân loại là nhân viên.

Dẫu vậy, nỗ lực này của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với trở ngại lớn khi mới đây, một thẩm phán ở bang California đã ra phán quyết rằng Dự luật 22 – một biện pháp cho phép các công ty gig economy phân loại nhân viên hợp đồng thành các nhà thầu độc lập với những quyền lợi hạn chế – là vi hiến. Các công ty cho biết sẽ kháng cáo về vấn đề này.

Sự cân bằng quyền lợi của các bên liên quan

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, song song với những biện pháp cứng rắn, chính phủ các nước cũng cần chú ý đến việc cân bằng quyền lợi giữa các bên liên quan: người bán muốn mức phí hoa hồng thấp nhất, người tiêu dùng muốn giá cả phải chăng, những người giao hàng muốn có đủ công việc và thời gian linh hoạt, trong khi nền tảng trực tuyến cũng cần đảm bảo lợi nhuận để duy trì hoạt động.

Một ví dụ mang tính cảnh báo rõ nét là việc nền tảng Deliveroo đã thông báo kế hoạch rút khỏi thị trường Tây Ban Nha sau khi chính phủ nước này cam kết ban hành một đạo luật để cung cấp cho người lao động nhiều quyền lợi hơn. Trong trường hợp này, sự mất cân bằng về quyền lợi đã dẫn tới việc doanh nghiệp đánh mất thị trường trong khi người lao động cũng mất đi thu nhập và cơ hội việc làm.

Theo Channel News Asia, đây là lý do vì sao cách tiếp cận của Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề này hiện chỉ dừng lại ở các hướng dẫn. Cách tiếp cận này cung cấp một danh sách các tùy chọn cho phép người lao động lựa chọn mức độ linh hoạt so với mức độ an toàn trong công việc mà họ có thể có, đồng thời cũng mang lại cho các công ty những tùy chọn để điều chỉnh mô hình kinh doanh, thay vì áp dụng các công cụ hạn chế bắt buộc doanh nghiệp phải coi nhân viên giao hàng là nhân viên làm công ăn lương toàn thời gian.

Một hướng đi khác là khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với chính phủ trong các vấn đề như đào tạo và nâng cao kỹ năng của người lao động hợp đồng, giúp họ có thể chuyển sang một vai trò khác, mang tính lâu dài hơn.

Tại Singapore, Foodpanda đã hợp tác với trường Đại học Bách khoa Temasek cung cấp cho người lao động các khóa học miễn phí, hoặc giảm giá thông qua nền tảng học tập điện tử Gnowbe, trong khi Grab cũng hợp tác với Microsoft để những nhân viên có kỹ năng kỹ thuật số có cơ hội được đào tạo và thực tập trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội làm việc toàn thời gian và nguồn thu nhập ổn định cho người lao động trong dài hạn.

Nguồn: Channel News Asia, Strait Times, SCMP, The Guardian, Nikkei Asia Review

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới