(KTSG) - Vàng vẫn luôn là một loại hàng hóa đặc biệt, dù chúng ta có công nhận điều đó hay không. Không chỉ riêng ở Việt Nam, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều muốn loại bỏ vàng khỏi lưu thông trong nền kinh tế nhưng không thể làm được vì người dân vẫn có xu hướng tích trữ vàng. Để thị trường vàng minh bạch và lành mạnh hơn thì nên bỏ độc quyền vàng miếng thương hiệu vàng SJC và cho phép các tổ chức khác tham gia thị trường vàng miếng.
Mấu chốt vẫn là quyền lợi của người bị thu hồi đất (mục Ý kiến): Quy định Nhà nước đứng ra thu hồi đất rồi giao cho nhà đầu tư, hay để nhà đầu tư tự thương lượng đền bù với người dân cũng chỉ là hình thức thực hiện. Vấn đề mấu chốt vẫn là quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất có được bảo đảm hay không?
Chống sở hữu chéo: Không thể “lấy hữu hình để trị vô hình” (An Nhiên): Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua trong kỳ họp bất thường vừa qua đã thiết kế nhiều chốt chặn để xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng. Dù vậy, thật khó “lấy hữu hình để trị vô hình”! Muốn ngăn được sở hữu chéo, điều quan trọng là phải tăng cường hiệu quả thanh tra, giám sát.
Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ có bước đột phá? (Triệu Minh): Sau nhiều năm chậm trễ, đang có những tín hiệu tích cực về việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Đặc biệt, tiến độ thực hiện sẽ có những bước đột phá quan trọng trong năm 2024 này, khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.
Thuốc đặc trị cho “cơn sốt nóng” vàng miếng SJC (Hoàng Hạnh): “Cần có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy, bảo đảm an toàn cho người dân khi đầu tư nhiều hơn vào các thị trường có thể giúp tái đầu tư vào tăng trưởng kinh tế như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…”, đó là quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM khi trao đổi với tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Bài học từ chính sách điện mặt trời của California (Nguyễn Vũ): Nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, California thay đổi chính sách là vội vàng vì chưa tính đến giá trị môi trường của điện áp mái. Cắt giảm mức khuyến khích tức sẽ cắt giảm nỗ lực bảo vệ môi trường.
Rủi ro nào đang rình rập thế giới? (TS. Võ Đình Trí): Hàng năm, cùng với thời điểm diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì tổ chức này cũng công bố một loạt báo cáo chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực. Trong số này, báo cáo Rủi ro toàn cầu 2024 (The Global Risks Report 2024) trở nên nổi bật vì đang có những lo ngại về một thế giới nhiều bất ổn trước mắt.
Cuộc chiến chống lạm phát chưa thể kết thúc (Song Thanh): Giới đầu tư đang tỏ ra lạc quan vào khả năng chiến thắng lạm phát và đã nghĩ tới viễn cảnh các ngân hàng trung ương sẽ sớm hạ lãi suất. Tuy nhiên, kỳ vọng như vậy vào lúc này có thể vẫn còn quá sớm.
Tác động toàn cầu của việc đóng cửa kênh Suez và xung đột Biển Đỏ (Trần Khôi Nguyên): Trong vòng không đầy ba năm, hai sự cố nghiêm trọng đã diễn ra trên trục đường biển Á-Âu. Tai nạn của tàu container Ever Given làm đình trệ hoạt động trên kênh đào Suez và lực lượng Houthi tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ. Các sự cố trên, có thể xem là chưa từng có tiền lệ, đã tác động nặng nề đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là giữa châu Á và châu Âu.
Cơ hội đầu tư ở nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ! (Thanh Thủy): Về xu hướng VN-Index trong những tuần cuối trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch, thanh khoản không quá sôi động đi kèm diễn biến phân hóa sâu sắc nhiều khả năng sẽ là diễn biến chính của thị trường.
Bức tranh lợi nhuận năm 2023 dần hé lộ (Triêu Dương): Ngày 30-1-2024 mới là hạn cuối để các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quí 4-2023. Đến thời điểm đầu tuần này (22-1), đã có xấp xỉ hơn 470 doanh nghiệp trên ba sàn công bố báo cáo tài chính, mẫu số chung cho thấy kết quả kinh doanh quí 4-2023 có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.
Quí kinh doanh khởi sắc của các công ty chứng khoán! (Linh Trang): Nhìn chung, tình hình kinh doanh của các CTCK được dự báo sẽ còn tiếp tục khởi sắc trong năm 2024 với những kỳ vọng mới về đà tăng trưởng của VN-Index cũng như những sự thay đổi trong hạ tầng giao dịch và cấu trúc của thị trường (hệ thống KRX, triển vọng nâng hạng…).
Trái phiếu doanh nghiệp - Động lực nào cho năm 2024? (Thụy Lê): Sự sôi động trở lại của kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng cuối năm 2023 là tín hiệu báo trước cho thấy kênh đầu tư này có thể khởi sắc hơn trong năm 2024. Những động lực chính nào có thể hỗ trợ thị trường TPDN trong năm nay?
Áp lực lạm phát 2024 - Cầu kéo, chi phí đẩy hay vì mở rộng cung tiền? (Tuệ Nhiên): Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 của Việt Nam chỉ tăng 3,25% so với năm 2022; lạm phát cơ bản (đã loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) tăng 4,16%, đều thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra. Lạm phát năm 2024 có thể chịu áp lực từ đâu: cầu kéo, chi phí đẩy hay mở rộng cung tiền?
Ai thụ hưởng nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng? (Phạm Lộc Hà - Lưu Minh Sang): Trước các tiềm năng to lớn trong việc phát triển thị trường carbon rừng, câu hỏi đặt ra là nguồn thu từ việc mua bán tín chỉ carbon sẽ được chia sẻ như thế nào?
Điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ: Con dao hai lưỡi? (Hoàng Ngọc Phan): Điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giúp công ty bảo hiểm thoát khỏi nghĩa vụ bồi thường khi người được bảo hiểm tử vong trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, nếu không áp dụng hợp lý, công ty bảo hiểm sẽ đánh mất niềm tin của khách hàng và gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của công ty.
Khi tác phẩm AI có thể được bảo hộ bản quyền ở Hàn Quốc (Lê Thiên Hương): Những ngày đầu năm 2024, nhiều người quan tâm tới chủ đề trí tuệ nhân tạo bất ngờ trước thông tin bộ phim AI Surobuin (tạm dịch, Người vợ của Al Suro) được công nhận là tác phẩm được Luật Bản quyền bảo hộ ở Hàn Quốc…
Tăng lương, thăng chức để kéo nhân viên trở lại văn phòng (Ngân Diệp): Các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cách đưa nhân viên quay trở lại văn phòng bằng cách đưa ra những cơ hội tăng lương hay thăng tiến.
Quản lý giá thuốc: làm thế nào để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân? (Nguyễn Văn Phúc - Nguyễn Nhật Dương): Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt được lưu hành trên thị trường, do đó, việc quản lý giá thuốc hiện nay cũng có sự khác biệt so với nhiều mặt hàng khác. Tuy nhiên, việc quản lý giá thuốc hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến tình trạng cả doanh nghiệp, người dân và cơ quan Nhà nước đều gặp khó.
Còn bẻ kèo, còn nghèo (Nguyễn Quang Bình): Thất hứa thực hiện một hay nhiều hợp đồng giao hoặc nhận hàng dù một bên đã thu hay chưa thu tiền đặt cọc chính là “xù” hợp đồng - một thói xấu trong kinh doanh mà nếu không loại bỏ thì khó mà ngẩng cao đầu làm ăn và giàu có.
Cụm bài về tiếp thị liên kết để bạn đọc có thể hiểu thêm về thị trường này qua các bài Nhiều góc khuất nơi mô hình tiếp thị liên kết (Khánh Hưng) - Tiếp thị liên kết thực sự cần sự liên kết (Hồ Nguyên Thảo) - Tiếp thị liên kết trước những thách thức về pháp lý (Ngân Trần).
Đưa giáo dục nhân bản và sinh thái học vào trường học (Quang Hà): Chỉ có sự hiểu biết mới mang lại hòa bình, mang lại đời sống an lành giữa người với người, người với thiên nhiên. Đó là tầng bậc của tinh thần và trí tuệ, mà chỉ có giáo dục mới có khả năng khai mở trên diện rộng. Để làm điều này, nhiều quốc gia đã bắt đầu đưa sinh thái học và giáo dục nhân bản vào trong nhà trường.
Năm rồng nói chuyện rắn bay (Hoàng Việt): Những tiếng rào rào kéo dài từ dưới mái tranh lan nhanh về phía những ngọn cây ở cuối góc vườn. Trời nắng không chút gợn mây và cũng chẳng có giọt mưa nào đổ xuống. Đây ắt hẳn là hiện tượng di chuyển của bầy rắn bay về phía con mồi ở nơi bìa rừng.
Thương sao hai tiếng “đồng bào” (Nguyễn Quang Bình): …Đời K’ Banh không được học cái chữ như chúng. Nay con cháu đã biết đọc biết viết, mạnh dạn giao tiếp với người ngoài bon, K’Banh cảm thấy an lòng và tin rằng với đám trẻ thông minh “con hơn cha” ấy, chúng được sống trọn trong tình nghĩa đồng bào ruột thịt, thân thiện và chan hòa, lòng K’Banh rung lên như hoa phong lan rừng gặp gió.
Vấn vương tháng Chạp (Trần Thanh Bình): Khi cơn gió Tết bắt đầu thổi quanh phố phường, là biết lòng mình náo nức thanh âm vấn vương tháng Chạp.
Những chớp sáng từ Nhật Bản (Nguyễn An Nam): Trong cuốn sách tập hợp những bài tiểu luận, ghi chép xuất sắc về du hành in năm 1984 có tựa Collezione di sabbia (bản dịch tiếng Việt: Bộ sưu tập cát, Hà Vũ Trọng dịch, Phanbook & NXB Hội Nhà văn, 2023), nhà văn Ý Italo Calvino có những ghi chép khá thú vị về Nhật Bản.
Các tỉ phú Mỹ đầu tư vào báo chí lỗ nặng (Lạc Diệp): Sự kết hợp giữa các tờ báo danh tiếng và tài kinh doanh của các tỷ phú hàng đầu, rốt cuộc đã không thành công như kỳ vọng. Nhiều tờ báo vẫn đang tiếp tục thua lỗ, bất chấp đã được rót hàng trăm triệu đô la vốn đầu tư.
Cái giá của việc trả hàng trực tuyến (Ngọc Thanh): Chỉ tính riêng quần áo, vào năm 2020, Mỹ đã có 2,6 triệu tấn hàng bị trả lại được đưa đến các bãi chôn lấp. Mua sắm quần áo trực tuyến chiếm một lượng lớn rác thải được trả lại. Đầu tiên và rõ ràng nhất, không phải mọi thứ trông đáng yêu trên mạng đều phù hợp với bạn.
PepsiCo và Carrefour xung đột (Nguyễn Vũ): Bước vào các siêu thị Carrefour ở châu Âu như ở Rome, Barcelona hay Paris, người đi mua sắm có thể ngạc nhiên khi không thể tìm thấy các sản phẩm của hãng PepsiCo, kể cả các món thức ăn nổi tiếng như Cheetos hay Doritos. Thay vào đó họ sẽ thấy một mẩu thông báo kỳ lạ bên dưới logo món Doritos: “Chúng tôi không còn bán nhãn hiệu này vì đã tăng giá không thể chấp nhận được”.
Mời bạn đọc đón xem!