Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn phức tạp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn phức tạp

Thùy Dung

Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn phức tạp
Sở hữu chéo của nhiều ngân hàng sau khi hợp nhất vẫn không thay đổi – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Trong hai năm qua, nhiều chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát huy tác dụng, giúp kiềm lạm phát ở mức thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn rất phức tạp.

Sở hữu chéo, chênh lệch lãi suất và định hướng chính sách trong thời gian tới là những vấn đề được các chuyên gia kinh tế đưa ra bàn thảo tại buổi tọa đàm: "Nhìn lại điều hành chính sách của NHNN 2011- 2013: những kết quả và thách thức", do NHNN tổ chức ngày 30-10 tại Hà Nội.

Bình mới rượu cũ

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nếu nhìn vào đề án tái cấu trúc của hệ thống ngân hàng thì thấy nội dung được đề ra là tái cấu trúc không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt mà làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng; áp dụng một hệ thống quản trị mới; thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là khắc phục sở hữu chéo, một trong những vấn đề quan trọng dẫn tới sự quản lý yếu kém của hệ thống ngân hàng hiện nay.

Sau khi tái cấu trúc, kết quả có thể thấy rõ là thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện, rủi ro đổ vỡ đã giảm đáng kể. “Nhưng nếu nhìn vào cơ cấu sở hữu của các ngân hàng trước và sau khi tái cấu trúc sẽ thấy có những ngân hàng sau khi hợp nhất thì cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi. Tức đằng sau các nhóm cổ đông đó là doanh nghiệp phi tài chính nắm quyền kiểm soát các ngân hàng này trước đó thì giờ vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát, và như vậy vấn đề sở hữu chéo vẫn không thay đổi”, ông Thành nói.

Trong quá trình tái cấu trúc, các ngân hàng yếu kém phải kiếm được nhà đầu tư từ bên ngoài để có thể thay đổi được cấu trúc vốn và đảm bảo được các ngân hàng này thoát ra khỏi khó khăn. Tuy nhiên, tìm được nhà đầu tư bên ngoài rồi nhưng giới hạn về mặt sở hữu lại cản trở tìm được các nhà đầu tư thực sự để thay thế các cổ đông hiện hữu mà trước đây đã lũng đoạn và dẫn tới sự yếu kém của các ngân hàng đó.

Theo quy định hiện hành, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chỉ được phép sở hữu tối đa 20% tỷ lệ cổ phần của ngân hàng Việt Nam, tỷ lệ này quá ít nên không thể nắm quyền điều hành, không thể thay đổi quản trị của ngân hàng.

Để lách luật, nhóm cổ đông nước ngoài mới phải tham gia dưới nhiều nhóm cổ đông khác nhau, thông qua các tổ chức khác nhau, nhưng các tổ chức này thực sự cũng có liên quan. “Và như vậy một cấu trúc sở hữu chéo cũ được thay bằng một cấu trúc sở hữu chéo mới”, ông Thành nhận định.

Một ví dụ nữa mà ông Thành đưa ra đó là việc Ngân hàng Phương Tây (Westernbank) hợp nhất với Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC). “Lộ trình về tái cơ cấu ngân hàng đó là lộ trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước khỏi hệ thống ngân hàng, nhưng với trường hợp này, để tái cấu trúc thì chúng ta lại chấp nhận nhà nước tham gia vào hệ thống ngân hàng”, ông Thành nói.

Chênh lệch lãi suất lớn?

Trong phần trình bày của mình tại tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, mặc dù lãi suất hiện đã giảm xuống thấp nhưng chênh lệch giữa lãi suất cho vay với huy động vẫn ở mức cao, tương đương 6%/năm. Đồng thời, ông Thành cũng đặt câu hỏi là liệu chênh lệch lãi suất cao như vậy là để ngân hàng có tiền xử lý nợ xấu?

Vấn đề này, theo ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), qua khảo sát 8 ngân hàng thương mại lớn, mức chênh lệch lãi suất bình quân ghi nhận được là 4,3% – 4,5%; cá biệt có ngân hàng ở mức cao nhưng không đến 5%/năm.

Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lại không tán thành với ý kiến của ông Thành và cũng nghi ngờ con số của ông Nghĩa.

“Tôi mới hỏi một số ngân hàng cách đây 10 phút. Mức chênh lệch đó, nếu trừ chi phí lương, khấu hao, hành chính thì chỉ còn 2,8- 3%. Có những ngân hàng mức chênh lệch này chỉ còn 1,1- 1,8%. Thực tế lợi nhuận các ngân hàng đang rất thấp, dù nhân sự cũng đã cắt giảm rất nhiều, có nơi giảm từ 1.000 – 2.000 nhân viên chỉ riêng một ngân hàng”, ông Phước nói.

Nói như vậy để thấy hệ thống ngân hàng thương mại lợi nhuận thấp vì họ đã dùng khả năng tài chính của mình để xử lý nợ xấu. Và cũng vì vốn bất động trong kho không cho vay ra được.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhấn mạnh rằng, không thể tính chênh lệch lãi suất một cách đơn giản là lãi suất cho vay 13%/năm trừ đi lãi suất huy động 7%/năm để ra con số ngân hàng thu 6%/năm.


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới