Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Số lượng doanh nghiệp phá sản tăng nhanh ở các nền kinh tế phát triển

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại hầu hết các nền kinh tế phát triển, các vụ phá sản doanh nghiệp đang tăng với mức hai con số. Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh chi phí vay được đẩy lên cao và các chính phủ ngừng chương trình hỗ trợ hàng nghìn tỉ đô la trong thời kỳ đại dịch Covid-19 dành cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

Một cửa hàng thông báo đóng cửa ở Berlin, Đức - Ảnh: Bloomberg

Hôm qua (hôm 18-12 ), Financial Times dẫn dữ liệu của các tòa án cho biết, sau một thập niên suy giảm, số vụ phá sản doanh nghiệp ở Mỹ tăng 30% trong 12 tháng tính đến tháng 9 so với cùng kỳ năm trước.

Chín tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp phá sản ở Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Theo Văn phòng thống kê liên bang Đức (Destatis), kể từ tháng 6, tốc độ phá sản doanh nghiệp liên tục tăng ở mức hai con số so với một năm trước.

Trên toàn EU, tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong chín tháng đầu năm nay tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất trong 8 năm, theo Văn phòng Thống kế châu Âu (Eurostat)

Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics, cho biết lãi suất cao hơn cùng với sự sụp đổ của các công ty “thây ma”, vốn sống sót nhờ sự hỗ trợ của chính phủ trong thời kỳ Covid, đã thúc đẩy xu hướng này.

Shearing giải thích, tốc độ phá sản tăng cao là do chi phí trả nợ tăng, việc rút dần các gói hỗ trợ trong đại dịch cũng như hóa đơn năng lượng tốn kém hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng. Các nhà phân tích cho biết, các ngành kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm vận tải và khách sạn.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, các chương trình hỗ trợ lớn của chính phủ dành cho các công ty và hộ gia đình có quy mô lên 10 nghìn tỉ đô la Mỹ đã giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ suy thoái nhanh chóng.

Shearing cảnh báo, xu hướng phá sản sẽ tiếp tục diễn ra khi nhiều doanh nghiệp sẽ phải tái cấp vốn nợ với lãi suất cao hơn trong những tháng tới, ngay cả khi chu kỳ thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương được đã lên đỉnh điểm.

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, sự gia tăng các vụ phá sản sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế toàn cầu và tăng trưởng việc làm trong vài năm tới.

Susannah Streeter, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại Công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown, cho biết số lượng doanh nghiệp phá sản tăng một phần là do các công ty “thây ma” đóng cửa. Tuy nhiên, mối lo ngại hiện nay là mức lãi suất cao có thể đẩy nhiều công ty khởi nghiệp cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ có triển vọng đứng bên bờ vực thẳm. Điều này có thể gây ra hậu quả lâu dài cho sự tăng trưởng.

Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s dự báo, tốc độ vỡ nợ trái phiếu cấp độ đầu cơ trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng vào năm 2024 sau khi tăng 4,5% trong 12 tháng tính đến tháng 10, cao hơn mức trung bình lịch sử là 4,1%.

David Hamilton, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phân tích của Moody’s, cho biết, tín dụng sẽ đắt đỏ hơn đáng kể so với trước đây hoặc khó tiếp cận hơn. Moody's trích dẫn vụ vỡ nợ gần đây của Rite Aid, công ty điều hành hơn 2.300 hiệu thuốc trên 17 tiểu bang của Mỹ, và các giao dịch phát hành nợ khó khăn của Công ty hàng tiêu dùng Ideal Standard International của Anh và Công ty dịch vụ kinh doanh Haya Holdco 2 của Anh.

Công ty dịch vụ tài chính Allianz (Đức) dự báo, tốc độ tăng trưởng vỡ nợ doanh nghiệp toàn cầu sẽ đạt 10% vào năm tới, sau khi tăng 6% vào năm 2023. “Chúng tôi quan sát thấy sự gia tăng về tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ở hầu hết các quốc gia trên thế giới”, Maxime Lemerle, nhà phân tích ở bộ phận nghiên cứu khả năng thanh toán của Allianz nói.

Tại Pháp, Hà Lan và Nhật Bản, số vụ phá sản doanh nghiệp tăng hơn 30% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo các cơ quan thống kê quốc gia. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), với thành viên hầu hết các nước giàu, vừa lưu ý là ở một số nước gồm Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan, tốc độ phá sản doanh nghiệp đã vượt quá mức trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Tại Anh và xứ Wales, tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong chín tháng đầu năm cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2009, theo Cơ quan Dịch vụ phá sản Anh.

Theo Allianz, cho đến nay, các lĩnh vực khách sạn, vận tải và bán lẻ sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các ngành kinh doanh nhạy cảm hơn lãi suất như bất động sản và xây dựng cũng sẽ căng thẳng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, trợ cấp năng lượng và các biện pháp khác sẽ giúp nhiều doanh nghiệp trụ vững, có nghĩa là đỉnh điểm của tình trạng mất khả năng thanh toán khó có thể cao như những đợt suy thoái doanh nghiệp trước đây.

Nhiều doanh nghiệp đã tích lũy được nguồn tiền mặt tốt và đã chốt được các thương vụ vay vốn giá rẻ khi lãi suất thấp. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp lịch sử ở hầu hết các nền kinh tế lớn.

“Chúng ta sẽ không phải đối mặt với một cơn sóng thần phá sản”, Maxime Lemerle nói.

Các nhà phân tích cho biết thêm, cho đến nay, số lượng doanh nghiệp phá sản vẫn còn khiêm tốn so với tiêu chuẩn lịch sử ở các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, Đức và Pháp.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới