Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sôi động mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2023

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Vấn đề chia cổ tức, thảo luận về hoạt động M&A và những lo ngại về tăng trưởng cùng nợ xấu, sẽ là những câu chuyện làm nóng các đại hội cổ đông nhà băng trong thời gian tới.

Cổ đông bỏ phiếu thông qua tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Ngân hàng VIB. Ảnh: DNCC.

Chia cổ tức bằng tiền mặt

Từ nay đến hết tháng 4, hầu như các ngân hàng đều sẽ tổ chức đại hội cổ đông trong bối cảnh thị trường có rất nhiều câu chuyện mới.

Trong số này, một điểm nhấn của năm nay là nhiều ngân hàng bất ngờ công bố chia cổ tức bằng tiền mặt. Điều này khác biệt với 3 năm gần đây, khi cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng không chia tiền mặt, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng nội lực tài chính.

Trước đó, hồi tháng 3, có hai ngân hàng đầu tiên đưa ra phương án chia cổ tức bằng tiền mặt là VIB và TPBank. Ngân hàng VIB, ngân hàng tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên sớm nhất toàn ngành, thông qua kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 35%, bao gồm 20% bằng cổ phiếu và 15% tiền mặt. Tương tự, ngân hàng TPBank trước đó chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 25%.

Tính đến nay, theo tài liệu công bố trước mùa đại hội cổ đông, sẽ có thêm nhiều ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt. Chẳng hạn như Ngân hàng ACB dự kiến chia cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ là 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. VPBank cũng bất ngờ đưa ra kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, sau nhiều năm liên tục chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao để tăng vốn. Tương tự, HDBank cũng dự định trình kế hoạch chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tỷ lệ 25%.

Một điểm đáng chú ý khác là trong năm nay, Eximbank chính thức trình kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% để tăng vốn điều lệ, sau khi lãnh đạo nhà băng đề cập đến nhiều lần từ năm 2021. Cần nhớ rằng vốn điều lệ của Eximbank đã không thay đổi từ năm 2011 đến nay, cũng như 9 năm rồi chưa được chia cổ tức.

Phía ngược lại cũng ghi nhận một số ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức như Techcombank hay Sacombank. Đáng chú ý là ngân hàng MSB năm nay không đưa ra kế hoạch chia cổ tức sau hai năm liên tiếp chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 30%.

Cổ đông Eximbank bỏ phiếu tại Đại hội bất thường vào tháng 2. Ảnh: VD.

Nóng hoạt động M&A

Cuối tháng 3, Ngân hàng VPBank công bố thỏa thuận bán 15% cổ phần, thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). VPBank cho biết thương vụ này thu về 35.900 tỉ đồng, nâng tổng vốn chủ sở hữu của nhà băng từ 103.500 tỉ đồng lên gần 140.000 tỉ đồng, đưa ngân hàng trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ hai tại Việt Nam.

Theo tài liệu đại hội cổ đông, mức giá chào bán là 30.159 đồng/cổ phiếu (hiện thị giá cổ phiếu VPB là 20.900 đồng/cổ phiếu). Dự kiến thương vụ được thực hiện trong quí 2-3 năm nay.

Việc SMBC hoàn tất thoái vốn khỏi Ngân hàng Eximbank và sau đó mua cổ phần VPBank đã rộ lên từ lâu, nhưng nay chính thức được công bố. Đây cũng ghi nhận là thương vụ có giá trị cao nhất trong ngành hiện nay, vượt lên trên thương vụ Ngân hàng BIDV phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỉ đồng.

Không chỉ có VPBank, hoạt động M&A trong ngành ngân hàng năm nay dự kiến sẽ sôi động hơn rất nhiều. Trong tài liệu mà Ngân hàng MSB đưa ra, ngân hàng này sẽ trình cổ đông phương án sáp nhập thêm một ngân hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

“Dựa trên kinh nghiệm sáp nhập trước đây với MDB, hy vọng kế hoạch này sẽ nhận được sự đồng thuận từ Đại hội đồng cổ đông, mở ra tương lai mới cho ngân hàng. Sáp nhập không đơn thuần là phép cộng giá trị, với kế hoạch được nghiên cứu kỹ càng để tận dụng tối đa lợi thế, giá trị MSB sau đây sẽ lớn hơn, chất lượng hơn phép cộng số học đó”, đại diện MSB chia sẻ.

Thị trường sau đó cũng đồn đoán thông tin việc MSB tham gia vào ngân hàng PGBank trong bối cảnh ngân hàng có quy mô vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng này sẽ bán đấu giá 40% số cổ phần tập đoàn Petrolimex nắm giữ, vì phải thoái vốn theo quy định. Tuy nhiên đại diện PGBank ngay sau đó lên tiếng bác bỏ thông tin.

Theo báo cáo từ HOSE, kết quả phiên đấu giá vào ngày 7-4 vừa qua cho thấy có 4 nhà đầu tư (gồm 3 tổ chức và 1 cá nhân) trúng đấu giá 120 triệu cổ phiếu PGBank với mức giá bình quân 21.400 đồng cổ phiếu (thị giá PGB quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu).

Trong tờ trình cổ đông năm nay, Ngân hàng MB cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ chính trị quan trọng là tham gia phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng. Hồi tháng 5-2022, MB đã ký với Oceanbank thỏa thuận hợp tác chiến lược dù Vietinbank là ngân hàng tham gia hỗ trợ nguồn lực trước đó.

Tại HDBank, câu chuyện M&A tiếp tục là tâm điểm khi ngân hàng này không giấu tham vọng muốn sáp nhập để phình to hơn, cũng như không thiếu tin đồn sáp nhập. Năm ngoái, cổ đông ngân hàng HDBank đã thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại cổ phần bị kiểm soát đặc biệt.

Việc xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém cũng là thông tin đáng chú ý, sẽ được đưa ra thảo luận nhiều trong các cuộc họp cổ đông tới đây. Trong đó có thể điểm danh ba “ngân hàng 0 đồng” bao gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) và ngân hàng kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á. Còn những cái tên “sáng” ở chiều “nhận về” hiện nay gồm MB, Vietcombank, HDBank và VPBank.

Trong một diễn biến có liên quan khác, một dự thảo đang được lấy ý kiến là cho phép các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, trừ nhóm bốn ngân hàng quốc doanh, sẽ được tăng trần sở hữu khối ngoại lên mức tối đa 49%. Nếu được thông qua, quy định này sẽ tiếp tục làm nóng thêm hoạt động M&A trên thị trường ngân hàng.

Lợi nhuận nhà băng sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi nhiều chính sách vĩ mô trong năm nay. Ảnh: DNCC.

Thách thức lợi nhuận, áp lực nợ xấu

Năm 2022 ghi nhận các ngân hàng là một trong số ít lĩnh vực tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, sự suy yếu về hoạt động sản xuất cũng như tiêu dùng từ cuối năm ngoái đến nay bất ngờ đem lại những tín hiệu tiêu cực cho các nhà băng.

Thực tế chia sẻ trước đó, nhiều lãnh đạo nhà băng cho biết năm 2023 sẽ là một năm kinh doanh nhiều khó khăn đối với ngành ngân hàng khi đối diện với áp lực mặt bằng lãi suất cao, khách hàng không có dòng tiền trả nợ và từ đó dẫn đến rủi ro nợ xấu lớn.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kế hoạch lợi nhuận các nhà băng, cũng như những con số liên quan đến dư nợ bất động sản, dư nợ trái phiếu và những khoản nợ xấu tiềm tàng sẽ được cổ đông chất vấn.

Theo tài liệu trình cổ đông, nhiều ngân hàng năm nay đặt lợi nhuận kế hoạch ghi nhận tốc độ tăng trưởng giảm so với mức thực hiện của năm ngoái. Chẳng hạn như trường hợp VIB, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2023 dự kiến 15%, thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng 32% trong năm ngoái. Tương tự, Vietcombank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 12% trong khi năm ngoái tăng trưởng hơn 36%.

Thậm chí Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 14% so với con số thực hiện năm 2022. Theo báo cáo ước tính của Công ty chứng khoán SSI mới đây, lợi nhuận quí 1-2023 của Techcombank dự kiến giảm so với cùng kỳ vì chi phí tín dụng cao hơn và NIM giảm.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng VIB đánh giá lợi nhuận sẽ là “tổ hợp” của nhiều yếu tố gồm nhiều loại chi phí. Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô như lãi suất, lạm phát, tăng trưởng GDP có bất lợi, nhưng con số kế hoạch lợi nhuận được cân nhắc hợp lý dựa trên mô hình vận hành của ngân hàng.

Nhìn từ phía còn lại, một số ngân hàng lại đặt ra kế hoạch tăng trưởng cao. Chẳng hạn như Sacombank đặt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng đến 9.500 tỉ đồng. Theo Công ty chứng khoán Maybank IB, lợi nhuận được cải thiện nhờ các chỉ số hoạt động trở lại bình thường sau khi xử lý tài sản xấu tồn đọng và giảm áp lực trích lập dự phòng.

Theo báo cáo ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán VNDirect đầu tháng 3, tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại, ước khoảng 11%, thấp hơn nhiều so với con số 34% trong năm 2022. Trong đó một áp lực là sự ảm đạm của thị trường bất động sản, tác động tiêu cực khiến rủi ro tín dụng gia tăng và chất lượng tài sản suy yếu.

Có thể thấy áp lực với lợi nhuận ngân hàng hiện nay là các vấn đề nội tại của nền kinh tế như trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, đi cùng mặt bằng lãi suất cao, áp lực vĩ mô bên ngoài; cũng như các hoạt động mang lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà băng được dự báo cũng sẽ chững lại, chẳng hạn như bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Trong một diễn biến có liên quan, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện đang nghiên cứu chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp. Chưa rõ cụ thể nhưng điều này dự kiến quy định hoãn nợ sẽ giúp ngân hàng có thêm thời gian để xử lý các khoản nợ xấu tiềm tàng, điều đã thực hiện như trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới