Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Standard Chartered và VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt 10% trong quý 3

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng Standard Chartered và VinaCapital đều dự tăng trưởng tăng trưởng GDP quý 3-2022 của Việt Nam có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trường GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý 3 và 3,9% trong quý 4, qua đó đưa tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 6,7%.

Cơ sở để Standard Chartered đưa ra dự báo này, theo ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của ngân hàng, là quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa khi các chỉ số kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong tháng 7.

“Quá trình hồi phục của nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, đặc biệt khi lĩnh vực du lịch đã được mở cửa trở lại sau 2 năm đóng cửa”, ông Tim Leelahaphan cho biết.

Tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2022. Ảnh: N.K

Còn ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, kỳ vọng GDP quý 3-2022 sẽ tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước nhờ đà tăng trưởng của tiêu dùng trong nước và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong quý 3-2021 dẫn tới mức GDP thấp khi so sánh với hoạt động của quý 3 năm nay.

Ngoài ra, du lịch nội địa đã hoàn toàn phục hồi và vượt mức trước Covid-19, giúp lợi nhuận của Tổng Công ty Cảng Hàng Không Việt Nam (ACV) tăng hơn 2 lần. Còn “doanh thu ký bán” để mua các sản phẩm nhà ở mới được xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2022 của các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu như Tập Đoàn Nam Long và Vinhomes đã tăng hơn 100% so với cùng giai đoạn năm trước.

“Đã có những hình ảnh và tin tức về người mua xếp hàng để đặt cọc cho các bất động sản họ muốn mua và ‘giá trị hợp đồng ký bán’ tăng mạnh sẽ được chuyển thành mức doanh thu và lợi nhuận tốt trong trung hạn, khi mà các sản phẩm nhà ở được hoàn thiện và bàn giao cho người mua”, ông Michael Kokalari.

Trước đó, tăng trưởng tiêu dùng nội địa đã thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm. Đồng thời, đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp tiêu dùng không thiết yếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Điển hình là PNJ với mức tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 dự kiến cao hơn 50-60% so với cùng giai đoạn năm trước và FPT Retail với mức tăng trưởng gấp 5 lần nhờ sự tăng trưởng doanh thu từ bán lẻ không thiết yếu như điện thoại iPhone và các sản phẩm điện tử tiêu dùng khác.

Về thách thức với kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2022, chuyên gia của Standard Chartered dự báo áp lực giá cả, đặc biệt là giá thực phẩm và nhiên liệu có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023.

Tương tự, chuyên gia của VinaCapital cho rằng lạm phát của Việt Nam có thể đạt mức 4,5% vào cuối năm 2022 nếu giá dầu tăng từ 120 lên 130 đô la Mỹ một thùng, còn giá gạo và thịt lợn được giữ nguyên. Với trường hợp giá dầu tăng lên mức 130 đô la Mỹ một thùng, giá gạo và thịt lợn tăng 10% thì lạm phát có thể đạt mức 5,5%.

Cũng theo VinaCapital, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chịu một số ảnh hưởng do tăng trưởng GDP của Mỹ chậm lại. Cụ thể, sự suy thoái  của nền kinh tế Mỹ đang đè nặng lên nhu cầu đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam như ti vi, đồ nội thất và điện thoại  thông minh.

Ngoài ra, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đã chậm lại khoảng 50% so với cùng kì trong 6 tháng đầu năm 2021, xuống còn khoảng 23% so với cùng kì trong 6 tháng đầu năm 2022.

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ giảm xuống khoảng 10% vào cuối năm do nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng chậm lại và chúng tôi đã cân nhắc rủi ro này khi dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ đầu năm”, ông Michael Kokalari cho biết.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới