Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xác định kịch bản tăng trưởng GDP 7% trong năm 2022

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các ý kiến tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2022 đã thống nhất với phương án và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 7%.

Báo cáo Chính phủ tại Hội nghị ngày 4-7, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết kinh tế đã phục hồi tích cực trong 6 tháng đầu năm với mức tăng trưởng GDP vượt kịch bản đề ra.

Cụ thể, GDP quý 2 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng giai đoạn năm 2021, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021.

Theo kịch bản được đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng GDP 6 tháng dự kiến ở mức 5,1-5,7%. Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP của cùng kỳ năm ngoái là 5,74%, còn bình quân tăng trưởng GDP 6 tháng trong giai đoạn 2016-2019 là 6,38%.

Như vậy, 6,42% là mức tăng trưởng khá cao, tương đương mức bình quân các năm trước dịch.

Lĩnh vực chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế nửa đầu năm 2022. Ảnh minh hoạ: DNCC

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ KHĐT kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra là 6-6,5%.

Dự báo này được Bộ KHĐT xây dựng dựa trên 2 kịch bản.

Với kịch bản 1, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, thì quý 3 cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% (nằm trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01), quý 4 tăng 5,5% (thấp hơn 0,7% so với mục tiêu tại Nghị quyết 01).

Với kịch bản 2, được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%, quý 3 phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn 1% so với Nghị quyết 01), quý 4 tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết).

“Quý 2 tốc độ tăng trưởng đã đạt 7,72%, trong khi quý 3 năm ngoái kinh tế tăng trưởng âm hơn 6%. Vì vậy, khả năng đạt con số tăng trưởng cao trên nền thấp như vậy là khả thi”, lãnh đạo Bộ KHĐT cho biết.

Phản hồi ý kiến của Bộ KHĐT, các ý kiến tại Hội nghị cũng thống nhất với phương án và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7% trong năm nay.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022. Ảnh: Nhật Bắc

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Đồng thời, tổng hợp, xây dựng Đề án ổn định kinh tế vĩ mô.

“Thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng, bảo đảm ổn định tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại hối, tiền tệ, tín dụng, tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng; hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cố gắng giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, như phí, thuế, lệ phí, tăng đầu tư công.

Với công tác quản lý giá, quản lý chặt chẽ giá cả, phòng chống đầu cơ, tích trữ găm hàng; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Với sản phẩm xăng dầu, cần tích cực báo cáo, đề xuất cấp có thầm quyền điều chỉnh thuế đối với xăng dầu. Đồng thời, nghiên cứu, tiến hành thận trọng chính sách hỗ trợ về xăng dầu với một số đối tượng.

Với đầu tư công, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu và kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Đặc biệt, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết về phát triển vùng và các dự án giao thông trọng điểm.

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển và danh mục các dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển trong lĩnh vực y tế.

1 BÌNH LUẬN

  1. Các nhà điều hành cần phải luôn luôn đặt mình vào tâm thế của người dân khi đánh giá và hoạch định chính sách. Tăng trưởng là cần nhưng chưa bao giờ là đủ, nếu lợi ích tăng trưởng không lan tỏa tích cực vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Mọi thứ hiện nay gần như đang diễn ra ngày càng khó khăn hơn đối với đa số người lao động, người thu nhập thấp, những người vất vả mưu sinh hàng ngày. Vì vậy, sẽ không có kịch bản tăng trưởng nào có tính thuyết phục cao nếu không nhanh chóng giải quyết thực trạng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới