Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Start-up Việt liên tiếp nhận vốn đầu tư ngoại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Start-up Việt liên tiếp nhận vốn đầu tư ngoại

Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Chiều 11-9, Kim An Group, một công ty khởi nghiệp Việt trong lĩnh vực công nghệ tài chính đã đón nhận được vốn từ 3 quỹ đầu tư, nối tiếp danh sách start-up Việt được các nhà đầu tư ngoại rót vốn dù khó khăn đại dịch Covid-19.

Wee Digital, một start-up về fintech Việt khác ngày hôm qua (10-9) cũng công bố đã gọi vốn thành công từ InterVest và VinaCapital Ventures. Trước đó các start-up Việt Nam khác như Propzy, Beta Media, OKXE, Trusting Social… cũng được rót vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.

Start-up Việt liên tiếp nhận vốn đầu tư ngoại
CEO Kim An Phan Phương Thảo (người đứng giữa) bắt tay với đại diện hai quỹ đầu tư sau khi ký kết vào chiều 11-9 tại TPHCM. Ảnh: Hùng Lê

Hàng triệu đô la Mỹ rót vào start-up Kim An

Trong phần công bố ngày 11-9, Kim An Group nhận được một khoản đầu tư Series A từ 3 quỹ đầu tư hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á gồm: Patamar Capital, Viet Capital Ventures và East Ventures.

Dù số tiền rót vào không được tiết lộ cụ thể, nhưng trao đổi với TBKTSG Online sau buổi lễ ký kết, bà Phan Phương Thảo, CEO của Kim An Group, cho biết khoản đầu tư này lên đến hàng triệu đô la Mỹ.

Là một start-up trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) chuyên kết nối các tổ chức tín dụng đến các khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (SMEs), theo bà Thảo, với khoản đầu tư mới này Kim An sẽ tăng cường phát triển hệ thống công nghệ lõi nhằm cung cấp dữ liệu, chấm điểm tín dụng và kết nối khách hàng đến các định chế tài chính tại Việt Nam.

Bà Thảo cho biết khách hàng tiềm năng lớn của Kim An Group là hơn 6 triệu hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, những đối tượng khách hàng này rất e ngại trực tiếp đến các tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng mà thường vay vốn qua các cá nhân, hoặc tổ chức tín dụng "đen" với lãi suất cao.

Thông qua nền tảng công nghệ tài chính và hệ thống hơn 80 chi nhánh khắp cả nước hiện nay, Kim An Group sẽ cung cấp các dịch vụ thuê ngoài toàn diện (outsourcing) cho các tổ chức tín dụng.

Bà Shuyin Tang, đại diện cho Quỹ đầu tư Patamar, chia sẻ rằng tại Việt Nam, các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (SMEs) chiếm đa số và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song các SMEs hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi tìm tới nguồn vốn vay hợp lý.

"Tuy các dịch vụ hỗ trợ tài chính phục vụ phân khúc này đang ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi, nhưng thị trường Việt Nam vẫn vắng bóng các giải pháp thực sự hiệu quả. Kim An chính là một điểm sáng hiếm hoi trong thị trường, giúp các SMEs dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn", bà Shuyin Tang nói.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm đầu tư và làm việc với các tổ chức cung cấp nền tảng công nghệ phục vụ cho SMEs, Patamar hiểu rằng để tạo ra một giải pháp tài chính thành công đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu và hành vi của các doanh nghiệp SMEs, cũng như khả năng vận hành của đội ngũ lãnh đạo.

"Bên cạnh sự thông hiểu cùng nền móng công nghệ vững chắc, Kim An ngày càng khẳng định vị thế là đối tác cung cấp dịch vụ, giải pháp tài chính trọn gói cho các ngân hàng và công ty tài chính tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi tin rằng thành công trong vòng gọi vốn lần này sẽ là bước đệm quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của Kim An trong tương lai”, bà Shuyin Tang chia sẻ.

Tại sự kiện này, Kim An Group cũng ký kết hợp tác với Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) và Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit (một công ty tài chính trực thuộc VPBank) nâng số đối tác tổ chức tài chính và ngân hàng của công ty lên hơn 10 đơn vị.

Những tổ chức tài chính này triển khai mở rộng phạm vi hợp tác và phát triển các khoản vay tiêu dùng cho các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vi mô; đồng thời cung cấp công nghệ để tăng khả năng kết nối giữa các tổ chức tín dụng đến các phân khúc khách hàng.

Ông Bình Đức Hạnh, Giám đốc Kinh doanh của Kim An Group, cho biết sau gần hai năm hợp tác với các Ngân hàng và Công ty Tài chính, hơn 25.000 khoản vay tiêu dùng đã được giải ngân đến khách hàng thông qua Kim An Group.

Việc Kim An Group nhận đầu tư từ các Quỹ đầu tư hôm nay và ký kết hợp tác thêm với các ngân hàng thương mại sẽ là cơ hội lớn để đơn vị tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tín dụng. Kim An Group mong muốn góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, là cánh tay nối dài trong việc áp dụng công nghệ để đưa các sản phẩm, dịch vụ tốt của ngân hàng và công ty tài chính đến khách hàng.

FacePay thanh toán bằng khuôn mặt của Wee Digital, một start-up về fintech vừa nhận được vốn của Qũy đầu tư Hàn Quốc. Ảnh minh họa: DN cung cấp

Nhộn nhịp start-up Việt nhận vốn đầu tư

Các start-up ngày càng khó gọi vốn hơn sau khi Vision Fund, một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới liên tục thua lỗ và bị mắc kẹt vốn tại các công ty công nghệ, như công ty công nghệ tập trung vào lĩnh vực chia sẻ văn phòng làm việc Wework hay chuỗi khách sạn Oyo tại Ấn Độ…

Dòng vốn tiếp tục trở nên khan hiếm hơn trước diễn biến bất định của Covid 19. Thậm chí, những start-up có nguồn tiền dồi dào qua những đợt gọi vốn trước đây cũng không miễn dịch với khủng hoảng.

Giới phân tích đánh giá chưa bao giờ start-up bị ảnh hưởng nặng nề như vậy, cả về sự vận hành lẫn việc gọi vốn. Và lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các startup hoạt động trong mảng du lịch, F&B (thực phẩm và đồ uống) và thanh toán điện tử.

Từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 đến nay, tiêu dùng trong nước cũng bị sụt giảm, kinh tế chững lại song các start-up Việt Nam vẫn nhận được vốn rót từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước.

Ngoài Kim An Group, Wee Digital, thị trường cũng chứng kiến nhiều start-up Việt khác như Propzy, OKXE, Trusting Social… nhận được đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.

Việc nhận được vốn này của các nhà khởi nghiệp trong nước trong bối cảnh nhiều nước vẫn duy trì lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế các cơ hội đầu tư. Bên cánh đó, các bất ổn kinh tế cũng làm chùn tâm lý của một số nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khác vẫn thực hiện các thương vụ đầu tư đã lên kế hoạch trước đó.

Giữa tháng 6 vừa qua, Beta Media, start-up vận hành chuỗi rạp phim giá rẻ Beta Cinemas, công bố thoả thuận góp vốn trị giá 8 triệu đô la từ quỹ đầu tư Nhật Bản – Daiwa PI Partners. Với thoả thuận này, công ty đạt được mức định giá là 1.000 tỉ đồng.

Một rạp chiếu phim của Beta Media thu hút nhiều bạn trẻ. Ảnh minh họa: Website công ty

Đối với nhiều nhà đầu tư, dịch Covid-19 như một chiếc phễu sàng lọc tự nhiên. Những start-up thiếu chiến lược kinh doanh lâu dài sẽ khó vượt qua giai đoạn kinh tế trì trệ, việc kinh doanh bị đóng băng khắp nơi.

Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn này, nhà đầu tư sẽ lưu ý đến những start-up có khả năng phát triển dài hạn. Do đó, khủng hoảng kinh tế chỉ là phép thử để start-up chứng minh tính bền vững của mình.

Trên thực tế, các start-up có hiệu quả ở Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư mời chào dù nền kinh tế đang chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể như InterVest Co., Ltd., công ty đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc vừa chính thức thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua việc rót vốn vào Wee Digital, một doanh nghiệp về công nghệ tài chính.

Lẽ dĩ nhiên, quỹ đầu tư đến từ xứ kim chi này không dễ dàng rót vốn vào Việt Nam lúc này nếu như Wee Digital chuyên về sử dụng sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo, nhận dạng khuôn mặt để xác thực các giao dịch tài chính ngân hàng, không có tiềm năng.

Trên thực tế, trước khoản đầu tư mới của InterVest, Wee Digital đã đạt được tăng trưởng theo cấp số nhân, kể cả thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra.

Nhận xét về thương vụ, ông Junseok Kang, Giám đốc của Intervest, cho hay, “Intervest luôn quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam. Wee Digital đã cho thấy khả năng triển khai mạnh mẽ các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo. Chúng tôi tin tưởng rằng Công ty sẽ có thể đột phá thị trường một cách hiệu quả cũng như rất vui mừng là một phần của cuộc hành trình này.”

Ông Don Lam, Đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành của Tập đoàn VinaCapital, cũng cho rằng thị trường khởi nghiệp Việt Nam tiếp tục thu hút ngày càng nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư không còn tin vào mô hình "đốt tiền" để mở rộng kinh doanh của các start-up như những năm trước. Họ sẽ tìm kiếm các start-up đã chứng minh được khả năng xoay xở dòng tiền và sinh lời của mình.

Giai đoạn ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đang chứng minh được lợi thế của việc áp dụng công nghệ số trên thị trường. Do đó, các start-up công nghệ sẽ có nhiều cơ hội hơn khi tìm kiếm đồng vốn đầu tư. Mặt khác, đại dịch càng kéo dài thì xã hội sẽ dần thích nghi hơn với các mô hình kinh doanh mới khi hành vi của người tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể.

Theo các chuyên gia, sẽ có những start-up thích nghi được thị trường và sẽ có nhiều start-up mới chạy đua để nắm lấy cơ hội này. Do đó, khủng hoảng kinh tế được xem là phép thử để start-up chứng minh tính bền vững của mình. Nhà đầu tư cũng dễ dàng lựa chọn và định giá hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới