(KTSG) - Việt Nam đứng thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore về số lượng startup chuyên mảng trí tuệ nhân tạo (startup AI). Thế nhưng, 765 startup AI và ML (máy học) tại Việt Nam gọi vốn được 47,3 triệu đô la trong chín tháng đầu năm 2024, theo dữ liệu của PitchBook Data Inc. Tức là trời sinh quá nhiều voi, nhưng cỏ mọc quá thưa, bởi nếu chia đều mỗi startup nhận được trung bình gần 62.000 đô la trong chín tháng qua.
- Startup AI kiếm tiền nhanh hơn startup phần mềm
- Cạn vốn, nhiều startup AI tìm kiếm sự giải cứu của ‘ông lớn’ công nghệ
Cùng lúc đó, có những công ty khởi nghiệp được dán nhãn là “startup AI” thành lập tại Việt Nam lại nổi bật trong thu hút vốn mạo hiểm. Những startup này thành lập khá sớm từ những năm 2016-2017. Cho đến giờ, họ đã xây dựng thành công mô hình kinh doanh, sử dụng các công cụ AI và ML một cách hiệu quả trong vận hành và kinh doanh.
5 startup tại Việt Nam sử dụng AI rất hiệu quả
Tính đến tháng 5-2024, theo nền tảng dữ liệu Statista, có năm startup AI của Việt Nam là OKXE, Infoplus, JobHopin, Teky và MFast là gọi được nhiều vốn mạo hiểm nhất trong thời gian qua. Statista nói OKXE là startup gọi được nhiều vốn nhất, với năm khoản đầu tư trị giá khoảng 15 triệu đô la.
Nhưng kết quả tra cứu, tổng hợp dữ liệu và các cuộc phỏng vấn do Kinh tế Sài Gòn thực hiện đến hôm 22-10 vừa rồi lại cho một bức tranh khác. Có hai điểm nổi bật. Đầu tiên, OKXE và Infoplus lại mang “quốc tịch Hàn Quốc” nhưng định cư tại Việt Nam. Kế đến, AI chỉ là một trong những công cụ hỗ trợ mà cả năm startup Hàn Quốc và Việt Nam sử dụng hiệu quả.
OKXE là một startup Hàn Quốc với sàn trực tuyến giao dịch xe máy cũ tại Việt Nam, kèm theo dịch vụ tài chính và bảo hiểm, dựa trên công nghệ AI và dữ liệu lớn (big data). OKXE thành lập năm 2018 với trụ sở chính ở Hà Nội, nhưng trung tâm kinh doanh đặt ở TPHCM. Startup này đi đầu trong việc giải quyết các bất tiện khi mua bán xe cũ bằng các phương thức mua bán an toàn và minh bạch. OKXE đã nhanh chóng phát triển với khoảng 8 triệu người dùng vào cuối năm ngoái. OKXE cũng hợp tác với khoảng 2.000 đại lý trên cả nước với dịch vụ bán xe mới và các dịch vụ kèm theo.
Hồi tháng 3-2024, JB Securities Vietnam (JBSV) thuộc Tập đoàn JBFG của Hàn Quốc đã ký hợp đồng đầu tư chiến lược với OKXE. Theo đó, JBFG và JB Investment sẽ cùng mua lại 8% số cổ phần của OKXE. Các bên đã không nói rõ giá trị. JBFG sẽ sử dụng nền tảng OKXE để thâm nhập thị trường tài chính Việt Nam và tận dụng các cơ hội hợp tác kinh doanh mới tại Việt Nam và khi OKXE mở rộng sang Campuchia, theo tuyên bố của hãng ASL Law tư vấn cho thương vụ M&A này.
Đăng ký tư cách pháp nhân tại Việt Nam vào tháng 3-2018, Infoplus là startup công nghệ thông tin của Hàn Quốc, với các dịch vụ phần mềm, thiết kế giao diện lập trình ứng dụng (API)… Vừa thành lập, Infoplus đã nhanh chóng có được những khách hàng đầu tiên là các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, như hãng công nghệ Namuga, Công ty Tài chính Lotte Finance, Công ty Dịch vụ số ShinhanDS, Ngân hàng Woori... Tệp khách Việt Nam của Infoplus cũng nhanh chóng mở rộng, từ FPT trong năm 2019 đến Petro Vietnam PSA, Việt Á Bank, BIDV… Tháng 6-2020, Infoplus mới quay lại mở văn phòng ở Seoul. Từ Việt Nam, startup Hàn Quốc hiện đã mở văn phòng tại Phnom Penh, Campuchia.
Kevin Tùng Nguyễn, một du học sinh ở Mỹ, thành lập nền tảng phân tích thị trường tuyển dụng, nhân sự và việc làm JobHopin năm 2017. Ngay từ đầu, nhà sáng lập JobHopin đặt mục tiêu đưa AI và ML về Việt Nam và Đông Nam Á. JobHopin nói có khoảng 2.000 khách hàng doanh nghiệp vào năm 2020. Khi doanh nghiệp đăng quảng cáo tìm người, nền tảng này sẽ tự động tìm các hồ sơ ứng viên thích hợp, và chỉ rõ ứng viên thích hợp bao nhiêu phần trăm với các tiêu chí tuyển dụng.
Rất tiếc, đến tháng 7-2024, Tùng Nguyễn tuyên bố tạm đóng cửa Infoplus và Skola - một nền tảng công nghệ giáo dục (edtech) đăng ký ở Singapore và Việt Nam.
Trong khi đó, startup edtech Teky thành lập năm 2016 cũng gọi được hơn 10 triệu đô la từ các quỹ mạo hiểm, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong năm 2023. Teky chuyên cung cấp trực tuyến các chương trình học STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ sư, nghệ thuật và toán) theo quy chuẩn của Mỹ.
Tháng 9 vừa rồi, MFast - startup công nghệ tài chính (fintech) của Việt Nam - đã thực hiện vòng gọi vốn series B trị giá 15 triệu đô la, sau vòng gọi vốn series A được 6 triệu đô la vào tháng 6-2023.
Khác với các công ty fintech Việt Nam hiện tập trung vào bán các sản phẩm tài chính trực tuyến, MFast chọn cách tiếp cận thông qua cộng tác viên. Thay mặt cho các ngân hàng và tổ chức tài chính, mạng lưới hơn 350.000 cộng tác viên của MFast tại Việt Nam đã giúp startup này giải ngân các khoản vay trị giá 300 triệu đô la và bán 3 triệu đô la tiền bảo hiểm.
Vốn của series B một phần được sử dụng cho quá trình mở rộng thị trường tại Philippines của MFast. CEO Phan Thanh Long lạc quan về tiềm năng tăng trưởng tại thị trường mới.
Hy vọng từ những startup AI sáng giá
Ra đời từ 2018, Vbee là startup tại Hà Nội chuyên phát triển giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và AI hội thoại. Vbee AIVoice API có khả năng nghe, hiểu và đáp lại phản hồi bằng tiếng nói (callbot) hoặc văn bản (chatbot). Hai công cụ AI khác có thể chuyển văn bản thành giọng nói hoặc lồng tiếng cho các clip.
Tốt nghiệp tại Pháp và đang giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang là nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ (CTO) của Vbee. Bà nói rằng AI lúc chưa phát triển thì chất lượng trợ lý ảo rất thấp và rất máy móc. Với AI tạo sinh (GenAI), Vbee tạo ra các hội thoại tự nhiên hơn.
Tại chung kết Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Vietnam 2024 (QVIC 2024) vừa qua, Vbee là quán quân, nhận được tiền thưởng 100.000 đô la.
Sử dụng nền tảng điện toán đám mây, startup này đã cung cấp các giải pháp hội thoại AI cho hơn 300 doanh nghiệp và phục vụ hơn hai triệu người dùng cuối, tạo ra một hệ sinh thái AI riêng. Ngọc Huyền - giọng nữ Hà Nội đọc tin tức, Thảo Trinh - giọng Sài Gòn cho các podcast, Hoàng Dũng - giọng nam Hà Nội đều là “sản phẩm” của Vbee. Các báo điện tử hay các video clip trên mạng thường sử dụng ba giọng đọc này. Vbee AIVoice còn có thể nói được 40 ngôn ngữ khác, thông qua 200 giọng đọc ảo, với đầy đủ cung bậc cảm xúc như con người.
Thành lập năm 2016, Olli Technology đặt văn phòng tại TPHCM. Olli ra mắt trợ lý ảo Olli Maika nói tiếng Việt cho hệ thống loa thông minh. Olli Maika đã giành được giải nhất cuộc thi OCB Pitch Day cuối năm 2022, với giải thưởng trị giá 50 triệu đồng. Mới nhất, Olli đã phát triển thành công “BuddyOS for AI Toys” - hệ điều hành dùng GenAI giúp nhà sản xuất tạo ra các loại đồ chơi thông minh có khả năng tương tác với trẻ em.
Tạ Thanh Hải, đồng sáng lập kiêm CEO Olli, nói rằng GenAI giúp Olli tạo khác biệt. “GenAI giúp phát triển ngôn ngữ, tương tác thông minh giữa trẻ và đồ chơi”. Hiện Olli đang thương thảo với một số đối tác để tích hợp công cụ mới vào sản phẩm.
Nhân sự kiện tại Hà Nội cuối tháng 9-2024, Amazon Web Services (AWS) công bố chọn hai startup Việt Nam là AI Hay và Kompato AI để hỗ trợ phát triển. Hai startup này vượt qua 4.700 công ty khắp thế giới để lọt vào danh sách 80 startup AI được AWS chọn để hỗ trợ “xây dựng, huấn luyện, thử nghiệm và ra mắt giải pháp GenAI”.
Chương trình hỗ trợ startup của AWS được đầu tư đến 230 triệu đô la. Startup được chọn sẽ được cấp “AWS credit” trị giá 1 triệu đô la mỗi công ty, tham gia khóa huấn luyện 10 tuần của AWS bắt đầu từ ngày 30-9…
Từng là người tham gia phát triển trợ lý ảo Kiki tại Zalo, Nguyễn Thọ Chương, trưởng bộ phận AI thuộc AI Hay, nói rằng trọng tâm hiện tại của startup này là tiếng Việt. “Dù chúng tôi có tham vọng vươn ra quốc tế, nhưng chúng tôi không muốn thâm nhập vào các thị trường cạnh tranh cao như tiếng Anh, nơi các công ty lớn như OpenAI và Google thống trị. Thay vào đó, chúng tôi có kế hoạch tập trung vào các ngôn ngữ có nguồn lực trung bình đến thấp, đặc biệt là ở Đông Nam Á và các khu vực lân cận. Đây là thị trường chúng tôi có thể cung cấp giá trị độc đáo và tránh cạnh tranh trực tiếp với các công ty lớn hơn”.
Kể từ khi ra mắt, AI Hay đã xử lý khoảng 10.000 câu hỏi mỗi tháng, mỗi ngày hơn 300 câu, từ các yêu cầu dữ liệu rất cụ thể, như thông tin lũ lụt, đến các truy vấn xã hội hàng ngày. AI Hay hiện đang phục vụ nhu cầu của người dùng Việt Nam nhưng đặt mục tiêu mở rộng ra thị trường quốc tế trong tương lai.
Tương tự, Kompato AI cung cấp cho các tổ chức cho vay tiêu dùng một nền tảng AI đầy đủ để quản lý các khoản phải thu, mang lại khả năng tuân thủ, khả năng mở rộng và hiệu quả mạnh mẽ. CEO Nguyễn An Nguyên nói chương trình của AWS sẽ giúp giải pháp của Kompato AI tiếp cận các thị trường châu Á và châu Mỹ.
Google cũng có chương trình tương tự khi dành 40.000 suất học bổng để giảng viên và sinh viên thuộc 80 trường đại học và cao đẳng Việt Nam có thể theo học để trau dồi các kỹ năng AI mới nhất.
“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”
Trở lại với con số 765 startup AI và ML. Số startup này chiếm khoảng một phần tư tổng số startup hơn 3.000 startup đủ các ngành công nghệ tại Việt Nam (có số liệu thống kê nói Việt Nam hiện có hơn 3.800 startup). Với con số này, Việt Nam đứng thứ hai về số lượng startup AI ở Đông Nam Á, xếp sau Singapore với 1.100 startup AI trên tổng số 4.500 startup.
Nhưng đầu tư cho AI tại Việt Nam hiện thấp nhất trong sáu nền kinh tế lớn của ASEAN (xem box).
Con số trung bình 62.000 đô la mỗi startup công nghệ AI và ML có thể nói lên tình trạng “dở dang” của các startup AI tại Việt Nam. Có hai lý do rõ nhất từ startup: đang thiếu vốn nhưng không thể gọi vốn vì chưa thể tiếp cận các quỹ hoặc không được nhà đầu tư săn đón và rót vốn. Còn nhà đầu tư chỉ nhìn ra một lý do duy nhất: sản phẩm hay dịch vụ chưa đúng nhu cầu ngách của thị trường, không có khả năng tạo lợi nhuận cao.
Đó là tình trạng “quá nhỏ lẻ và sản phẩm na ná nhau” của giới khởi nghiệp tại Việt Nam - như lời của Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc Quỹ đầu tư Do Ventures phát biểu tại sự kiện công nghệ tại TPHCM cuối tháng 8-2024.
Nhìn lại hành trình của năm công ty khởi nghiệp được Statista “dán nhãn lộn”, một thông điệp rất rõ nổi lên. Đó là các startup AI và ML phải tạo ra một sản phẩm hay công cụ giải quyết hiệu quả một khía cạnh hay bài toán kinh doanh nào đó. Đây không phải là cuộc đua “bắt trend” công nghệ kiểu “nhà nhà, người người ai cũng thích làm AI”, mà thực ra ít ai tận dụng các giải pháp, công cụ AI để làm nổi bật chất lượng sản phẩm và dịch vụ như OKXE, Infoplus hay MFast. Các startup cũng cần “xông pha” để “đào tạo hay giáo dục” thị trường.
“Chúng tôi tốn nhiều thời gian và tiền bạc để thị trường hình thành thói quen sử dụng và trả phí cho các sản phẩm, giải pháp AI”, đồng sáng lập Vbee Nguyễn Thị Thu Trang trao đổi với Kinh tế Sài Gòn qua điện thoại từ Hà Nội.
Trong báo cáo vào tháng 5-2024, nhà nghiên cứu Albert J Rapha từ Đại học KU Leuven, Bỉ, nói rằng đầu tư cho AI tại Việt Nam đạt 95 triệu đô la Mỹ, thấp nhất trong sáu nền kinh tế chính tại ASEAN. Singapore vượt trội hơn các nước với 8,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm 75% tổng vốn đầu tư cho AI của sáu nền kinh tế lớn ở ASEAN. Indonesia tiếp theo với 1,9 tỉ đô la, Malaysia 371 triệu đô la, Thái Lan 255 triệu đô la và Philippines 126 triệu đô la.