Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Startup ASEAN gọi vốn kém nhất trong sáu năm qua

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các startup ASEAN chỉ gọi được 979 triệu đô la cho 134 thương vụ trong quí 3. Đây là mức thấp kỷ lục trong sáu năm qua và là lần đầu tiên từ 2019 số vốn gọi được trong quí dưới mức 1 tỉ đô la.

Bên cạnh con số gọi vốn thấp kỷ lục nói trên do DealStreetAsia ghi nhận, theo dữ liệu của Crunchase, trong quí 3 nguồn vốn mạo hiểm đổ vào các startup châu Á cũng giảm xuống còn 13,2 tỉ đô la, giảm 44% so với con số 23,8 tỉ đô la của cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ mốc 13 tỉ đô la của quí 1-2015.

Nhà đầu tư đang dè dặt hơn trong rót vốn

Do kết quả quí 3 yếu, số lượng giao dịch trong chín tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 474 hợp đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2020. Số vốn huy động được từ đầu năm đến nay là 3,26 tỉ đô la, ít hơn 50% số vốn huy động được trong cùng kỳ năm 2020. Bức tranh này cho thấy tình trạng trì trệ trong gọi vốn của các startup ASEAN, trong bối cảnh Đông Nam Á cùng đối diện với các thách thức chung của toàn cầu.

Trong khi hoạt động tài trợ vốn cổ phần hay vốn chủ sở hữu mất đà trong chín tháng đầu năm nay, hoạt động tài trợ nợ lại tăng trưởng. Các giao dịch vay nợ tăng 6% về số lượng giao dịch lên 35 và tăng 62% về giá trị lên 1 tỉ đô la trong chín tháng đầu năm.

Số giao dịch giảm ở các giai đoạn gọi vốn nhưng mức giảm mạnh hơn ở giai đoạn sau. Số vốn gọi được của các startup ASEAN ở giai đoạn đầu giảm nhẹ xuống còn 2,4 tỉ đô la trong chín tháng đầu năm, trong khi tài trợ giai đoạn sau giảm mạnh 73,6% xuống chỉ còn 850 triệu đô la.

Sự sụt giảm này phản ánh “tinh thần cảnh giác” ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với các mô hình kinh doanh thâm dụng vốn, nhưng chưa chứng minh được mức độ khả quan trong tìm kiếm lợi nhuận. Nhà đầu tư muốn lộ trình rõ ràng tiến đến lợi nhuận của các startup ASEAN giữa bối cảnh bất ổn kinh tế đang diễn ra và thanh khoản bị siết chặt hơn.

Về mặt tích cực, báo cáo “SE Asia Deal Review: Q3 2024” cho rằng áp lực định giá lại tài sản đang có dấu hiệu giảm bớt, đặc biệt là trong các giao dịch gọi vốn series C. Trong chín tháng đầu năm 2024, giá trị trung bình của các giao dịch hạt giống tăng theo từng năm. Giá trị trung bình của series A vẫn khá ổn định, các giao dịch series B có mức tăng lớn nhất về quy mô trung bình.

Singapore vẫn duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn đổ vào các startup ASEAN, đóng góp 65,6% tổng nguồn vốn trong chín tháng đầu năm.

Trong chín tháng đầu năm, Indonesia đã báo cáo 71 giao dịch vốn cổ phần, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng nguồn vốn giảm 66%. Tuy vậy, Indonesia vẫn xếp sau Việt Nam với mức tổng vốn giảm 79% trong cùng kỳ.

Đóng góp của Indonesia vào tổng giá trị giao dịch của Đông Nam Á đã giảm xuống còn 11,6% trong chín tháng đầu năm, giảm so với mức 19,4% trong cùng kỳ năm ngoái.

Công nghệ tài chính (fintech) giữ vị trí hàng đầu, huy động được 1,1 tỉ đô la vốn cổ phần từ 111 giao dịch. Tổng giá trị các giao dịch fintech đã giảm 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hồi phục đáng kể so với mức giảm mạnh 68,4% trong chín tháng đầu năm 2023.

Các startup tài chính phi tập trung (DeFi) hoặc fintech dựa trên blockchain, chiếm 45% tổng khối lượng giao dịch fintech và 28% tổng giá trị giao dịch. Điều này nhấn mạnh sự nổi bật ngày càng tăng của các giải pháp dựa trên blockchain trong hệ sinh thái công nghệ tài chính của Đông Nam Á.

Tình trạng suy giảm vốn cũng phản ánh xu hướng không sáng sủa lắm của các starup thương mại điện tử trong khu vực. Từng là ngành được các nhà đầu tư ưa chuộng, ASEAN chỉ ghi nhận 30 giao dịch ở mảng thương mại điện tử, trị giá 295 triệu đô la trong chín tháng đầu năm.

Con số đầu tư vào startup ASEAN ở mảng thương mại điện tử giảm 44,4% về khối lượng giao dịch và 81,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết đều là các thương vụ nhỏ, chỉ riêng thương vụ hãng mẹ Alibaba rót thêm 230 triệu đô la vào Lazada đã chiếm 78%.

Startup ASEAN sẽ “dễ thở" hơn trong năm 2025?

DealStreetAsia trích dẫn nhận xét của Kevin Brockland, đối tác quản lý của Indelible Ventures, cho rằng dự kiến nguồn vốn trong những tháng cuối năm vẫn sẽ bị siết chặt. Xu hướng hồi phục ở các thị trường khác chẳng hạn như Mỹ đã rõ hơn. Thị trường ASEAN có xu hướng “dễ thở” từ năm 2025. Các khó khăn trong định giá hoặc không thể gọi vốn chưa hẳn sẽ biến mất. Tuy nhiên, mức định giá trở lại bình thường cũng sẽ giúp thanh khoản dễ dàng hơn, bởi nhiều nhà đầu tư trước đó đã thoái lui khi startup hét giá quá cao.

Theo Achmad Zaky là đồng sáng lập startup thương mại điện tử Bukalapak hiện đã lên sàn chứng khoán và cũng là lãnh đạo của công ty vốn mạo hiểm VC Init-6 có trụ sở tại Indonesia, cho rằng sẽ có nhiều cơ hội ở Indonesia, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu dùng và công nghệ tài chính. "Chúng tôi nhận ra tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong các ngành này, do nhu cầu của người tiêu dùng, quá trình số hóa ngày càng tăng và các dịch vụ fintech đang phát triển mạnh”.

Bất chấp những thách thức địa chính trị và dòng vốn đang siết chặt, cuối năm 2023 quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures dự đoán giá trị của các startup ASEAN sẽ tăng vọt từ mức 340 tỉ đô la từ cuối năm 2023 lên 1.000 tỉ đô la vào năm tới. Tuy nhiên, con đường 2024 vẫn còn hơn hai tháng nữa và những thách thức của năm 2025 vẫn chưa chính thức lộ diện.

Theo DealStreetAsia, Crunchbase, techcollectivesea

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới