Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Startup Mỹ tái chế sữa bò hư thành áo thun hút khách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Startup Mỹ tái chế sữa bò hư thành áo thun hút khách

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Mi Terro, công ty khởi nghiệp (startup) ở Los Angeles (Mỹ), đang đàm phán với các công ty sản xuất sữa hàng đầu Trung Quốc để hợp tác tái chế sữa bò bị hư hỏng thành sợi vải để sản xuất áo thun.

Startup Mỹ tái chế sữa bò hư thành áo thun hút khách
Chất xơ thu được sau quy trình xử lý sữa bò bị hư hỏng. Ảnh: Mi Terro

Robert Luo, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Mi Terro, cho biết anh đang thương lượng hợp tác đầu tư với một số công ty sữa lớn nhất Trung Quốc. Anh cho biết kể từ khi ra mắt các sản phẩm áo thun làm bằng sợi sản xuất từ sữa bò bỏ đi vào tháng 6-2019, công ty anh đã kiếm hơn 100.000 đô la doanh thu nhờ bán chúng cho khách hàng ở hơn 40 nước qua kênh trực tuyến.

Theo Mi Terro, vải áo thun làm từ sữa bò mềm hơn cotton. Mi Terro là một trong nhiều thương hiệu nhỏ đang nắm bắt nhu cầu ngày càng lớn của những khách hàng muốn mua sản phẩm trực tiếp từ những công ty hoạt động dựa trên tính bền vững.

Theo Sách trắng của Trung tâm Thời trang bền vững thuộc Đại học Thời trang London công bố năm ngoái, các công ty vừa và nhỏ chỉ chiếm một nửa thị phần ngành thời trang toàn cầu nhưng họ ở vị thế thuận lợi để sáng tạo vì tính bền vững.

Cảm hứng sáng tạo của Robert Luo đến từ thực phẩm bị vứt bỏ. Trong một chuyến viếng thăm trang trại bò sữa của một người chú ở Trung Quốc vào năm 2018, anh cảm thấy sửng sốt khi chứng kiến rất nhiều sữa bò bị đổ bỏ vì hư hỏng.

Sau khi trở về Mỹ, anh hợp tác với người bạn thời thơ ấu có kinh nghiệm trong ngành hóa học và khoa học vật liệu để tìm cách tái chế nguồn sữa bò bị vứt bỏ.

Sau ba tháng nghiên cứu, họ tìm ra được một dung dịch có thể chiết xuất một loại protein có tên gọi casein từ sữa bò và xe tơ nó thành sợi vải. 

Đầu tiên, các chất béo sẽ được tách khỏi sữa trước khi sữa được khử nước thành bột sữa. Tiếp đó, sữa bột này sẽ được xử lý để loại bỏ vi khuẩn hay còn gọi là protein casein xấu, rồi được gia cố thành chất xơ để xe thành sợi vải dùng để sản xuất áo thun. Protein casein chiếm đến 80% lượng protein có trong sữa bò.

Theo Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), 20% sản phẩm sữa bị vứt bỏ mỗi năm biến ngành công nghiệp sữa trở thành một trong những ngành lãng phí thực phẩm lớn nhất. Chỉ riêng tại châu Âu, có đến 29 triệu tấn sản phẩm sữa bị vứt bỏ hoặc thất thoát mỗi năm do hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng.

Người mẫu mặc áo thun được sản xuất từ sợi làm từ sữa bò của Mi Terro. Ảnh: Startup TV

Mi Terro dự định ra mắt sản phẩm ở Trung Quốc vào ngày 18-6 và ở Nhật Bản trong hai tháng tới. Robert Luo cho hay công ty anh đã ký các văn bản ghi nhớ hợp tác với một số thương hiệu thời trang cao cấp nhưng cần sự hỗ trợ tài chính và chiến lược để tăng công suất giúp đáp ứng nhu cầu.

Chẳng hạn, Nike đã mua một số áo thun và sợi làm sữa bò của Mi Terro để xem nghiên cứu xem có thể đầu tư vào  công ty khởi nghiệp này trong tương lai hay không.

Mi Terro cũng đang đàm phán với thương hiệu thời trang H&M để tiến đến hợp tác phát minh công nghệ mới hoặc sản xuất sản phẩm hàng loạt.

Gần đây, startup này tiến hành vòng gọi vốn mới với mục tiêu huy động 800.000 đô la Mỹ từ các đối tác ở Trung Quốc và trên toàn cầu.

Theo báo cáo của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey và ấn phẩm Business of Fashion công bố hồi năm ngoái, vốn đầu tư mạo hiểm rót vào ngành may mặc và giày dép trên toàn cầu tăng từ 43,5 triệu đô la vào năm 2007 lên 560,6 triệu đô la vào năm 2017.

Mi Terro có kế hoạch phát triển thêm các sản phẩm làm từ sữa bò, chứ không chỉ dừng lại ở sản phẩm áo thun. Startup này đang nghiên cứu một công nghệ mới giúp các nhà sản xuất sữa tái chế lượng sữa vứt bỏ thành một loại màng phim dễ dàng phân hủy sinh học để gói thực phẩm.

Theo Robert Luo, sợi làm từ protein casein cũng có thể sử dụng để sản xuất khẩu trang, giấy vệ sinh. Anh cho biết công ty anh đang xin cấp các bản quyền sáng chế ở Trung Quốc và sẽ cấp phép công nghệ độc quyền cho các đối tác trong tương lai gần.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới