Thứ sáu, 8/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sự học hiện đại: đi tìm chân dung học tập của bản thân(*)

Nguyễn Minh Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong các báo cáo về “sự học” được nêu ra cho sinh viên trường Đại học Mở TPHCM nghe mới đây, TS. Nguyễn Khánh Trung có nêu lên ba cấp độ của sự học, mô tả sự biến đổi trong quan niệm và nhận thức của người học theo lý thuyết của Giáo sư Giordan André (tiến sĩ Khoa học giáo dục, Đại học Genève, Thụy Sỹ).

Ba cấp độ đó gồm:

Cấp độ 1 (cách học thụ động): là giáo viên truyền tải và học sinh thu nhận kiến thức, một phương cách hiện còn phổ biến trong môi trường giáo dục phổ thông của chúng ta. Ở cấp độ này, học sinh sẽ học để thi và nhiều khả năng “trả lại kiến thức cho thầy” sau khóa học.

Cấp độ 2 (cách học chủ động): là người học không chỉ nghe và làm theo hướng dẫn của giáo viên mà còn tự tìm hiểu các chủ đề, tự trình bày về chủ đề mới, nghiên cứu tài liệu và viết bài phản hồi, phản biện, viết bài báo về chủ đề đó, giải thích các vấn đề thực tiễn xã hội đang diễn ra bằng các lý thuyết… Từ đó, người học sẽ lĩnh hội kiến thức và có cái của riêng mình trong và sau khi học.

Cấp độ 3 - “học, một sự lột xác”: là người học không chỉ thụ đắc kiến thức mà còn dám “từ bỏ” những lý thuyết, những phương pháp cũ khi nhận ra cái cũ kỹ, lạc hậu của nó, đồng thời, từ bỏ những gì mình từng xem là quan trọng, là quyết định cho phương pháp và nhận thức của mình, để tiếp nhận cái mới.

Khi bàn về sự học, TS. Nguyễn Khánh Trung cho rằng “sự học đầu tiên là học về bản thân mình”, là đi tìm hiểu chính con người của mình về sự học với những đặc điểm chỉ riêng mình có. Bởi từng cá nhân luôn có sẵn trong mình tố chất thông minh không giống người khác, tức là “ta thông minh theo cách thức nào mà thôi”. Như vậy, mỗi cá nhân cần khám phá con người mình, đi tìm chân dung sự học của bản thân, chứ không cần theo hình mẫu hay chạy theo sự học của một ai khác.

Sự học được hiểu là cái lớn hơn việc học. Sự học bao gồm nhiều việc học cụ thể, như việc học ở trường, việc học ở nhà, việc học một ngành nghề, việc học ở không gian mạng…. Việc đón nhận sự học của người học từ các nguồn cơ sở dữ liệu mở trên mạng internet, các khóa học của các trường đại học trên thế giới, các tổ chức lớn, các thư viện mở toàn cầu… Khi xác định được chân dung sự học của mình, người học sẽ chủ động lựa chọn phương pháp học tập và tiếp nhận sự học không chỉ trong phạm vi hẹp mà là cả một biển rộng kiến thức, từ đó có thể soi chiếu các nguồn tư liệu khác nhau, giúp bản thân vượt qua lực cản của kiến thức cũ để “làm chủ” thế giới quan của bản thân.

“Sự học đầu tiên là học về bản thân mình”, là đi tìm hiểu chính con người của mình về sự học với những đặc điểm chỉ riêng mình có. Bởi từng cá nhân luôn có sẵn trong mình tố chất thông minh không giống người khác, tức là “ta thông minh theo cách thức nào mà thôi”.

Nghĩa là, một cá nhân phải dám rời bỏ “vùng an toàn”, thậm chí là dám để “niềm tin” sang một bên để vượt qua những quan niệm cũ, truyền thống cũ và tiếp nhận quan niệm mới, lý thuyết mới. Và để có được sự “lột xác”, cá nhân ấy phải có một động lực bên trong thật sự mạnh. Động lực bên trong không phải là những lợi ích ngắn hạn như điểm số hay phần thưởng, mà là những mục tiêu người học tự đặt ra cho bản thân, kiểu như mình mong muốn học vì điều gì, để làm gì… vào những lúc động lực bị chùng xuống, người học cũng cần xem xét, xác định lại các mục tiêu cho hành trình theo đuổi sự học của bản thân.

Nêu một ví dụ nôm na cho dễ hiểu về sự học với câu hỏi: “Rốt cuộc học để làm gì?”, TS. Nguyễn Khánh Trung đưa hình ảnh minh họa về việc thủ đắc kiến thức của một đứa trẻ tập đi xe đạp. Đứa trẻ học đi xe đạp là để… biết đi (chạy) xe đạp! Mục đích đó rất rõ ràng, chứ không phải là học về cấu tạo của chiếc xe đạp (cái thắng như thế nào, cái bánh xe ra làm sao…) mà cuối cùng thì vẫn… không đi (chạy) được xe đạp!

Nên, sự học tốt nhất là học những gì liên quan tới cuộc sống của mình.

----------

(*) Tên một chuyên đề của TS. Nguyễn Khánh Trung (Tiến sĩ Xã hội học giáo dục Đại học Toulouse 2, giảng viên thỉnh giảng Đại học Mở TPHCM)

2 BÌNH LUẬN

  1. Không có gì phải to tát hoặc thái quá. Mọi thứ đều phải đi theo tuần tự, quy luật: 1. Lúc bé thơ, học nói, 2. Thời mẫu giáo, học chữ, 3. Tiểu và trung học, học hỏi, 4. Trưởng thành và ra đời, học hành, 5. Đích cuối cùng, học thức. Sự học là vô cùng. Nhưng mục tiêu và sứ mệnh quan trọng nhất đối với mỗi đời người chính là học để làm người đàng hoàng và sống có ích là OK.

  2. Triết học mác xít đã chỉ rõ “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – đó là con đường biện chứng của sự nhận thức thực tại khách quan”. Nhưng không hiểu sao, con cháu ta ngày nay bị bắt đi học thêm/ học ngoài, quá sớm, quá trời ? Mọi sự đều do người lớn vẽ ra thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới