(KTSG) - Tuần trước quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ 30.300 viên thuốc trị Covid-19 nhập lậu và không có hóa đơn chứng từ. Cũng khoảng thời gian này, Hà Nội còn thu nhiều lô thuốc trị Covid-19 nhập lậu và không có hóa đơn chứng từ khác, trong đó lô nhiều nhất là 500 hộp. Mặc dù các bản tin trên báo chí và truyền hình không nói tên loại thuốc bị thu giữ là gì, nhưng nhìn vào các hình ảnh đăng kèm thì không khó để nhận ra đó là Areplivir.
Areplivir là tên thương mại của loại thuốc kháng virus Favipiravir do Nga sản xuất và đã được nước này phê chuẩn chính thức để sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 từ tháng 6-2021, đồng thời cũng chuẩn bị được bán đại trà tại các nhà thuốc ở Nga.
Tại Việt Nam, ngoài Molnupiravir, là loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào điều trị các F0 có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà, thì sắp tới Favipiravir sẽ là loại kháng virus dạng viên uống thứ hai được đưa vào điều trị sau khi Bộ Y tế đã phê duyệt nhận 2 triệu liều Avigan, tên thương mại khác của Favipiravir, của một doanh nghiệp tài trợ.
Như vậy, những loại thuốc Areplivir nhập lậu bị thu giữ, nếu đó là thuốc thật và nếu đưa được vào Việt Nam trót lọt thì sẽ có ích cho không ít bệnh nhân Covid-19. Tất nhiên, ủng hộ hàng nhập lậu, nhất là khi đó lại là dược phẩm là trái pháp luật.
Nhưng trong thực tế, với không ít gia đình bệnh nhân Covid-19, tìm kiếm nguồn thuốc kháng virus nhập lậu qua mạng xã hội để điều trị cho người thân, có khi còn dễ dàng hơn nguồn cung cấp hợp pháp qua mạng lưới y tế, cho dù số tiền phải trả cho một hộp thuốc, tương đương một liều điều trị, không nhỏ, đến 4-7 triệu đồng, và còn phải đối mặt với nguy cơ mua nhầm thuốc giả. Sự trì trệ cấp thuốc cho các F0 điều trị tại nhà ở TPHCM, đặc biệt là túi thuốc C có thuốc kháng virus Molnupiravir, là ví dụ điển hình.
Theo văn bản của Sở Y tế TPHCM công bố ngày 5-9, Sở Y tế cho biết đã chuyển hết 16.000 túi thuốc C được Bộ Y tế cấp xuống các trung tâm y tế quận, huyện. Thế nhưng, đến ngày 3-9-2021 các trung tâm y tế mới chuyển 5.832 túi, khoảng 36%, xuống các trạm y tế phường, xã và chưa biết số túi thuốc C đã đến được tay bệnh nhân là bao nhiêu. Có những quận nhiều bệnh nhân như quận 8, là quận được cấp nhiều túi thuốc C nhất, chỉ có 3,5% được giao xuống trạm y tế phường, còn lại vẫn còn nằm trên trung tâm y tế quận.
Tính đến ngày 3-9, TPHCM có 84.138 F0 cách ly tại nhà, trong đó nếu loại trừ những người trở về cách ly sau khi xuất viện thì vẫn còn gần 60.000 F0 cần có thuốc điều trị, đặc biệt là túi thuốc C. Thế nhưng, ngay cả số túi thuốc C ít ỏi được phân bổ đó cũng mãi không đến được tay bệnh nhân, trong khi Molnupiravir hiện là một trong những phương thuốc có khả năng giúp bệnh nhân Covid-19 nhẹ không trở nặng.
Nên biết rằng, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong ở TPHCM rất cao, lên đến gần 4,2%, trong khi tỷ lệ này của cả nước chỉ là 2,5%. Từ đây có thể suy ra, nếu không thống kê số tử vong ở TPHCM, thì tỷ lệ tử vong của tất cả các tỉnh thành còn lại chỉ khoảng 1%. Đây là điều rất khó chấp nhận đối với một địa phương có hệ thống y tế mạnh thuộc vào hàng nhất nước. Thế mà khi có trong tay niềm hy vọng để giúp bệnh nhân nhẹ không trở nặng, qua đó giảm tỷ lệ tử vong, thì lại không đến được với bệnh nhân. Một sự trì trệ thật đáng sợ.