Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sự tử tế không cần chú thích

Vũ Thị Huyền Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tôi giật mình nhận ra khi những điều bất thường dần trở nên bình thường một cách nghiễm nhiên cũng là lúc sự tử tế trở nên đầy nghi hoặc.

Tôi có một cô bạn thời đại học, người Hà Nội gốc, xinh đẹp và tính rất tiểu thư. Sau khi ra trường bạn làm phóng viên truyền hình, lấy chồng là người yêu từ thời sinh viên rồi sinh hai đứa con kháu khỉnh. Ấy thế mà đùng một cái bạn bỏ nghề mua đất trên Hòa Bình làm trang trại.

Trên Facebook của bạn không còn hình ảnh một cô phóng viên xinh đẹp, xúng xính váy áo, son phấn điệu đà đi làm chương trình nữa. Thay vào đó là hình ảnh một cô nông dân quần xắn cao, tóc búi gọn hàng ngày vác cuốc ra trang trại. Bạn cuốc đất, trồng cây, làm cỏ, bắt sâu, chăn nuôi gia súc gia cầm không thiếu một việc gì. Dĩ nhiên bạn có người hỗ trợ nhưng chúng tôi đều không tin được rằng bạn lại lựa chọn con đường đầy khó khăn, vất vả đó.

Sau này khi nông sản trong “Suối nắng Farm” được thu hoạch bạn thêm việc rao bán trên trang cá nhân. Điều đáng chú ý là trước mỗi loại thực phẩm rao bán bạn đều kèm thêm câu “không hóa chất”, như cam không hóa chất; thanh long không hóa chất, mã xấu; ổi lê không hóa chất, giòn nhưng không ngọt đậm; giò lợn không phụ gia; vừng đen không hóa chất; gà thả vườn không nuôi cám công nghiệp, không thuốc kháng sinh…

Thỉnh thoảng, bạn đăng hình ảnh những quả ổi bị sâu ăn, những bắp ngô lõ lẹo. Hoặc đính kèm bức hình ảnh những thùng ong đặt trong vườn nhà kèm lời giải thích: “Em nuôi ong để chứng minh vườn mình không lạm dụng hóa chất. Giống ong là loài rất nhạy cảm. Vì vậy nếu gặp phải môi trường không trong lành, toàn mùi hóa chất là nó bỏ vườn ngay”. Cũng có khi là bức ảnh chụp đàn kiến vàng leo đầy trên những cành cam: “Vườn để tự nhiên nên có cả kiến vàng trên cây. Loài thiên địch ăn sâu bọ giúp người nông dân. Cũng là sinh vật chỉ sống được trong vườn không hóa chất. Thế đấy ạ, không phải em cứ ra rả vườn không phun thuốc mà mọi người tin được. Phải có cái để chứng minh”.

Có lần vườn bạn thu được đợt chanh to và đẹp bạn liền lên mạng “giải trình” với khách hàng: “Em không biết trồng giống gì mà quả to đến thế. Thương cái nghề bán thực phẩm sạch, thương người mua giờ chỉ biết mua niềm tin giữa thời buổi trắng đen nhập nhèm. Có những cái chả biết nói làm sao cho người ta tin. Có những thứ xấu chưa chắc đã sạch (hàng loại). Lại có những thứ đẹp chưa chắc đã phun”.

Thật ra việc nuôi trồng, sản xuất lương thực thực phẩm dĩ nhiên là phải sạch để đảm bảo sức khỏe con người. Vậy tại sao sự bình thường ấy lại luôn cần tới lời chú thích? Có phải bởi những điều bất thường đang trở thành bình thường một cách nghiễm nhiên như nó đương nhiên là thế trong xã hội bây giờ?

Ngày xưa, có những chuyện không được phép làm nhưng vì miếng cơm manh áo người ta len lén làm liều. Còn bây giờ người ta làm cái điều len lén đó một cách công khai. Như nó là hiển nhiên, thâm tâm không chút áy náy nào. Cũng giống như chuyện bán hàng cân thiếu ở chợ vậy. Trước đây bán hàng mà cân thiếu là sợ bị chửi, sợ mất khách, lần sau chẳng ai thèm mua bán với nhà mình. Nhưng giờ ở nhiều nơi người ta ngang nhiên cân thiếu, nếu bị khách phát hiện thì tỉnh bơ: “Không cân thiếu làm sao mà lời. Ai mua thì mua, không mua thì thôi”.

Chúng ta cũng chẳng lạ gì chuyện mua “cua dây”. Từ thủ phủ cua Cà Mau, Bạc Liêu, đến rất nhiều chợ ở các khu du lịch thì con cua đều được trói bằng dây ngâm nước. Có khi dây trói cua to như sợi dây thừng. Một ki lô gam cua sau khi trói tăng lên 1,2 ki lô gam, cũng có khi tăng lên 1,6 ki lô gam hoặc hơn thế nữa. Người ta gọi đó là những con “cua khổ sai”. Thậm chí sau này các vựa cua còn làm “dây trói tăng trọng” từ vải vụn về ngâm tẩm với hồ và cát. Người mua vẫn thường ghẹo nhau là “mua dây được khuyến mại cua”, vẫn còn may là cua không bị bơm tạp chất như tôm hay thịt bị bơm nước.

Tôi lớn lên từ những vại cà muối mẹ làm. Nên sau này trong bữa cơm thường ngày tôi hay thèm cà muối. Nhà ở phố không có đất để trồng, muốn ăn gì chỉ có thể ra chợ mua về. Nhưng mỗi lần nhìn chén cà muối trên mâm là chồng tôi lại bảo: “Em đừng mua mấy món này ngoài chợ. Ngày xưa anh chơi thân với đứa bạn chuyên trồng rau cà bán nên đâu có lạ gì. Để rau củ nhanh lớn họ toàn phun thuốc đấy. Hết thuốc sâu đến thuốc kích thích. Hôm nay phun ngày mai có khi đã hái bán rồi. Nhà bạn anh lén trồng riêng luống không thuốc nhà ăn. Có lần anh về nhà bạn chơi, đến bữa vác rổ ra hái cà làm xổi bạn mới ghé tai chỉ hái ở luống nhà ăn”.

Bây giờ việc trồng rau hai luống đã trở nên bình thường. Nên thường thấy mỗi khi đem cho ai đó rau củ quả, người ta thường đính kèm câu: “Cứ yên tâm ăn đi. Của nhà trồng để ăn đó”. Chẳng phải chỉ là chuyện mớ rau. Giờ bán buôn bất cứ thứ gì người ta cũng gắn kèm hai chữ “nhà làm”: Mứt nhà làm, thạch nhà làm, bánh chưng nhà tự nấu… ý là muốn bảo nhau cứ yên tâm mà ăn không có gì độc hại.

Người tiêu dùng Việt Nam từng rất e ngại chất lượng hàng Trung Quốc nhất là hoa quả do ngâm nhiều hóa chất độc hại, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Thế nên trước đây nhiều loại trái cây như “cam Thái”, “táo đá Hà Giang”, “đào mỏ quạ Sa Pa”, “lựu đặc sản Việt Nam”… mà dân Việt mua ăn suốt thực chất, đó đều là hàng Tàu. Thậm chí nhiều tiểu thương vì lòng tham mà nhập hàng Tàu còn gắn mác hàng Mỹ, Úc để lừa người tiêu dùng “yên tâm” mua với giá cao. Nhưng bây giờ người bán chẳng còn phải “núp bóng” hàng Việt Nam hay hàng Úc, Mỹ nữa. Mà thản nhiên nhập hàng Tàu rồi thừa nhận luôn nguồn gốc với người tiêu dùng.

Rau quả, trái cây Trung Quốc vẫn về chợ Việt mỗi ngày. Ra chợ mà lỡ hỏi người bán hàng về nguồn gốc thì thể nào cũng nhận được câu trả lời: “Hàng Tàu hết đấy. Giờ đâu mà chả Tàu. Cứ ăn đi, độc hại cũng còn lâu mới chết”.

Nhưng điều đáng sợ hơn có lẽ lại chính là sự “thỏa hiệp” của người tiêu dùng. Trước kia họ sợ hãi hàng Tàu, lỡ thèm miệng ăn một miếng táo không rõ nguồn gốc xuất xứ có khi lo ngay ngáy cả ngày. Còn bây giờ biết chắc chắn là đồ Tàu đấy nhưng họ vẫn cứ mua. Người bán đâu có lừa, chỉ là người mua tự biện bạch rằng: “Người ta ăn được thì mình ăn chắc cũng chẳng sao. Chỗ nào cũng bán toàn đồ Tàu, không mua thì nhịn chắc?”. Thế là từ người già, bà bầu, trẻ nhỏ cứ thế thản nhiên ăn. Tôi tự hỏi liệu đây có phải là một kiểu “thao túng tâm lý” người tiêu dùng?

Đâu phải chỉ là chuyện chợ búa, bán mua. Người ta cũng mách nhau, nếu chẳng may sai phạm bị cảnh sát giao thông “vẫy” lại thì cứ đưa thẳng tiền phạt chẳng cần phải úp mở giấu giếm làm gì. Muốn xây chìa ban công ra khỏi đất nhà mình, hay xây sân vườn lấn đất vỉa hè và hành lang lưới điện thì cứ làm việc với bên quản lý đô thị. Đút cho họ ít tiền là xong. Thị xã nơi tôi sống đang di chuyển cột điện, mở rộng lòng đường. Hộ nào chẳng may dính đặt cột điện bên sườn nhà đúng theo bản thiết kế thi công thì bảo nhau “cứ dúi cho vài triệu”. Đưa xong tiền thì cột điện lập tức chuyển sang nhà khác. Còn có bao nhiêu chuyện vốn chướng tai gai mắt giờ phơi bày ra giữa thanh thiên bạch nhật.

Ngày xưa, có những chuyện không được phép làm nhưng vì miếng cơm manh áo người ta len lén làm liều. Còn bây giờ người ta làm cái điều len lén đó một cách công khai. Như nó là hiển nhiên, thâm tâm không chút áy náy nào.

Chiêu “trồng rau hai luống” không còn lạ lùng gì cả người buôn bán nhỏ lẫn nhà kinh doanh lớn. Người ta tỉnh bơ lừa đảo mà không sợ bị trừng phạt, không lo chuyện quả báo nhãn tiền cũng chẳng màng chuyện đúng sai, coi thường cả pháp luật. Tôi giật mình nhận ra khi những điều bất thường dần trở nên bình thường một cách nghiễm nhiên cũng là lúc sự tử tế trở nên đầy nghi hoặc. Nó cho thấy điều đáng sợ không chỉ là căn bệnh ung thư đang tiềm ẩn đâu đó trong “trồng rau hai luống” hay những mẹt thực phẩm Tàu chất đầy ngoài chợ.

Mà đáng sợ nhất là chúng ta đang dần không tin vào lòng trung thực và những điều tử tế. Nên từng có nhiều trường hợp giúp người gặp nạn trên đường cũng bị đánh vạ lây. Kể từ đó có những cái vẫy tay cầu cứu mà không ai dừng lại. Có những cái chết lẽ ra không phải chết. Dù cứu người tai nạn không chỉ là tình người mà còn là nghĩa vụ thì họ vẫn xui nhau: “Tốt nhất đừng có ôm rắc rối vào người”.

Khi chúng ta ngày càng đánh mất sự tử tế thì gian dối lên ngôi. Thời lạm phát, dường như con người đang dồn hết sức lực và tâm trí để mưu sinh kiếm tiền. Họ bỏ quên thậm chí là chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của con người. Nhưng tôi tin ngoài kia còn có rất nhiều người gióng lên những hồi chuông thức tỉnh. Họ miệt mài vạch màn sương mù ảo ảnh để chọn một con đường tử tế mà đi. Đó là người biết đưa tay đẩy trả chiếc phong bì đút lót. Người chìa tay ra để giúp đời mà không màng hiểm nguy, không tính toán trước sau, được mất. Là đứa trẻ biết đứng ra bảo vệ bạn mình trước đám đông hung hãn. Là người sẵn sàng nhường mẩu bánh cuối cùng trên tay cho ai đó đói hơn.

Những hạt mầm của sự tử tế vẫn được ươm trong mỗi gia đình. Khi sáng nay có bà mẹ nào đó âu yếm dặn con trước lúc đến trường: “Hãy học tốt và giúp đỡ bạn bè khi có thể”. Đã đến lúc chúng ta đừng chỉ chăm chăm đi tìm giải pháp phát triển kinh tế thị trường. Mà chúng ta cần tìm giải pháp để khơi dậy, đánh thức sự tử tế trong mỗi con người. Bởi sự tử tế sẽ mang lại sức mạnh cho cộng đồng và sự phát triển vững chắc dựa trên nền tảng của sự nhân văn.

Xin được trở lại câu chuyện của bạn tôi – người bỏ phố lên rừng bền bỉ làm nông trại sạch. Niềm hạnh phúc của bạn là được mang thực phẩm sạch vào bữa cơm mỗi gia đình.

Bạn từng trải lòng rằng: “Nếu ai từng mua cam của em, sẽ thấy trên vỏ cam có những vết sẹo. Đó là do cam bị ong bù, bị ruồi vàng châm. Nếu gặp thời tiết bất lợi như mưa to, quả cam sẽ rụng xuống. Nếu trời nắng đẹp quả cam sẽ tự mình chống chọi, vết chích sẽ lành lại. Nhìn quả mà thương cây oằn mình chống chọi với sâu bệnh, với thời tiết bất lợi, khi mà chủ nhân chỉ bón phân chứ nhất quyết không phun thuốc hóa học bảo vệ thực vật. Cây nào yếu thì bắt buộc loại bỏ. Nhìn quả cam càng thấy thương mình. Đang yên lành với nghề phóng viên, rẽ ngang sang một mảng cực khó là nông nghiệp sạch. Thế rồi cũng như cam, oằn mình chống chọi với những khó khăn ập đến. Có những lúc cảm thấy mình đang bơ vơ một mình một đường. Nhưng em tin vào con đường làm nông “tử tế” của mình…”.

Tôi tin bạn và cũng tin rằng một ngày nào đó không xa sự tử tế ở cuộc đời này không cần lời chú thích…

1 BÌNH LUẬN

  1. Không có gì lạ. Mọi định nghĩa đều có thể phải định nghĩa lại. Nhất là khi bối cảnh đã thực sự thay đổi. Tử tế, hiểu đơn giản là lòng tốt. Đó là trong điều kiện lòng tử tế luôn được khẳng định và bảo vệ, bằng cả đạo đức và pháp luật, trước những cái xấu, cái ác. Trên đời không có cái gì bỗng dưng tự sinh ra đã là mặc định. Tử tế, cũng như cây trái, có chăm bón kỹ thì mới có quả hái ngon. Tử tế luôn là nhân quả. Ông bà ta trước đây chỉ sống trong thế giới thực là chính. Còn bây giờ còn có thêm thế giới mạng, thế giới ảo. Trước đây, mới nghe thì có thể tin ngay. Bây giờ, nghe, thấy, sờ, thử … cũng vẫn là chưa đủ. Không phải con người hôm nay khác con người ngày trước. Đơn giản là tỷ lệ người tự cho mình tử tế là quá nhiều, còn tử tế thực sự thì ngày càng ít đi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới