Thứ Hai, 20/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên – ai giữ bản quyền?

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Gần đây, câu chuyện “tranh từ trường học ra thị trường” đang làm giới yêu thích nghệ thuật bàn tán xôn xao.

Họa sĩ Hà Huy Mười (phải) mua lại một tác phẩm mà mình từng nộp cho nhà trường khi còn là sinh viên.

Đầu tiên là họa sĩ Hà Huy Mười cho biết ông đã may mắn tìm mua lại được một tác phẩm mà mình từng nộp cho nhà trường khi còn là sinh viên. Tiếp theo đó, chúng ta được biết rằng hóa ra chuyện tương tự không phải là hiếm, vì một số họa sĩ khác cũng lên tiếng khẳng định rằng tác phẩm tốt nghiệp của họ tưởng đang được giữ ở trường, nhưng một ngày kia bị phát hiện lại đang trôi nổi ngoài thị trường mua bán tự do, mà tác giả không hề được thông báo trước.

Chuyện chưa dừng lại ở đó, vì khi được trao đổi để làm sáng tỏ vấn đề này, ông Vũ Chí Công, quyền hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, nơi họa sĩ Hà Huy Mười từng theo học, khẳng định rằng trường hoàn toàn có quyền sở hữu đối với các tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên, cũng như cho rằng bài tập của sinh viên chưa phải là “tác phẩm” đúng nghĩa được bảo vệ bởi luật về bản quyền. Ông Công cũng khẳng định trường không hề giao bán bài thi tốt nghiệp của sinh viên, mà đây chỉ là do bị “thất lạc” từ trường ra tới… thị trường mà thôi.

Đầu tiên, hãy xem theo luật hiện hành, có đúng là trường có “quyền sở hữu” đối với các tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên hay không? Và liệu có sự phân biệt nào giữa “bài tập” của sinh viên và “tác phẩm” được bảo vệ bởi luật về bản quyền?

Việc đơn phương coi sản phẩm sáng tạo của sinh viên là thuộc quyền sở hữu của nhà trường có vẻ như đi quá xa, và không có cơ sở pháp lý vững chắc.

Khi giở Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (SHTT) hiện hành, có thể thấy ngay ở điều 4 (khoản 7) định nghĩa tác phẩm, theo đó “tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Hơn nữa, nên đọc thêm điều 6 (khoản 1) của luật này, liên quan tới căn cứ phát sinh, xác lập quyền SHTT: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.

Vậy là một bài tập tốt nghiệp của sinh viên, chỉ cần nó là một “sản phẩm sáng tạo” trong các lĩnh vực nói trên, thì đã được coi là tác phẩm có thể được luật về bản quyền bảo vệ, không có sự phân biệt nào cả. Về mặt lý thuyết cũng như về mặt thực tế, khó có thể cho rằng vì đây là “bài tập tốt nghiệp” của sinh viên ngành mỹ thuật, nên không có đủ “tiêu chuẩn” để được coi là tác phẩm. Sinh viên sáng tạo ra tác phẩm, vì thế, là “tác giả” theo định nghĩa của luật hiện hành.

Tiếp theo, để trả lời câu hỏi liệu trường có quyền sở hữu bài thi tốt nghiệp của sinh viên hay không, thì đơn giản là hãy xem có điều khoản nào của luật hiện hành quy định vấn đề này hay không. Về nguyên tắc, tác giả sáng tạo ra tác phẩm thì là chủ sở hữu tác phẩm, được hưởng quyền tài sản và quyền nhân thân. Tuy nhiên, có hai trường hợp đặc biệt, trong đó quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm (thuộc nhóm quyền nhân thân) sẽ không thuộc về tác giả. Cụ thể, “tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình” (điều 39, khoản 1) và “tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm” (điều 39, khoản 2) sẽ là chủ sở hữu tác phẩm. Câu hỏi đặt ra ở đây là vậy liệu điều 39 Luật SHTT nói trên có áp dụng đối với tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên hay không?

Điều 39 (khoản 2) khá đơn giản khi áp dụng trên thực tế, nó có nghĩa là khi tác giả tạo ra tác phẩm “theo hợp đồng”, thì tác phẩm đó sẽ thuộc quyền sở hữu của người thuê tác giả, và tác giả chỉ còn giữ một số quyền nhân thân còn lại, như quyền đặt tên, quyền đứng tên tác phẩm, hay quyền cấm mọi sửa đổi cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả mà thôi. Đây chính là khái niệm “work made for hire” trong luật bản quyền (copyright) tồn tại ở nhiều nước trên thế giới, như ở Anh, Mỹ chẳng hạn. Đối với tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên, khó có thể nói rằng giữa nhà trường với sinh viên có một “hợp đồng sáng tạo” theo quy định của điều 39 (khoản 2).

Còn đối với điều 39 (khoản 1), cần nhấn mạnh rằng điều khoản này liên quan tới trường hợp tác giả là người lao động, có hợp đồng lao động với “tổ chức”, và việc sáng tác tác phẩm nằm trong khuôn khổ công việc của tác giả theo hợp đồng lao động, tức là trong khuôn khổ của nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp này, thì “tổ chức” sẽ là chủ sở hữu tác phẩm, chứ không là tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Hiện nay, chưa có nghị định hay thông tư nào giải thích cụ thể điều 39 (khoản 1) Luật SHTT, vì thế phạm vi áp dụng của nó còn chưa rõ ràng. Nếu như coi đây là điều khoản cho phép khẳng định rằng trường có toàn quyền sở hữu với bài tập tốt nghiệp của sinh viên, thì chưa thực sự thuyết phục, nhất là khi sinh viên chủ động chọn đề tài và là người trực tiếp làm tác phẩm sáng tạo. Việc trường “hỗ trợ, góp ý” hay “cung cấp tư liệu” cho tác phẩm không có tác dụng thay đổi quyền sở hữu tác phẩm (điều 6 (khoản 3) Nghị định 22/2018/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng Luật SHTT).

Cuối cùng, xin nhấn mạnh rằng, ở các nước phát triển trên thế giới, cho dù là theo hệ thống droit d’auteur kiểu Pháp, Đức, hay theo hệ thống copyright của Anh, Mỹ, thì cũng chỉ trong hai trường hợp nói trên quyền sở hữu tác phẩm thuộc về một cá nhân hay tổ chức khác ngoài tác giả, tức là qua hợp đồng thuê sáng tạo tác phẩm, hay qua hợp đồng làm việc.

Cách đây một vài năm, một trường đại học ở Mỹ có “sáng kiến” coi mọi sản phẩm sáng tạo của sinh viên là tài sản trí tuệ của trường, gây xôn xao truyền thông. Thường thì các trường áp dụng một hình thức “thỏa thuận” với sinh viên, liên quan tới việc “chia sẻ” sản phẩm sáng tạo trong giới hạn trường học, và cần có sự cho phép của mỗi sinh viên. Việc đơn phương coi sản phẩm sáng tạo của sinh viên là thuộc quyền sở hữu của nhà trường, vì thế, có vẻ như đi quá xa, và không có cơ sở pháp lý vững chắc.

3 BÌNH LUẬN

  1. Tác phẩm tốt nghiệp khác với tác phẩm sáng tạo. Tác phẩm tốt nghiệp kết tinh quá trình học tập, là chứng nhận kết quả cuối cùng của sinh viên trong khuôn khổ quy trình/ quy định đào tạo của nhà trường, do đó không thể đại diện và không mang tính sáng tạo độc lập, tự quyết mang dấu ấn cá nhân. Lâu nay ở ta các tác phẩm tốt nghiệp đều do nhà trường/ giáo viên trực tiếp hướng dẫn nắm giữ quyền sở hữu, khai thác… Hiện có rất nhiều trang web rao bán dữ liệu là tài liệu tốt nghiệp đủ các loại, vậy nếu không được nhà trường/ giáo viên tiếp tay thì ai vào đây ?

    • Sai rồi . Cũng như tác phẩm đi dự thi, ngay cả được giải, tác phẩm đó vẫn là của tác giả . Không có chuyện khác nhau giữa tác phẩm tốt nghiệp & tác phẩm sáng tạo . Trường Mỹ Thuật ở bên đây chỉ có quyền đưa giải/bằng chứng nhận tác phẩm đạt được giải hay qualified để học sinh/sinh viên đó tốt nghiệp, không có quyền giữ lại tác phẩm cho mình, ngoại trừ trường có quyết định đó thì thỏa thuận với tác giả . Kể cả bài tốt nghiệp cũng vậy . Trường chỉ lưu trữ 1 bản để làm tài liệu tham khảo, và sau 1 thời gian thường bị shredded. Trước đây chỉ đổ rác nên những người như Bill Gates, Steve Wozniak … hay ra mấy thùng rác trường đại học để trộm codes. Về sau này shredded hết .

  2. Nếu vậy, nhà trường/ giáo viên phải thay đổi trước thì tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên mới được bảo vệ trọn vẹn như là quyền bản quyền ? Không có bản quyền thì sẽ không còn động lực sáng tạo nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới