Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tài khoản ETC: đăng ký dễ nhưng hủy khó

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trái ngược với việc thủ tục đăng ký được tự động hoá và xử lý trực tuyến, hiện các chủ xe ô tô phải mất nhiều thời gian, công sức để huỷ tài khoản dịch vụ thu phí không dừng (ETC) nếu không còn nhu cầu sử dụng hay chuyển qua nhà cung cấp dịch vụ khác.

Xe ở TPHCM muốn huỷ dịch vụ phải lên ...Đồng Nai

Vừa qua (1-8), cả nước bắt đầu triển khai hình thức thu phí tự động không dừng (ETC), trong những ngày đầu vận hành dịch vụ này cơ quan chức năng đã ghi nhận được nhiều lỗi phát sinh gây ùn ứ giao thông utại các trạm thu phí.

Ngoài những lỗi đến từ người dùng như chưa dán tem ETC, tài khoản không đủ tiền qua trạm thì việc hệ thống không nhận thẻ từ phương tiện cũng chiếm tỉ lệ cao.

Sau những sự cố về ETC, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí này khắc phục lỗi hệ thống, lỗi thiết bị, tăng thêm nhân lực có kinh nghiệm tại các trạm thu phí đường cao tốc.

Về phía chủ xe, nhiều người quyết định thay đổi nhà cung cấp dịch vụ để phù hợp với nhu cầu sử dụng và trạm - tuyến khi đi lại, tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân khi đăng ký sử dụng dịch vụ ETC thì dễ dàng nhưng khi huỷ vô cùng khó khăn.

Anh Nguyễn Việt Đức, quận 7, TPHCM, cho biết sau khi mua lại một xe ô tô cũ anh Đức đăng ký dán tem eTag của Công ty TNHH thu phí tự động (VETC) thì được thông báo rằng xe đã đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí ETC của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC - tem ePass). Theo anh Đức, đây là tài khoản của chủ xe cũ đã đăng ký trước đó.

“Sau khi liên hệ tổng đài xin hủy thì được thông báo phải đến tận trạm thu phí Trảng Bom ở tận tỉnh Đồng Nai để huỷ, do có việc gấp nên tôi quyết định dùng tiếp dịch vụ của ePass”, anh Đức nói.

Tuy nhiên, khi anh Đức đến cửa hàng Viettel Store là đơn vị được uỷ quyền cung cấp dịch vụ thẻ của VDTC gần nhà thì được thông báo... hết tem. Các cửa hàng khác trên quận đều trong tình trạng tương tự, sau đó anh Đức phải mang xe đến một cửa hàng khác cùng hệ thống ở quận 6 để được dán thẻ.

Tài xế vật vờ hàng tiếng đồng hồ tại trạm thu phí vì lỗi ETC. Ảnh: MH

Tương tự anh Đức, chị Nguyễn Hoàng Mỹ Linh ở TPHCM, chia sẻ vẫn chưa thể đổi thẻ ETC sau 2 lần “chạy chữa”, và nếu muốn huỷ dịch vụ của ePass phải đến Trảng Bom để huỷ sau đó mới có thể đăng ký dịch vụ ETC khác.

Để kiểm chứng, phóng viên KTSG Online đã liên hệ đến tổng đài của VDTC thì cũng nhận được thông tin như các chủ xe nói trên. Theo lời của nhân viên tư vấn, hiện VDTC đang vận hành 21 trạm thu phí trên toàn quốc, tại khu vực phía Nam, VDTC có những trạm ở Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Phước, Trà Vinh, Bến Tre và Cần Thơ.

Đáng chú ý, hiện TPHCM vẫn chưa có trạm để người dân đến huỷ dịch vụ ETC nếu không còn nhu cầu sử dụng. Trạm dịch vụ của VDTC gần TPHCM nhất được đặt tại quốc lộ 1 - KM1841 + 912ở Trảng Bom (Đồng Nai), cách TPHCM gần 80 km.

Để huỷ dịch vụ người dùng cần có các giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân và đăng kiểm, đăng ký xe. Tuy nhiên, quá trình huỷ dịch vụ sẽ mất từ 6-8 ngày từ khi tiếp nhận thông tin từ người dùng.

Người viết bài tiếp tục tìm hiểu về thủ tục, quy trình huỷ dịch vụ của đơn vị cung ứng ETC còn lại ở Việt Nam là VETC, trái ngược với VDTC, khi người dùng không muốn dử dụng dịch vụ của đơn vị này chỉ cần đến trạm dịch vụ của đơn vị này ở quận Tân Phú, TPHCM để huỷ. Người cũng dùng chỉ cần mang chứng minh nhân dân, căn cước công dân và đăng ký xe đến để huỷ dịch vụ.

Đã có quy trình hủy tài khoản ETC bị đăng ký khống

Để đảm bảo công tác vận hành hệ thống ETC, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thu phí là Công ty TNHH thu phí tự động VETC (VETC) và Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) chủ động rà soát, chấn chỉnh không để xảy ra hiện tượng kích hoạt tem “ảo” trong thời gian tới; liên hệ với các chủ phương tiện để dán bổ sung tem hoặc hủy tài khoản nếu chủ phương tiện không đồng ý sử dụng dịch vụ.

Chủ động rà soát, liên hệ với các chủ phương tiện đã dán tem lâu ngày, các trường hợp hay gặp sự cố về nhận diện thẻ để kiểm tra, xử lý kịp thời bảo đảm phương tiện lưu thông thông suốt qua các trạm thu phí.

Hỗ trợ các chủ phương tiện dán tem, đặc biệt là các chủ phương tiện có nhu cầu đi vào đường cao tốc. Trong trường hợp chủ phương tiện có nhu cầu dán tem nhưng nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra xe đã bị kích hoạt trước đó thì đề nghị chủ phương tiện liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ đã kích hoạt tài khoản để được hoàn thiện việc dán thẻ.

Trong những ngày đầu triển khai thu phí ETC nhiều trạm thu phí xảy ra ùn ứ vì lỗi nhận diện tem ETC. Ảnh: MH

Nếu chủ xe không đồng ý sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ đã kích hoạt tài khoản thì được quyền liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ còn lại để được dán thẻ, mở tài khoản và phải có bản cam kết về việc chủ xe chưa từng đăng ký sử dụng dịch vụ và chưa dán tem ETC lên xe (kèm theo giấy tờ chứng minh chính chủ).

Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm tra soát và không thực hiện với các trường hợp tài khoản giao thông liên kết ví Viettel Money hoặc tài khoản đã phát sinh giao dịch ETC tại trạm; bố trí nhân viên trực tổng đài để trả lời khách hàng và hỗ trợ dán tem kịp thời.

Định kỳ hàng tuần, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổng hợp danh sách phương tiện chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ (kèm theo bản chụp cam kết) gửi cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí còn lại và Tổng cục Đường bộ Việt Nam sau khi tiếp nhận danh sách.

Nhà cung cấp dịch vụ thu phí tiến hành thủ tục hủy tài khoản trên hệ thống của mình không quá 5 ngày làm việc; Các nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình thực hiện các nội dung nêu trên.

Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, trong tuần đầu tiên các tuyến cao tốc thực hiện thu phí tự động không dừng hoàn toàn đã phát sinh hơn 83.000 lỗi. Trong đó, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có hơn 37.500 lỗi; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gần 1.800 lỗi, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có hơn 6.200 lỗi, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hơn 33.600 lỗi. Tỷ lệ giao dịch bị lỗi chiếm khoảng 20% tổng số giao dịch.

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới