Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tâm lý e ngại làm chậm tiến độ giải ngân gói phục hồi kinh tế

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng tâm lý e ngại của các bộ, ngành, địa phương khi triển khai khiến gói phục hồi kinh tế mới giải ngân được hơn 20% sau 9 tháng.

Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KHĐT, đã có báo cáo gửi Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 43/2022 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỉ đồng được Quốc hội thông qua đầu tháng 1-2022.

Ông Dũng cho biết gói phục hồi kinh tế đã giải ngân được 61.000 tỉ đồng, tương đương 20,2% quy mô chương trình. Con số này không bao gồm 46.000 tỉ đồng dự kiến chi nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế phòng chống Covid-19.

Số giải ngân thuộc chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay 2% hiện khá khiêm tốn. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Về kết quả giải ngân cụ thể, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân hơn 3.544 tỉ đồng cho hơn 5 triệu người lao động tính tới 23-9, vượt hơn 1 triệu về số lượng đối tượng hỗ trợ so với mục tiêu ở thời điểm xây dựng chính sách là 4 triệu lao động. Hiện các cơ quan quản lý đã bổ sung 4.149 tỉ đồng cho 22 địa phương để thực hiện chính sách.

Với các chương trình cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, số giải ngân đạt 10.741 tỉ đồng cho gần 240.000 đối tượng khách hàng vay vốn tính tới 30-9.

Với hỗ trợ 2% lãi suất vay qua ngân hàng thương mại, số giả ingana là 29 tỉ đồng tính tới hết tháng 9-2022. Doanh số hỗ trợ lãi suất tạm tính là hơn 15.000 tỉ đồng và dư nợ được hỗ trợ lãi suất trên 13.000 tỉ đồng.

Kết quả thực hiện chính sách này, theo người đứng đầu Bộ KHĐT, chưa đạt kỳ vọng, giải ngân thấp so với quy mô nguồn lực.

Với các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn nộp các sắc thuế gồm giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và tiền thuê đất, giá trị hỗ trợ tính tới cuối tháng 9 khoảng 137.320 tỉ đồng. Chi phí cơ hội thông qua gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất là 7.400 tỉ đồng.

Về vướng mắc khi triển khai gói phục hồi kinh tế, ông Dũng cho biết một số nơi chưa linh hoạt, chủ động. Thậm chí, còn tình trạng một số chính quyền địa phương đưa ra thêm các thủ tục mới ngoài các thủ tục có sẵn, làm người thụ hưởng có tâm lý e ngại, không đăng ký chính sách như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Lý giải nguyên nhân, ông Dũng cho biết có nhiều nội dung chính sách mới, chưa có tiền lệ nên việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai còn chậm. Ngoài ra, các cấp, các ngành ở một số nơi chưa nhận thức đủ về tầm quan trọng của gói phục hồi này, nên chưa tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ.

Đặc biệt là còn tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện.

Với thời gian thực hiện, giải ngân gói phục hồi kinh tế chỉ trong vòng 2 năm (2022-2023), nhưng danh mục nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn mới được giao kế hoạch vào cuối tháng 9-2022. Tới nay, Thủ tướng đã giao 147.138 tỉ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của chương trình phục hồi kinh tế cho 94 nhiệm vụ, dự án.

Với các dự án còn lại, Thủ tướng đã giao các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn để báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét việc giao kế hoạch vốn tiếp theo.

Riêng năm 2022, tổng số vốn đã giao là 38.155 tỉ đồng trên tổng nhu cầu vốn năm nay là 82.585 tỉ đồng cho 4 nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi và 254 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Với khoản chi đầu tư phát triển 38.150 tỉ đồng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội duyệt, dự kiến cũng không cần huy động vốn để thực hiện, do lấy từ nguồn tăng thu, giảm và tiết kiệm chi ngân sách trung ương 2022.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới