(KTSG) - Sự phát triển bền vững của quốc gia phải dựa trên một nền kinh tế mạnh và tự chủ, trong đó trụ cột chính phải là lực lượng doanh nhân nội địa…
Cách đây gần 20 năm, chúng tôi bắt đầu thực hiện chương trình Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), một bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của chính quyền địa phương, xếp hạng các tỉnh, thành phố dựa trên kết quả điều tra doanh nghiệp. Tôi nhớ mãi lúc đó có một số lãnh đạo địa phương chất vấn tôi rằng doanh nghiệp tư nhân lấy tư cách gì, “biết gì” mà đánh giá chính quyền! Trong con mắt của nhiều lãnh đạo địa phương lúc đó thì đây là một thành phần không phải quan trọng. Họ cần chính quyền giúp đỡ hơn là chính quyền cần họ.
Còn khi đến trụ sở của nhiều cơ quan chính quyền, xe biển xanh của cơ quan nhà nước thì được qua cổng vào tận sảnh, xe biển trắng của doanh nghiệp tư nhân và người dân thì phải dừng ở ngoài cổng và tự đi bộ vào. Dường như có một thứ bậc rõ ràng, khoảng cách vô hình giữa chính quyền và doanh nghiệp tư nhân. Tại một hội nghị, trong bài trình bày tôi có nói về quan hệ đối tác giữa chính quyền và doanh nghiệp, giờ giải lao có một chủ doanh nghiệp ra bảo tôi rằng, làm gì có đối tác ở đây khi chính quyền và doanh nghiệp đâu có bình đẳng, ngang hàng, một bên (tự nhận) là cửa trên và một bên (bị định) là cửa dưới thì còn lâu mới có được quan hệ đối tác. Đó là quan hệ ban phát, xin cho, chạy chọt mà thôi!
Tất nhiên, vẫn còn đó những định kiến, những khoảng cách về niềm tin của một số cán bộ nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân nhưng dường như đang trở thành thiểu số. Doanh nhân đã trở thành một bộ phận quan trọng của quá trình phát triển tại các địa phương cũng như quốc gia.
Ở góc nhìn ngược lại, có lãnh đạo chính quyền địa phương cách đây nhiều năm tâm sự với tôi rằng cũng muốn hỗ trợ doanh nghiệp lắm nhưng có một tâm lý rất phổ biến là cứ lãnh đạo nào gặp gỡ thường xuyên doanh nghiệp thì thường phải đón nhận sự nghi ngờ từ nhiều người khác, từ cả hệ thống chính trị về quan hệ không trong sáng giữa lãnh đạo đó với giới tư nhân. Thế nên có tâm lý xa cách, ngại ngần!
Có một điều tra tại Việt Nam cách đây xấp xỉ 20 năm của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) về những nghề nghiệp mà người trẻ sẽ lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Phần lớn thanh niên Việt Nam giai đoạn đó muốn vào làm trong bộ máy nhà nước, chỉ một phần rất nhỏ muốn làm ở khu vực tư nhân. Điều này có thể hiểu được khi thời đó doanh nhân trong con mắt báo chí, truyền thông, phim ảnh vẫn thường bị gọi là “con buôn”, “con phe”, “gian thương”. Trên các phim truyền hình chiếu hàng tối thì những chủ doanh nghiệp thường là nhân vật béo ú, có đầu hói, bên cạnh luôn là cô thư ký xinh đẹp và thường ông chủ doanh nghiệp này luôn có những ứng xử kém đạo đức…
Theo thời gian thì vai trò, vị trí của doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã cải thiện rất nhiều. Năm 2011 lần đầu tiên có Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về doanh nhân, năm 2017 lần đầu tiên Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân - những dấu mốc quan trọng. Doanh nghiệp, doanh nhân cũng được nhắc tên trong Hiến pháp 2013. Việt Nam đã có nhiều đạo luật quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Giới doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã có một ngày riêng của mình là ngày 13-10 hàng năm theo quyết định từ năm 2004 của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Giờ thì tại nhiều nơi, không còn sự băn khoăn, nghi ngại về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân nữa. Thay vì xin được gặp chính quyền như trước, đã có nhiều lãnh đạo tỉnh chủ động tìm đến, đặt lịch làm việc với các nhà đầu tư tư nhân để mời gọi đầu tư vào địa phương. Tôi để ý tại các hội thảo, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân ở rất nhiều tỉnh, thành phố, những vị trí ngồi trang trọng nhất đã được dành cho doanh nhân. Và không chỉ có thái độ trọng thị với những chủ doanh nghiệp lớn, nhiều địa phương còn xây dựng hẳn mô hình cà phê doanh nhân, nơi mà những chủ doanh nghiệp siêu nhỏ hay nhỏ có thể trực tiếp gặp mặt, đối thoại với những lãnh đạo cao nhất của địa phương.
Trong xây dựng chính sách hiện nay, việc thảo luận, tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp đã được chú trọng hơn trước. Trong quá trình xây dựng rất nhiều dự thảo luật, nghị định, các ban soạn thảo đã thường xuyên tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp và các ý kiến từ khu vực này là những ý kiến quan trọng mà các ban soạn thảo phải cân nhắc, xem xét.
Tất nhiên, vẫn còn đó những định kiến, những khoảng cách về niềm tin của một số cán bộ nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân nhưng dường như đang trở thành thiểu số. Doanh nhân đã trở thành một bộ phận quan trọng của quá trình phát triển tại các địa phương cũng như quốc gia.
Lãnh đạo một địa phương miền núi phía Bắc chia sẻ với tôi rằng khi ông làm lãnh đạo huyện thì ông đã nhận ra một điều là phát triển doanh nghiệp không chỉ quan trọng ở các trung tâm kinh tế mà còn rất quan trọng với sự phát triển kinh tế, bảo vệ rừng và công tác an sinh xã hội tại các địa phương miền núi. Huyện miền núi nơi ông từng làm lãnh đạo có bà con dân tộc, trước đây mỗi năm địa phương phải dồn rất nhiều nguồn lực để xóa đói, giảm nghèo, để cấp cây giống, con giống… cho đồng bào có cái ăn, đặng kêu gọi họ giữ rừng. Thế nhưng, bằng việc chào mời một doanh nghiệp chế biến dược liệu đến làm ăn, mở nhà máy, sản phẩm địa phương có đầu ra ổn định, tự khắc bà con hồ hởi trồng dược liệu, tự mình khôi phục lại rất nhiều diện tích rừng, cuộc sống trở nên ổn định, sung túc hơn nhiều. Người dân có cái ăn, rừng được giữ, thậm chí phát triển hơn và Nhà nước cũng đỡ bao nhiêu nguồn lực… chu cấp như trước. Tôi tin chắc còn nhiều trường hợp như vậy.
Điều tôi đã thấy và tự hào là hiện nay nhiều doanh nhân Việt Nam có khát khao và mong muốn cháy bỏng không chỉ về sự phát triển của doanh nghiệp mình, không chỉ là lợi nhuận của riêng mình mà còn cho sự phát triển của đất nước, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Có một doanh nhân rất thành công, là chủ một tập đoàn có hàng chục công ty con nhưng nguyện dành phần lớn tài sản và thời gian của mình để phát triển Vovinam, một môn võ dân tộc như là một cách đưa giá trị văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Dù tập đoàn này có tốc độ phát triển 56% bình quân hàng năm trong suốt 25 năm qua nhưng người đứng đầu lâu giờ vẫn ở trong căn nhà nhỏ trong hẻm tại một thành phố nhỏ và vẫn thường đi máy bay hạng phổ thông. Có doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực cơ khí rất trăn trở và đau đáu về việc phát triển đội tàu của Việt Nam, tự đặt câu hỏi tại sao một quốc gia có bờ biển dài như Việt Nam mà không thể vươn ra biển, kinh doanh từ biển. Dù cá nhân từng vướng vào vòng lao lý từ việc sử dụng công nghệ mới của ngành đóng tàu, gặp nhiều khó khăn trong công việc kinh doanh tại địa phương nhưng những điều đó không làm doanh nhân này sờn chí, mỗi lần nói chuyện tôi lại thấy sự cháy bỏng nhiệt huyết trong anh. Tôi cũng rất xúc động khi có dịp đến một doanh nghiệp may nhỏ, chủ doanh nghiệp đã sử dụng hàng chục người lao động khuyết tật, đã đầu tư hẳn một không gian và tạo điều kiện để những người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định… Cho dù việc này tiêu tốn của doanh nghiệp này khá nhiều thời gian, không mang lại lợi nhuận, thậm chí có giai đoạn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh nhưng chị vẫn kiên định cho rằng đây là trách nhiệm mà mình phải làm cho xã hội...
Sự phát triển bền vững của quốc gia phải dựa trên một nền kinh tế mạnh và tự chủ, trong đó trụ cột chính phải là lực lượng doanh nhân nội địa. Tôi tin rằng cho dù thế giới có thay đổi như thế nào thì không ai khác, chính doanh nhân trong nước mới là người gắn bó ruột thịt với đất nước này. Tôi thích từ doanh nhân dân tộc. Từ này là sự ghép nối, thể hiện sự gắn bó và kết nối của hai từ: doanh nhân và dân tộc. Doanh nhân phát triển để dân tộc phát triển và ngược lại đất nước, dân tộc phải giữ được, thúc đẩy được sự phát triển của doanh nhân. Nó là một định hướng quan trọng để mỗi doanh nhân khi tự hào về mình thì không chỉ về thành tích kinh doanh mà còn vì những điều hữu ích và quý giá mình đã làm, đã cống hiến cho dân tộc và đất nước này.
(*) Phó tổng thư ký VCCI
Môt bài viết thể hiện tâm trạng, suy nghĩ, trăn trở rất thực tế của tác giả… Hy vọng bài viết nói riêng và những đóng góp của tác giả nói chung cho cộng đồng DN ngày càng thiết thực, hiệu quả. Xin cảm ơn tác giả
Thực trạng là hôm vừa rồi mình đi cái xe biển màu vàng chữ đen là xe doanh nghiệp thể hiện là doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Đến cửa Bộ Ngoại giao, BV đuổi ra không cho vào.
Mình bảo anh đi hội thảo, họp mà sao lại không cho anh vào chứ.
BV: Vì anh đi xe biển màu vàng và xe kinh doanh như kiểu xe taxi nên không được để trong này.
Mình nói xe của anh là xe công ty. Xe của anh nhưng công ty cũng lại của anh luôn, anh để màu vàng thì có sao đâu…
Định không họp quay đi quay lại 1, 2 vòng, may có ông sếp BV lại cho vào. Có chút phân biệt mà không hỏi hiểu cho kỹ…