Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tân Tạo kêu cứu vì nghi ngờ đang có âm mưu ‘thâu tóm thù địch’

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Liên tiếp các thông tin tiêu cực đã khiến cổ đông của tập đoàn Tân Tạo hoang mang bán tháo, giá cổ phiếu bốc hơi gần 60% giá trị chỉ sau hơn 4 tháng. Điều này khiến cho ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt nghi vấn đang có âm mưu thâu tóm doanh nghiệp khi giá cổ phiếu giảm sâu.

Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Tân Tạo - mã cổ phiếu ITA) vừa công bố đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đơn, ban điều hành công ty cho biết thay mặt hàng chục ngàn cổ đông kêu cứu về âm mưu và hành động "phá hoại, bức tử, thâu tóm Tân Tạo", gây thiệt hại cho doanh nghiệp, quyền lợi của các nhà đầu tư, các cổ đông.

Tân Tạo cho biết đến nay vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của cơ quan thuế về việc kiểm tra thuế của Tổng cục Thuế hoặc Cục Thuế TPHCM. Tuy nhiên, theo Tân Tạo, cơ quan thuế đã cung cấp thông tin cho báo chí biết trước việc sẽ thanh tra thuế Tân Tạo để báo chí đưa tin và kèm theo những bình luận, trích dẫn luật xử lý khi có vi phạm. Tân Tạo cho rằng điều này khiến tâm lý cổ đông, nhà đầu tư hoang mang, giá cổ phiếu giảm sau khi xuất hiện thông tin công ty bị kiểm tra thuế.

Tập đoàn Tân Tạo kêu cứu vì có "âm mưu thâu tóm" doanh nghiệp. Ảnh: DNCC

Theo đại diện Tân Tạo, việc cơ quan thuế thanh tra đột xuất doanh nghiệp là việc bình thường, xử lý kết quả sau thanh tra như thế nào thì phụ thuộc kết quả thanh tra và quy định pháp luật. Tuy nhiên, Tân Tạo cho rằng, việc Tổng cục Thuế chỉ đạo chuyển công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thể hiện sự không khách quan khi định hướng thanh tra. Trong khi đó, cổ phiếu doanh nghiệp rất nhạy cảm với thông tin.

Trong đơn, Tân Tạo một lần nữa nhắc lại việc Tòa án Nhân dân TPHCM ra quyết định mở thủ tục phá sản công ty từ việc thanh toán theo bản án vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp giữa Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh và Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Việt Nam.

Trong vụ việc này, Tân Tạo cho rằng doanh nghiệp chỉ là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bị liên đới thi hành án số tiền 21 tỉ đồng cùng Công ty VietNam Land và vẫn đang kháng cáo. Thay vì giải quyết bằng thủ tục thi hành án dân sự, tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản Tân Tạo vì món nợ 21 tỉ đồng trong khi tổng tài sản doanh nghiệp lên tới hơn 13.200 tỉ đồng.

Theo lý giải của Tân Tạo, vì thông tin thanh tra, kiểm tra này mà cổ đông bán tháo đến mức cổ phiếu giảm sàn liên tiếp. Việc này có thể giúp một số thế lực trục lợi mua cổ phiếu ITA của doanh nghiệp với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực.

"Nhìn lại những sự việc từ tháng 5 đến nay, thấy rằng còn có nhiều hành động ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu ITA và có hành động thâu tóm Tân Tạo. Cũng kể từ tháng 5, nhóm công ty Tân Tạo và các đơn vị thành viên đều bị ngân hàng từ chối cho vay tín dụng dù có đủ phương án vay và tài sản thế chấp", công ty nêu trong văn bản.

Ban giám đốc công ty cho biết Tân Tạo là công ty niêm yết lớn và cổ phiếu ITA vốn có tính thanh khoản thuộc nhóm hàng đầu thị trường chứng khoán, với vài chục ngàn cổ đông trong ngoài nước và cả người lao động của doanh nghiệp này.

Cổ phiếu ITA trước tháng 5 (trước khi có thông tin yêu cầu công bố việc mở thủ tục phá sản hồi năm 2014) có giá vào khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, do hàng loạt thông tin tiêu cực xuất hiện nên mã chứng khoán này lao dốc, gần nhất là chuỗi 10 phiên giảm liên tiếp về 5.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ phiếu ITA đã mất 57% giá trị trong hơn 4 tháng vừa qua và giảm 66% so với thời điểm đầu năm. Giá trị vốn hóa theo đó cũng rơi tương tự về còn 5.250 tỉ đồng như hiện tại.

Mới đây HOSE đã đưa cổ phiếu ITA của Tân Tạo vào diện cảnh báo sau khi công ty đã vi phạm quy định công bố thông tin 4 lần kể từ đầu năm, đồng thời cảnh báo nâng lên diện bị kiểm soát nếu chậm nộp báo cáo soát xét bán niên quá 15 ngày.

Doanh nghiệp lý giải do thay đổi công ty kiểm toán đột ngột vào cuối tháng 7 (trong khi thời hạn nộp báo cáo là ngày 30-8) nên đơn vị không đủ thời gian làm báo cáo, không kịp phát hành báo cáo tài chính soát xét như thời gian như quy định.

2 BÌNH LUẬN

  1. Thâu tóm thực ra cũng là chiến thuật bình thường trong chiến lược kinh doanh. Kêu cứu đôi khi cũng là một chiến thuật. Chỉ khác nhau ở chỗ cái gì là sự thật đàng sau đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới