Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tận thu rác thải điện tử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tận thu rác thải điện tử

Hoàng Xuân Phương

Sự gia tăng về rác thải điện tử đang đặt ra những thách thức đối với các nước đang phát triển như Việt Nam trong việc quản lý, tái sử dụng và vấn đề bảo vệ môi trường. Ảnh: Tuấn Linh.

(TBVTSG) - Bản báo cáo của cuộc nghiên cứu về rác thải điện tử vừa được Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) công bố hồi tháng rồi đã gợi mở một hướng giải quyết đối với loại rác thải này, vốn đang ngày một gia tăng tại các nước đang phát triển. Theo bản báo cáo, trong hàng triệu tấn rác thải điện tử chất đống đây đó quanh các đô thị có một hàm lượng kim loại quý cao gấp nhiều lần các mỏ khai thác sâu trong lòng đất.

Cuộc nghiên cứu do UNEP tiến hành từ tháng 8-2008 đến tháng 7-2009 cho thấy hai ngành sản xuất máy tính và điện thoại di động tiêu thụ đến 15% sản lượng coban (cobalt), 13% palađi (palladium) và 3% sản lượng vàng và bạc khai thác được của cả thế giới. Lượng rác thải điện tử tăng thêm hiện nay vào khoảng 40 triệu tấn mỗi năm, đang đặt ra những thách thức đối với các nước đang phát triển không có hệ thống hạ tầng tái chế rác thải phù hợp. Các phương pháp xử lý rác điện tử, quy trình tái chế chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là phương án thiêu hủy rác máy tính và điện thoại di động, có thể gây tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người và môi trường.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, lượng rác thải điện tử kể trên cũng tương đương với những khối lượng lớn kim loại quý và hiếm vốn rất cần cho nhu cầu phát triển nhanh các ngành công nghệ cao trong thời gian tới, bao gồm các lĩnh vực điện, điện lạnh, điện tử, cơ khí chính xác và các ngành năng lượng tái tạo.

Trên thực tế, từ trước thời kinh tế khủng hoảng năm 2008, nhiều dự án đã phải đình trệ vì thiếu những kim loại công nghệ (technology metals) như lithium làm bình cho ngành xe điện, gallium và indium cho các loại pin mặt trời, neodymium mang từ tính vĩnh cửu cao để sản xuất các động cơ điện nhỏ gọn nhưng cực mạnh và các tuốc-bin phong điện cỡ lớn.

Tại Canada, mọi công nhân làm việc ở các xưởng tái chế sản phẩm điện tử đều phải qua đào tạo theo tiêu chuẩn ERS (Environment Recycling Standard).

Quy trình phân rác điện tử rất nghiêm ngặt, buộc phải tách riêng ba nhóm: linh kiện điện tử, vật liệu không độc và chất liệu nguy hiểm.

Trong số các chất liệu nguy hiểm có ống đèn hình, màn hình và thủy tinh chì, các loại pin, đèn chứa thủy ngân, mực in và ống mực, chất PCB (polychlorinate biphenyl).

Việc thu hồi và tái chế các kim loại từ rác thải điện tử thuận lợi hơn nhiều, xét cả về hiệu quả, chi phí và năng lượng sử dụng so với việc khai thác mỏ. Cụ thể, để có một gram vàng chỉ cần có 41 chiếc điện thoại di động thải bỏ thay vì phải đào bới, vận chuyển, nghiền mịn, sàng sảy rồi nấu chảy một tấn đá quặng.

Hãng tái chế Umicore cho biết cứ một tấn bo mạch máy tính thu được 250 gram vàng, lợi gấp 50 lần việc khai mỏ Kalgold. Vấn đề là phải đầu tư đúng mức, đúng cách cho việc tái chế, bởi trong khoảng 60 kim loại có mặt trong các sản phẩm điện tử có nhiều hợp chất gây hại cho nguồn nước và gây cả bệnh ung thư.

UNEP cho rằng lượng rác điện tử nhiều nhất trong năm 2010 vẫn là ở Mỹ với khoảng 3 triệu tấn. Tiếp theo là Trung Quốc khoảng 2,3 triệu tấn bao gồm 500.000 tấn máy lạnh, 1,3 triệu tấn ti-vi và 300.000 tấn máy tính. Cũng theo UNEP lượng máy tính thải bỏ từ nay đến năm 2020 sẽ tăng theo cấp số nhân, gấp bốn lần ở Trung Quốc và Nam Phi, năm lần tại Ấn Độ và đến tám lần tại các nước châu Phi như Senegal hay Uganda.

Việc buôn rác điện tử từ nước giàu sang nước nghèo hiện nay đã trở thành một nghề siêu lợi nhuận. Người ta ít thấy các cơ sở tái chế ở châu Âu vì chính rác tại đó đổ vào châu Phi bất chấp Công ước Basel cấm đem rác độc hại đến quốc gia khác. Những người lao động tại châu Phi được thuê tách vàng bằng tay. Phần rác còn lại bao gồm 3/4 số vàng không tách ra được được đem đi đốt cùng các chất độc hại gây nên ô nhiễm không khí, đất, nước và gây bệnh cho người và gia súc.

Tỷ lệ tái chế thu hồi kim loại hiện nay rất thấp trong khi nhu cầu về kim loại kỹ thuật cao, tức kim loại công nghệ, của thế giới, bao gồm nhiều kim loại quý, tăng lên rất nhanh trong các năm tới. Ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là:

1. Nhiều hãng sản xuất chưa sẵn sàng cho một kế hoạch thu hồi (mua lại) sản phẩm của họ bị thải bỏ đem đi tái chế.

2. Nhiều chính phủ chưa có luật lệ rõ ràng về việc buôn bán và thu hồi tái chế rác thải điện tử để làm tiền đề cho việc đầu tư cũng như khuyến khích sử dụng kim loại tái chế thay vì khai mỏ.

3. Chưa có quy trình công nghệ thu hồi một cách an toàn và hiệu quả để tránh việc khai thác tự phát, nhỏ lẻ, dẫn đến việc làm nhiễm độc và hủy hoại lâu dài các môi trường sống.

Việc khai thác rác điện tử ở Việt Nam cũng đã bắt đầu, vì vậy cũng cần có ngay biện pháp quản lý cả trong việc buôn bán và ấn định quy trình công nghệ bắt buộc cho các cơ sở kinh doanh và tái chế loại rác thải đặc biệt này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới