(KTSG) - Bấy lâu nay có một thực tế là khi Chính phủ tăng lương thì thường sau đó lạm phát cũng tăng lên tương ứng. Bởi vậy nên đã hình thành một ý niệm chung rằng tăng chi tiêu chính phủ (chẳng hạn như tăng lương hoặc tăng trợ cấp cho dân chúng và người lao động) sẽ dẫn đến lạm phát. Thế nhưng có hoàn toàn như thế?
Có lẽ bởi ý niệm này mà mới đây khi giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1-1-2023 thay vì 1-7-2023, Bộ Tài chính cho rằng, trước nguy cơ lạm phát cao, việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế - xã hội nói chung.
Chính phủ đã tiếp tục tham mưu các cấp thẩm quyền chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Quốc hội trong năm 2023. Thay vào đó, Chính phủ đề xuất thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%) từ 1-7-2023.
Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng lương cơ sở thực hiện từ ngày 1-7-2023 chứ không phải từ đầu năm 2023 là do thời điểm đầu năm gần với Tết Dương lịch và Âm lịch, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. Nếu thực hiện tăng lương vào thời điểm này “sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát”.
Việc lùi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 sau năm 2023, theo Bộ Tài chính, cũng là do “bối cảnh thế giới, trong nước đang chịu áp lực lạm phát lớn”(1).
Phần tiếp theo của bài viết sẽ phân tích mối quan hệ giữa tăng chi tiêu chính phủ (gồm tăng lương) và lạm phát. Xin lưu ý rằng bài viết không bàn đến tính hợp lý, thỏa đáng của đợt tăng lương sắp tới này.
Lạm phát luôn là hiện tượng tiền tệ
Như đã biết, lạm phát luôn là hiện tượng tiền tệ trên khía cạnh là tiền trong nền kinh tế đang có nhiều hơn tương đối so với hàng hóa và dịch vụ tại một mức giá nhất định, và giải pháp tiền tệ luôn là giải pháp căn cơ để trị lạm phát.
Tăng chi tiêu công, tăng lương không nhất thiết làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, không phải là vô lý, vô cớ khi nhiều người lo ngại tăng lương sẽ làm tăng lạm phát ở Việt Nam.
Nói cách khác, dù Chính phủ có tăng chi tiêu, tăng lương cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhưng nếu hành động này không làm tăng cung tiền (tiền trong nền kinh tế không nhiều lên một cách tương ứng) thì lạm phát sẽ không tăng lên.
Có khi nào chính phủ của một nước nào đó tăng chi tiêu sẽ làm/dẫn đến tăng cung tiền trong nước đó? Câu trả lời là “Có”. Đó là khi ngân hàng trung ương của nước đó “đồng hành” cùng chính phủ, cũng tăng cung tiền để đáp ứng mức độ tăng chi tiêu của chính phủ.
Lý do của việc “đồng hành” này có thể là chính phủ đang bị thâm hụt ngân sách nặng, khó hoặc không thể vay mượn được trên thị trường trong nước và quốc tế, hoặc nếu vay mượn được thì với chi phí đắt đỏ. Hoặc cũng có thể là khi ngân hàng trung ương đơn giản chỉ là muốn nới lỏng chính sách tiền tệ để (cùng với chính phủ) kích thích tăng trưởng kinh tế...
Tăng lương ở Việt Nam
Để biết tăng lương nói trên ở Việt Nam có dẫn đến lạm phát hay không thì trước tiên phải xem Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có phải là nguồn tài trợ cho việc tăng lương này không. Theo Bộ Tài chính, nguồn lực để triển khai tăng lương cơ sở được lấy từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hàng năm(2).
Như vậy, rõ ràng là nguồn chi trả cho việc tăng lương không đến trực tiếp từ việc “in tiền” - tăng cung tiền - của NHNN, nên trên danh nghĩa, việc tăng lương (hay tăng chi tiêu công nói chung) sẽ không làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam.
Tuy vậy, điều quan ngại và là rủi ro lớn nhất của việc tăng chi tiêu, tăng lương của Chính phủ là nó sẽ làm tăng nợ công, tăng thâm hụt ngân sách và dẫn đến kết cục là ở một thời điểm nào đó, NHNN, với tư cách là một cơ quan cấp bộ trong Chính phủ, phải tài trợ trực tiếp cho ngân sách sau khi việc vay nợ của Chính phủ diễn ra không suôn sẻ.
Dẫu rằng nguồn tài trợ cho tăng lương, theo giải trình của Bộ Tài chính, là từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hàng năm, nhưng cũng cần lưu ý một thực tế rằng hiện ngân sách vẫn căng thẳng, Chính phủ đang phải tiếp tục đi vay ở quy mô lớn, một phần là để đảo nợ, và nợ công đang tăng lên trở lại cả về mặt tuyệt đối (giá trị nợ gốc và lãi phải trả) lẫn tương đối (dư nợ so với GDP) trong/từ năm nay.
Tóm lại, tăng chi tiêu công, tăng lương không nhất thiết làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, không phải là vô lý, vô cớ khi nhiều người lo ngại tăng lương sẽ làm tăng lạm phát ở Việt Nam, như phân tích ở trên. Từ đây sẽ biết cần phải làm gì để tăng lương nói riêng hoặc tăng chi tiêu công nói chung mà không làm tăng lạm phát.
(1) https://thanhnien.vn/bo-tai-chinh-tang-luong-som-tu-112023-se-kho-kiem-soat-lam-phat-post1515128.html
(2) https://thesaigontimes.vn/ngan-sach-danh-60-000-ti-dong-cho-viec-tang-luong-tu-1-7-2023/
Lý luận cổ điển (cổ hủ) thường gắn tăng lương với tăng lạm phát, thậm chí luôn có tâm lý bị động và sợ hãi lạm phát. Trong khi, về bản chất, lạm phát là căn bệnh mang tính gốc rễ về sự bất cân xứng kéo dài giữa cơ cấu kinh tế và lưu thông tiền tệ. Một nền kinh tế vững vàng, quản trị tốt, thích nghi tốt quy luật thị trường, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng có khả năng kiềm chế và kiểm soát tốt lạm phát. Trong trường hợp lạm phát có tăng, thì về nguyên tắc đó là sự phản ứng tạm thời của thị trường, chứ không gây ra hậu quả về dài hạn cho nền kinh tế và người tiêu dùng. Đồng thời nhà điều hành có thể chủ động áp dụng các giải pháp tài trợ khác nhau để kiếm soát lạm phát.