Tăng sản lượng nông nghiệp nhờ sử dụng nhiều hóa chất liệu có bền vững?
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Sản lượng ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng thời gian qua có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Thế nhưng, liệu sự tăng này có bền vững hay không khi nhờ vào việc mở rộng sản xuất cũng như gia tăng sử dụng phân bón, hóa chất?
WB cam kết tiếp tục hỗ trợ ĐBSCL phát triển “thuận thiên”
![]() |
Sản lượng ngành nông nghiệp tăng cao thời gian qua là nhờ vào việc gia tăng sử dụng hóa chất đầu vào. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh |
Thông tin ở trên đã được nêu ra tại diễn đàn chuyên đề “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” được tổ chức vào sáng nay, 18-6 tại TPHCM trong khuôn khổ diễn đàn ĐBSCL năm 2019.
Bà Phạm Hoàng Vân, Đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong 25 năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu về năng suất, sản lượng và có đóng góp lớn cho an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo và thương mại.
Theo bà, đối với vùng ĐBSCL, những tiến bộ trong thâm canh lúa, mở rộng nuôi trồng thủy sản và sản xuất trái cây cũng như thương mại những loại sản phẩm này là những câu chuyện thành công được nhắc đến rộng rãi. “Tiến bộ về năng suất, sản lượng và xuất khẩu nông nghiệp đã tạo “ấn tượng” nhiều hơn so với việc tăng hiệu suất, phúc lợi của nông dân và chất lượng sản phẩm”, bà nêu thực trạng.
Bà Vân cho biết, Việt Nam chưa theo kịp các nước trong khu vực những vấn đề liên quan đến năng suất lao động nông nghiệp và năng suất sử dụng nước.
“Một khoảng cách đang hình thành giữa thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp, sự bất bình đẳng về thu nhập đang gia tăng ở khu vực nông thôn”, bà cho biết và nói rằng hầu hết sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được bán ở dạng thô, được định vị ở phân khúc chất lượng thấp hoặc trung bình của thị trường quốc tế.
Theo bà Vân, tăng trưởng sản lượng nông nghiệp đạt được thời gian quan là nhờ sử dụng ngày càng nhiều đầu vào với chi phi lớn hơn về môi trường. “Phần lớn tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cho đến nay dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất khác trong nông nghiệp”, bà dẫn chứng.
Chính yếu tố nêu trên, theo bà Vân, tăng trưởng ngành nông nghiệp cũng đi kèm tác động xấu về môi trường như: phá rừng, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, làm suy thoái đất và ô nhiễm nước. “Nói cách khác, tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam dựa khá nhiều vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và hóa chất trong sản xuất”, bà cho biết.
Rõ ràng, cách thức sản xuất như nêu trên là không bền vững, cho nên, trong tương lai, ngành nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng phải đảm bảo “tăng giá trị, giảm đầu vào”, tức phải mang lại nhiều lợi ích cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và hệ sinh thái bằng cách sử dụng ít đất, nước, lao động, phân bón, hóa chất và năng lượng, đồng thời giảm khí nhà kính, ô nhiễm và chất thải.
“Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi trong sử dụng đất, sản xuất và tổ chức hiệu quả chuỗi giá trị và bán các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường”, bà nhấn mạnh.
![]() |
Toàn cảnh diễn đàn chuyên đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL được tổ chức sáng nay, 18-6, ở TPHCM. Ảnh: Trung Chánh |
Trong khi đó, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, một chuyên gia nông nghiệp ĐBSCL đánh giá, qua hơn 40 năm phát triển, nhất là đối với ngành lúa gạo, người nông dân vẫn còn cơ cực hay nói cách khác là vẫn nghèo.
Theo ông Xuân, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã ra đời hai năm và đây là nghị quyết tháo gỡ “vòng kim cô” trên đầu người nông dân, tức không bắt buộc nông dân trồng lúa nữa. “Tôi biết, trong suốt 40 năm qua, nông dân phải trồng lúa vì áp lực phải đạt chỉ tiêu GDP được giao”, ông cho biết và giải thích vì GDP được quy ra tấn lúa.
Chính vì vậy, theo ông Xuân, thời gian qua, các chính sách cho ngành nông nghiệp đã có sự sai lầm mà cụ thể là bằng mọi cách ngăn mặn, phân phối nước ngọt để đẩy mạnh sản xuất lúa, kể cả ở những nơi không thích hợp.
“Chỉ đạo của Chính phủ bằng Nghị quyết 120 rất là sáng suốt theo hướng "thuận thiên" và phát triển bền vững, chuyển những thách thức thành những cơ hội”, ông cho biết và nói rằng thực hiện được Nghị quyết 120, thì lợi tức của nông dân chắc chắn sẽ tăng lên.
Muốn cuộc chuyển đổi thành công, theo ông, ngoài việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đẩy nhanh thực hiện quy hoạch tích hợp, thì người nông dân phải sản xuất ra nguyên liệu tốt, bền vững và có doanh nghiệp thu mua để chế biến sản phẩm có chất lượng cao và thương hiệu.
“Muốn vậy, phải có doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, ông cho biết và nói rằng cách làm này rất bền vững và nông dân sẽ không còn than điệp khúc “trúng mùa rớt giá”, trong khi doanh nghiệp có nguyên liệu tốt để sản xuất ra sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
“Nông dân an tâm vì có đầu ra, thì sẽ có thu nhập, có đóng thuế gián tiếp vào ngân sách nhà nước. Còn doanh nghiệp làm ăn tốt, thì có đóng thuế, như vậy GDP sẽ tăng lên”, ông cho biết và nhấn mạnh: “Phải làm theo kiểu mới này mới bền vững được”.
Ngoài diễn đàn chuyên đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, trong sáng hôm nay, 18-6, cũng đồng thời diễn ra ba diễn đàn chuyên đề khác, gồm diễn đàn công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL; chuyên đề giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL và chuyên đề quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL. |