(KTSG Online) – Gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới, gần chạm mốc 600 đô la Mỹ/tấn, tăng 60 đô la Mỹ mỗi tấn chỉ trong hơn 10 ngày kể từ thời điểm quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ cấm xuất khẩu.
- Gạo Việt vượt mốc 550 đô la Mỹ mỗi tấn sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu
- Tăng diện tích trồng lúa, tận dụng tín hiệu tích cực từ xuất khẩu
Báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam hôm 2-8 đạt mức 593-597 đô la Mỹ/tấn đối với loại 5% tấm và 573-577 đô la Mỹ/tấn đối với loại 25% tấm, tiếp tục tăng 5 đô la Mỹ/tấn so với ngày trước đó.
Còn nếu so với thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo trắng (trừ basmati) vào ngày 20-7 vừa qua, tức chỉ sau hơn 10 ngày, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng đến 60 đô la Mỹ/tấn. Đây là khoảng thời gian giá xuất khẩu gạo Việt Nam có mức biến động tăng lớn nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Trong khi đó, nếu so với mức giá được ghi nhận hồi đầu năm nay, thì gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam hiện có giá bán cao hơn lên đến 120 đô la Mỹ/tấn.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tốp đầu của Việt Nam (không muốn nêu tên) đưa ra dự báo giá xuất khẩu gạo Việt Nam có thể tăng đến 200 đô la Mỹ/tấn, nếu chính sách cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ tiếp tục kéo dài.
Tuy nhiên, nếu so với đối thủ đến từ Thái Lan, thì mức giá chào bán được ghi nhận vào ngày 2-8 của Việt Nam đối với phần khúc 5% vẫn thấp hơn 32 đô la Mỹ/tấn, nhưng cao hơn 7 đô la Mỹ/tấn đối với phân khúc 25% tấm; gạo 5% tấm của Việt Nam hiện có giá cao hơn Pakistan 60 đô la Mỹ/tấn và 75 đô la Mỹ/tấn đối với phân khúc 25% tấm.
Giá lúa, gạo thị trường nội địa trong tuần cuối tháng 7-2023 cũng chứng kiến sự biến động rất lớn, có loại tăng đến 800 đồng/kg so với tuần trước đó.
Cụ thể, tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lúa hạt dài và lúa thường (lúa tươi mua tại ruộng) có giá dao động từ 6.850-7.200 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg so với tuần trước đó; lúa khô có giá dao động từ 8.200-8.500 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg.
Trong khi đó, gạo lứt tăng 300-700 đồng/kg so với tuần trước đó, lên mức giá 10.550-11.250 đồng/kg (tuỳ loại); gạo thành phẩm cũng tăng 300-800 đồng/kg, lên mức giá 12.000-12.550 đồng/kg.
Theo VFA, từ ngày 1 đến 27-7, có 49 tàu vào cảng TPHCM và Mỹ Thới (An Giang) xếp hàng với tổng khối lượng gạo khoảng 420.000 tấn. Trong đó, châu Phi, Indonesia và Philippines và Malaysia được ghi nhận là bốn thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Cũng theo báo cáo của VFA, luỹ đến đến ngày 15-7, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,483 triệu tấn, trị giá đạt 2,39 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,48% về lượng và 28,04% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, về hoạt động sản xuất, báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến ngày 27-7, vụ hè thu 2023, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 1,48/1,5 triệu héc ta, trong đó, diện tích đã thu hoạch đạt khoảng 711.000 héc ta.