Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tăng trong nghi ngờ – VN-Index liệu có phá được kênh xu hướng giảm giá?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Điểm cần lưu ý là dù điểm số tăng khá mạnh trong phiên giao dịch đầu năm nhưng thanh khoản không quá đột biến, cho thấy thị trường dường như vẫn đang tăng trong nghi ngờ. Theo góc nhìn kỹ thuật, với chuỗi tăng trong những ngày qua, chỉ số VN-Index đang có cơ hội phá vỡ kênh giảm giá kéo dài từ tháng 4 đến nay.

Tích cực ngay từ đầu năm

Sau khi điều chỉnh giảm mạnh trong những ngày cuối năm 2022, chỉ số VN-Index đã bật tăng mạnh trong phiên mở cửa đầu năm 2023 này. Cụ thể ngay trong phiên ngày 3-1-2023, chỉ số VN-Index đã tăng đến 37 điểm, tương đương mức tăng gần 3,7%.

Điều này cho thấy không ít nhà đầu tư đã chờ đợi qua dịp nghỉ Tết Dương lịch 2023 để bắt đầu giải ngân, trong bối cảnh lãi suất đã ổn định trở lại sau lời kêu gọi đồng thuận đưa lãi suất huy động về 9,5%/năm của Hiệp hội Ngân hàng từ giữa tháng 12-2022, cũng như tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã giảm trở lại.

Bên cạnh đó, bước sang năm mới, hạn mức tín dụng của các ngân hàng dồi dào hơn cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán tắc nghẽn vốn trong nền kinh tế, theo đó kỳ vọng sẽ có những ảnh hưởng tích cực hơn lên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, hiện các công ty chứng khoán đã phát hành nhiều báo cáo chiến lược năm 2023 đến các nhà đầu tư cá nhân. Hầu hết đều nhận định tích cực về xu hướng thị trường trong năm nay, với dự báo VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.300 điểm, thậm chí có thể lên tới 1.400 điểm. Điều này dựa trên câu chuyện chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương có thể ngừng thắt chặt khi lạm phát và lãi suất đã đạt đỉnh, Trung Quốc mở cửa trở lại, các nước áp dụng chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ tăng trưởng,… Như vậy tâm lý nhà đầu tư lạc quan ngay từ đầu năm là điều dễ hiểu.

Phần lớn nhận định của các tổ chức đều cho rằng thị trường thiên về xu hướng đi ngang trong nửa đầu năm và chỉ có thể diễn biến tốt hơn từ nửa cuối năm 2023.

Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là dù điểm số tăng khá mạnh trong phiên giao dịch đầu năm nhưng thanh khoản không quá đột biến, cho thấy thị trường dường như vẫn đang tăng trong nghi ngờ. Nhìn lại đợt phục hồi từ nửa cuối tháng 11 đến đầu tháng 12-2022, chỉ số VN-Index sau khi đạt đỉnh tại vùng gần 1.100 điểm đã điều chỉnh trong suốt thời gian còn lại của tháng 12. Vì vậy, đợt phục hồi lần này khi VN-Index đang trên đường hướng trở lại vùng đỉnh cũ này, dòng tiền thận trọng cũng là điều tất yếu.

Đáng chú ý, có thể do chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nên dòng tiền cũng không mấy mặn mà tham gia trong thời điểm này. Đây cũng là điều thường thấy trong những năm trước đây. Cho dù khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE trong tuần đầu năm 2023 tăng hơn 25,8% so với tuần trước đó, lên hơn 549 triệu cổ phiếu/phiên, còn thanh khoản bình quân tại sàn HNX tăng 17,2%, lên hơn 61 triệu cổ phiếu/phiên, nhưng cần lưu ý rằng tuần cuối tháng 12-2022 thanh khoản ghi nhận gần như ở mức thấp nhất trong năm 2022.

Chờ dòng tiền lớn tham gia nếu vượt cản

Theo góc nhìn kỹ thuật, với chuỗi tăng trong những ngày qua, chỉ số VN-Index đang có cơ hội phá vỡ kênh giảm giá kéo dài từ tháng 4 đến nay. Nếu vượt qua vùng cản này thì có thể thu hút dòng tiền lớn đánh theo kỹ thuật tham gia. Khi đó, đà tăng nếu được củng cố và xác nhận thị trường đã thoát khỏi xu hướng xuống, thị trường có thể diễn biến lạc quan hơn trong những tháng tới.

Dù điểm số tăng khá mạnh trong phiên giao dịch đầu năm nhưng thanh khoản không quá đột biến, cho thấy thị trường dường như vẫn đang tăng trong nghi ngờ.

Về yếu tố cơ bản, chính sách tài khóa nới lỏng hơn để chia lửa với chính sách tiền tệ được xem là động lực hỗ trợ cho thị trường. Ngoài vốn đầu tư công được đẩy mạnh cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giới phân tích cũng chỉ ra ba yếu tố khác. Thứ nhất là gói hỗ trợ lãi suất 2% với khoảng 40.000 tỉ đồng được kỳ vọng sẽ giải ngân tích cực hơn trong năm 2023 khi mặt bằng lãi suất đang tăng cao. Thứ hai là duy trì chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Và thứ ba là giữ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Bên cạnh đó, với chỉ số P/E định giá thị trường Việt Nam hiện chỉ ở quanh mức 10, mức thấp nhất lịch sử thị trường, cho thấy nhiều cổ phiếu hiện đang có định giá khá rẻ. Rõ ràng với mức thấp hiện nay, khả năng P/E của thị trường tiếp tục giảm không cao, trong khi xác suất tăng trở lại lớn hơn. Dù vậy, thời điểm chính thức quay lại xu hướng tăng sẽ khó có thể xác định trong tình hình hiện nay.

Đáng lưu ý là không ít nhà đầu tư vẫn kỳ vọng rằng giai đoạn năm tháng đầu năm thị trường có thể nhận được hỗ trợ tốt hơn vì đây là giai đoạn cao điểm thông tin, từ báo cáo tài chính năm 2022, kế hoạch năm 2023 và kỳ họp đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, với nền kinh tế năm 2023 được dự báo sẽ thách thức và khó khăn hơn, khả năng sẽ có không ít doanh nghiệp chấp nhận đặt kế hoạch kinh doanh suy giảm trong năm nay, kéo theo giá cổ phiếu sẽ chịu áp lực đi xuống.

Điểm quan trọng nhất là xu hướng lãi suất trong năm nay. Rõ ràng nếu lãi suất vẫn tiếp tục đi lên và duy trì ở mức cao, kịch bản đang được hầu hết các tổ chức dự báo, ít nhất là trong sáu tháng đầu năm, thị trường khó có thể bứt phá. Dựa trên những rủi ro của thị trường và mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay, dường như kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn đang được ưa chuộng hơn. Do đó, dòng tiền có thể chưa sớm dịch chuyển trở lại các kênh đầu tư như chứng khoán, chừng nào mà lãi suất chưa phát tín hiệu có thể đảo chiều giảm trở lại.

Về những yếu tố đã kéo thị trường giảm sâu trong năm 2022, gồm rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng gây ra tình trạng tắc nghẽn vốn, đứt gãy dòng tiền của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn…, khiến xảy ra hiện tượng bán giải chấp ồ ạt tại nhiều mã cổ phiếu, nếu như năm 2023 vẫn chưa giải quyết triệt để và rủi ro vẫn tiềm ẩn thì thị trường cổ phiếu sẽ vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể.

Trong khi đó, điểm lo ngại lớn nhất đối với nhiều người lại nằm ở nguy cơ suy thoái trong nền kinh tế. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng đó có thể là điểm xác định đảo chiều của thị trường chứng khoán. Vì một khi rủi ro suy thoái thành hiện thực, nhà điều hành có thể phải quay trở lại với chính sách nới lỏng bằng cách giảm lãi suất, tăng cung tiền và cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn để kéo nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, như đã từng diễn ra khi nền kinh tế đối mặt với đại dịch Covid-19 hai năm về trước.

Quay lại với góc nhìn kỹ thuật, trong trường hợp VN-Index có những thời điểm phá vỡ kênh xu hướng xuống, nhà đầu tư có lẽ cũng không nên quá vội vàng tham gia mà cần quan sát thêm xem giai đoạn kế tiếp thị trường có củng cố để tiếp tục đi lên, hay thử thách lại vùng cản này. Vì quá khứ cho thấy trong các đợt phục hồi đã xuất hiện những điểm phá vỡ (break out) giả, đặc biệt đặt trong bối cảnh các nền tảng vĩ mô vẫn không mấy chắc chắn như hiện nay.

Thực tế phần lớn nhận định của các tổ chức đều cho rằng thị trường thiên về xu hướng đi ngang trong nửa đầu năm và chỉ có thể diễn biến tốt hơn từ nửa cuối năm 2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới