Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng tín dụng 2024 sẽ linh hoạt theo nhu cầu vốn

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc cấp tăng trưởng tín dụng 15% cho năm 2024 là thách thức không nhỏ trong bối cảnh kinh tế khó khăn vẫn còn kéo dài. Tuy nhiên, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ được điều chỉnh linh hoạt trong mục tiêu đảm bảo nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Chuyện room tín dụng được Quốc hội và Chính phủ nhắc đến nhiều vào cuối năm 2023. Ảnh: SBV

Đây là một trong số những nội dung quan trọng về điều hành chính sách được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, diễn ra sáng ngày 3-1-2024.

Trước đó, ngày 2-1, NHNN công bố giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các nhà băng ngay từ đầu năm với định hướng tăng trưởng cả hệ thống là 15%.

Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, con số này sẽ được điều chỉnh linh hoạt, thậm chí có thể lên đến 16% nếu nền kinh tế “có nhu cầu” và có thể đảm bảo các cân đối vĩ mô khác.

Tuy nhiên, Phó thống đốc cũng nói thêm, việc đưa ra con số ngay từ đầu năm thể hiện rõ quyết tâm cung ứng vốn của ngành ngân hàng, có tính đến trách nhiệm của các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Theo lãnh đạo NHNN, trong năm ngoái có ngân hàng tăng trưởng hết hạn mức cho phép, nhưng cũng có ngân hàng tăng trưởng âm. Có nhiều lý do khiến tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng cũng có việc ngân hàng ngần ngại cho vay.

“Thông điệp chính sách lần này là phải đưa vốn vào nền kinh tế mạnh mẽ hơn, có trách nhiệm hơn”, ông Tú nói.

Theo lãnh đạo NHNN, con số hạn mức không cố định, thậm chí có thể xem xét tiếp tục gia tăng thêm, nhưng bên cạnh đảm bảo an toàn vĩ mô, dòng vốn phải đi đúng đối tượng, đúng lĩnh vực ưu tiên chứ không phải “ném vào sân sau” hay chảy vào các lĩnh vực khác không được quan tâm. “NHNN cũng sẽ tăng cường giám sát dòng vốn”, lãnh đạo NHNN cho biết.

Báo cáo của NHNN cho thấy mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 ước khoảng 13,5% (trước đó thống kê tính đến ngày 28-12 là tăng trưởng 13%). Như vậy, tín dụng tăng rất nhanh trong giai đoạn cuối năm, khiến cho chỉ số tăng trưởng chung chỉ thấp hơn một chút so với mục tiêu chung 14% đặt ra hồi đầu năm.

“Con số này rất tích cực”, Phó thống đốc đánh giá. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng nhấn mạnh việc làm sao để đáp ứng được con số tăng trưởng mục tiêu 15% cho năm nay cũng sẽ là “quyết tâm lớn”.

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, một trong những lý do khiến NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng một lần 15% ngay từ đầu năm là có tính toán về những khó khăn của nền kinh tế trong năm ngoái có thể tiếp tục kéo dài trong năm nay.

Đại diện Vụ chính sách tiền tệ cho rằng một khó khăn lớn của năm nay là câu chuyện nợ xấu đang tăng nhanh, do doanh nghiệp và người dân không có khả năng trả nợ vì nhiều lý do khác nhau. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo về tỷ lệ dư nợ trên GDP của Việt Nam ở mức cao.

Đánh giá về năm 2023, NHNN cho biết có nhiều tác động ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị, ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao. Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm.

NHNN bốn lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.

Bên cạnh định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024, việc điều chỉnh hướng đi của dòng vốn cũng được nói là quan trọng. NHNN cho biết tiếp tục hướng dòng vốn các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cho vay sân sau, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới