Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tập trung gỡ khó để giải ngân 100% vốn được giao trong 2022

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 241/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc vào chiều 1-8 với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 4 để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Phó thủ tướng yêu cầu thực hiện hàng loạt đầu việc để phấn đấu đến hết năm nay, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

Tuyến metro số 1 của TPHCM đang sắp về đích. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Theo nội dung thông báo này, kết quả giải ngân 6 tháng năm 2022 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Tài chính ước tính, giải ngân từ đầu năm đến ngày 31-7-2022 là 186.848,16 tỉ đồng, đạt 31,61% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước là 182.706,7 tỉ đồng còn vốn nước ngoài là 4.141,46 tỉ đồng (đạt 11,90% kế hoạch).

 

So với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng năm 2022 đạt 34,47%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%).

 

Hiện có 3 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%, có 36/51 bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 26 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%.

Nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này vẫn là chủ yếu, trong đó có công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ nên khi triển khai gặp vướng mắc, không giao được vốn hoặc giao vốn nhưng không giải ngân được.

Một số các bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa sâu sát trong nắm bắt tình hình cụ thể của từng dự án để có phương án xử lý dứt điểm; trong khi một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém về năng lực…

Để phấn đấu đến hết năm 2022, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục rà soát kỹ từng thủ tục, từng khâu trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của từng dự án cụ thể để xác định được khó khăn, tháo gỡ, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn; tập trung chỉ đạo quyết liệt về giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, bảo đảm đúng quy định.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện ngay và chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh theo quy định; với vốn ngân sách trung ương vượt thẩm quyền phải có văn bản đề xuất điều chỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ theo quy định.

Với các nội dung liên quan đến hồ sơ quyết toán vốn của các dự án, lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương họp trực tiếp với các nhà thầu, chủ đầu tư để yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hoàn thiện hồ sơ thanh toán theo quy định pháp luật.

Các bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng và các bộ liên quan chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương để xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng... để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân vốn; chủ động xử lý các kiến nghị của các bộ, cơ quan và địa phương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới