Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tàu chở LNG ùn ứ ở châu Âu, khiến giá khí đốt giảm mạnh

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khoảng 60 tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang di chuyển chậm hoặc neo đậu ngoài khơi bờ biển Tây Bắc Âu, Địa Trung Hải và bán đảo Iberia, theo dữ liệu của MarineTraffic.

Bản đồ của MarineTraffic cho thấy hàng loạt tàu LNG đang ùn ứ ngoài khơi các bờ biển của châu Âu. Ảnh: CNBC

Các tàu này giờ đây được coi là kho chứa LNG nổi vì không thể bốc dỡ trong bối cảnh hạ tầng LNG ở châu Âu quá tải và các kho trữ khí đốt ở khu vực này đã lấp đầy 93%. Tình hình này góp phần giúp giá khí đốt ở châu Âu giảm mạnh.

Châu Âu rất cần khí đốt để chuẩn bị cho nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông khi nguồn cung từ Nga đã bị chặn đứng do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, các kho trữ khí đốt ở khu vực này hiện đã được lấp đầy đến 93%, trong khi đó, châu Âu thiếu các kho cảng để nhập khẩu LNG, chủ yếu đến từ Qatar và Mỹ.

Khí đốt được chuyển sang trạng thái siêu lạnh, cho phép nó được vận chuyển trên tàu dưới dạng chất lỏng. Nhưng các tàu chở LNG cần phải ghé vào các kho cảng có nhà máy tái khí hóa, để đưa nhiên liệu này trở lại trạng thái khí, cho phép nó được tiếp tục vận chuyển qua đường ống.

Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chiếm một phần ba năng lực tái khí hóa của châu Âu với các nhà máy tái khí hóa nằm trải rộng ở sáu bến cảng bao gồm Barcelona, Huelva và Gijón. Một số nước châu Âu, bao gồm Đức và Ý đang chạy đua dựng các kho cảng LNG mới nhưng không thể hoàn thành sớm để tiếp nhận LNG cho mùa đông này.

Mỹ đang xuất khẩu nhiều LNG hơn sang châu Âu nhưng các cảng có cơ sở hạ tầng của khu vực này không thể xử lý kịp lượng LNG nhập khẩu tăng vọt, khiến một loạt tàu LNG đang mắc kẹt ngoài khơi các bờ biển châu Âu.

Theo MarineTraffic, có 60 tàu chở LNG đang nằm im hoặc di chuyển chậm rãi đi quanh bờ biển tây bắc châu Âu, Địa Trung Hải và bán đảo Iberia thuộc tây nam châu Âu. Ngoài ra, còn có 1 tàu LNG đang neo tại kênh đào Suez ở Ai Cập. Tám tàu LNG khởi hành từ Mỹ  đang tiến đến cảng Huelva của Tây Ban Nha.

Andrew Lipow, Chủ tịch Công ty tư vấn Lipow Oil Associates, cho biết: “Làn sóng tàu chở LNG đã áp đảo năng lực bốc dỡ hàng kịp thời của các cơ sở tái khí hóa ở châu Âu”.

Theo Lipow Oil Associates, việc bốc dỡ hàng chậm trễ khiến các tàu chở LNG phải trì hoãn hành trình quay trở lại vùng Vịnh Mexcico của Mỹ để nhận lô hàng tiếp theo, khiến lượng khí đốt tồn kho ở Mỹ tăng nhiều hơn so với dự kiến của thị trường.

Vấn đề chính là sự thiếu hụt các nhà máy tái khí hóa và đường ống kết nối các nước có cơ sở tái khí hóa ở châu Âu. Kết quả là lượng tàu chở LNG chờ bốc dỡ tăng lên, giúp giá khí đốt trong khu vực giảm mạnh.

Một kho cảng LNG ở cảng Rotterdam của Hà Lan. Ảnh: Getty

Phần lớn không gian lưu trữ tại các kho cảng LNG ở châu Âu đã đầy. Enagás, công ty điều hành mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của Tây Ban Nha, cho biết hoạt động nhập khẩu LNG của châu Âu sẽ phải đối mặt với sự chậm trễ ít nhất cho đến tháng 11 vì công suất lưu trữ đã ở mức cao.

Tình trạng ùn ứ của tàu LNG cho thấy châu Âu đã thành công trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung khí đốt trong mùa đông. Nhưng điều đó cũng làm lộ rõ sự yếu kém của năng lực cơ sở hạ tầng năng lượng của lục địa này. Hiện tại, những con tàu LNG khổng lồ với mỗi con tàu chở đủ năng lượng sưởi ấm cho một triệu ngôi nhà mỗi tháng, đang vận hành những cơ sở lưu trữ khí đốt tạm thời ở ngoài khơi các bờ biển châu Âu.

Nguồn cung tăng khiến giá khí đốt trong khu vực giảm mạnh, buộc các chủ lô hàng LNG trên biển tiếp tục neo tàu chờ đợi giá tăng trở lại.

Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nói: “Nguồn cung khí đốt trên thị trường đang thực sự tràn ngập”.

Theo Jacques Rousseau, giám đốc phụ trách bộ phận dầu khí toàn cầu của Công ty tư vấn ClearView Energy Partners, dự trữ khí đốt ở châu Âu tiếp tục tăng và công suất dự trữ hiện đã vượt quá 93%.

Các chuyên gia năng lượng cho biết thị trường cũng đang theo dõi cuộc thảo luận về việc áp trần giá bán buôn LNG của Liên minh châu Âu.

Rousseau nói: “Việc giới hạn giá LNG có thể khiến các nhà giao dịch rời khỏi thị trường, điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong tương lai”.

Giá khí đốt của châu Âu tăng vọt lên mức 332,6 đô la Mỹ mỗi MWh vào cuối tháng 8, nhưng trong tuần này đã giảm xuống dưới 100 đô la Mỹ lần đầu tiên kể từ khi Nga dừng cung cấp khí đốt sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1. Trước chiến tranh, giá khí đốt ở châu Âu ở mức thấp đến 30 euro/ MWh.

Theo CNBC, WSJ

1 BÌNH LUẬN

  1. nhìn là thấy nguồn cung không thiếu ! giờ các hợp đồng coi như chốt xong cho mùa đông này ,các tàu rung đùi cho thuê làm kho chứa ,chỉ có anh Nga mùa đông này tha hồ đốt khí thừa nhưng hết tiền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới