Thứ năm, 14/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tết ta, Tết tây, Tết sao nhẹ nhàng!

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều năm qua, cứ mỗi lần gần đến Tết cổ truyền (thường gọi là Tết ta), trên các trang báo cũng như mạng xã hội người ta lại bàn luận và tranh cãi về việc có nên bỏ hay rút gọn Tết ta hay không. Chuyện này đến “Tết Congo” chắc cũng chưa dứt khoát được nếu không sẵn sàng cho một góc nhìn hài hòa hơn giữa những gì thuộc về "truyền thống" và những thay đổi mang yếu tố "thời đại".

Năm nay, người ủng hộ bỏ hay rút gọn Tết ta càng thấy sự xác đáng cho lý lẽ của mình. Đó là Tết ta quá gần với ngày đầu năm mới dương lịch (thường gọi là Tết tây), chỉ cách nhau khoảng ba tuần. Vừa xong Tết tây đã lo chuẩn bị Tết ta, các chủ doanh nghiệp vừa bị động về kế hoạch sản xuất kinh doanh, vừa phải liên tục sắp xếp cho nhân viên nghỉ Tết kéo dài.

Bên cạnh đó, cách ăn Tết truyền thống ở châu Á cũng bị cho là không còn phù hợp với nhịp sống hiện đại. Đâu chỉ là "ba ngày xuân" mà dường như cái sự chuẩn bị ăn Tết đã bắt đầu ngày từ khi đưa ông Táo về trời. Mọi người ai nấy đều trở nên tất bật, lo trang hoàng nhà cửa, sắm sửa ngày Tết, "bận rộn" đến tận... giao thừa.

Rồi khi chính thức bước vào ngày đầu năm mới (âm lịch), bên cạnh không khí sum họp gia đình đầm ấm, trang trọng, thì phổ biến ở nhiều nơi, nhiều nhà là việc tổ chức các cuộc nhậu, tiệc tùng triền miên. Tết càng dài, các cuộc vui chơi, chè chén quá đà ấy cũng dài theo, dài đến khi... hết Tết, đã làm hao phí sức khỏe, tinh thần của không ít người, mệt mỏi khi bắt đầu quay lại với công việc.

Trên đây là những lý lẽ của những người ủng hộ bỏ hay rút gọn Tết ta. Tuy nhiên, những nười ủng hộ giữ nguyên Tết truyền thống cũng đưa ra cái lý của mình.

Tết ta hay chuyện lì xì ngày Tết là nét văn hoá truyền thống, là cái gốc buộc phải giữ của một dân tộc, một quốc gia trên con đường phát triển. Mọi người nên nghĩ làm sao cho tốt hơn chứ đừng dễ dàng từ bỏ hay thay đổi khác đi. Nếu mất đi văn hoá truyền thống thì việc phát triển cũng trở nên vô nghĩa.

Những lời phản biện cũng được đưa ra. Tết đến, mua nhiều thức ăn hơn một chút để trong nhà để cầu chúc cho một năm sung túc trong khả năng có thể. Trang hoàng, sửa sang nhà cửa một chút để đón một năm mới trong tâm thế vui vẻ. Và Tết ta là cơ hội để mọi người gặp và trò chuyện với người thân, bạn bè mà trong năm hiếm có dịp gặp. Những người ủng hộ Tết ta cũng cho rằng Tết đến là dịp để người dân tham gia các lễ hội truyền thống diễn ra trên mọi miền đất nước.

Như đã nói, việc bỏ hay vẫn giữ Tết ta là câu chuyện đã tranh luận lâu nay và hầu như không biết đến lúc nào mới có thể kết lại. Một số người đã đề nghị một góc nhìn hài hòa hơn, theo đó những gì thuộc về truyền thống, tập tục tốt đẹp thì vẫn cần duy trì, tuy nhiên nên có những điều chỉnh sao cho phù hợp với cuộc sống vốn đã thay đổi khác xưa. Nói một cách khác, trong xu thế phát triển của thời đại, chúng ta vừa phải giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống vừa phải thích ứng với sự hội nhập, phát triển kinh tế và tránh đi những cái “rề rà”, “hủ tục” làm chậm sự phát triển của xã hội.

Có lẽ trong những năm sắp tới, Tết ta và Tết tây sẽ vẫn còn tồn tại song song và vẫn còn gây ra tranh luận. Tuy nhiên, giải pháp tạm dung hòa cho hai “phe” có lẽ là mọi người cần nâng cao ý thức đón Tết ta trên tinh thần tiết kiệm và bỏ đi tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Gia đình mua sắm vừa đủ tùy theo khả năng tài chính của mình. Người thân, bạn bè gặp nhau trò chuyện, du xuân lành mạnh chỉ trong khoảng thời gian nghỉ lễ theo quy định, để khi quay trở lại công việc thường nhật mà không thấy nuối tiếc hay mệt mỏi.

4 BÌNH LUẬN

  1. Nhiều người vẫn thường cứ mặc định tư tưởng rằng tết Tây là đồng nghĩa với “hiện đại, văn minh”. Mà không hiểu hết về giá trị của văn hóa phương Đông và tết Ta. Tết là tết, công việc là công việc, không nên lẫn lộn. Thái độ và phong cách hưởng thụ tết như thế nào là do ta quyết định chứ không phải do tết. Giàu ăn tết theo kiểu giàu. Nghèo theo kiểu nghèo. Vui tết nhưng không quên nhiệm vụ công/ tư là ok. Một điều rất lạ là, người nước ngoài họ cũng rất vui với tết của ta, trong khi ta lại đi phản bác ?

  2. Tết Tây không khác gì Tết Ta. Đó là lịch sử, truyền thống, là sự đa dạng sắc màu của cuộc sống. Thử hỏi nếu ai cũng giống nhau, bằng nhau thì còn gì là văn hóa nữa ? Biết tôn trọng sự khác biệt. Biết tôn vinh chính mình. Đó là phẩm chất căn bản của công dân toàn cầu hôm nay.

  3. Dạ. Rất thích và đồng ý với câu: Thái độ và phong cách hưởng thụ tết như thế nào là do ta quyết định chứ không phải do tết

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới