Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức kép đang đè nặng doanh nghiệp điều

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hoạt động sản xuất và xuất khẩu hạt điều đang gặp thách thức kép, cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp trong ngành này đang bị thua lỗ nặng.

Đáng chú ý, việc chọn lối đi nào để phát triển trong bối cảnh các nước xuất khẩu ở châu Phi đang có chiến lược mới về sản xuất cũng là một khó khăn mà ngành điều Việt Nam phải đối mặt, với nhiều điều bất lợi trong cuộc cạnh tranh tìm khách hàng.

Phân loại hạt điều tại nhà máy của Xí nghiệp chế biến điều và nông sản thực phẩm Bình Phước (Tổng công ty rau quả, nông sản). Ảnh minh họa: TTXVN

Nghịch lý xuất khẩu tăng, doanh nghiệp lại lỗ nhiều

Trong khi hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, giầy dép, đồ gỗ, thủy sản, cà phê, cao su,… đều bị sụt giảm thì ngược lại mặt hàng điều lại có bước tăng trưởng bất ngờ.

Đó là sau tháng đầu tiên của năm bị suy giảm mạnh cả về lượng và trị giá thì xuất khẩu ngành điều trong 2 tháng liền kề sau đó đã quay đầu tăng trưởng mạnh trở lại.

Cụ thể theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, xuất khẩu nhân điều đạt 34,3 nghìn tấn, trị giá 197,7 triệu đô la Mỹ, tăng 25,8% về lượng và tăng 26,9% về trị giá so với tháng đầu năm nay; và kết quả này tăng 35,4% về lượng và tăng 31,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Sang đến tháng 3, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã tăng mạnh với 60 nghìn tấn, trị giá 355 triệu đô la, tăng 75% về lượng và tăng 79,5% về trị giá so với tháng liền kề trước đó, và tăng 50,4% về lượng và tăng 48,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ vậy mà tính chung cả quí đầu tiên của năm nay, xuất khẩu hạt điều cả nước đạt 122 nghìn tấn, trị giá khoảng 708 triệu đô la, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

kết quả này phải nói là đang đi “ngược dòng” trong bối cảnh xu hướng chung xuất khẩu nhiều ngành hàng bị sụt giảm do khó khăn kinh tế chung của thế giới. Và trên thực tế, trong 2-3 năm gần đây, ngành sản xuất chế biến hạt điều cũng gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh, xung đột chính trị trên thế giới, suy thoái kinh tế trên toàn cầu khiến người tiêu dùng hạt điều phải cắt giảm chi tiêu.

Nếu tính về con số tăng trưởng, mặt hàng hạt điều có thể nói là đang dẫn đầu, cao hơn cả ngành rau quả. Đáng chú ý, tại một số thị trường, hạt điều Việt đang có tín hiệu cạnh tranh tốt. Điển cử như tại Nhật Bản, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn nhất vào thị trường nước này.

Hay tại hai thị trường quan trọng nhất là Mỹ, hạt điều Việt Nam vẫn đang chiếm lĩnh với vị trí dẫn đầu. Ở thị trường Trung Quốc dù có bị sụt giảm, nhưng điều Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở thị trường đông dân này…

Dù tình hình xuất khẩu ngành điều cho thấy đang tăng trưởng trở lại nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu ngành này thì lại đang lo lắng về việc kinh doanh và kêu bị thua lỗ nặng dù xuất khẩu tăng.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này khi trao đổi với KTSG Online cho biết họ đang kinh doanh bị thua lỗ nhiều, càng kinh doanh càng thua lỗ. Nhưng nếu không bán thì không xoay xở được đồng vốn.

Theo chia sẻ các doanh nghiệp này, bên cạnh hạn chết nguồn vốn, thì lãi suất ngân hàng hiện vẫn còn quá cao khiến họ không thể nào có thể vay kinh doanh. Bản thân doanh nghiệp do kinh doanh khó khăn của 2 năm trước đã gồng gánh nợ nần đến nay đã không thế gánh thêm được nữa, buộc phải bán ra để xoay xở đồng vốn kinh doanh.

Trong khi đó giá bán hạt điều không thể tăng cao, thậm chí nhà mua hàng ở các nước nhập khẩu còn ép giá vì họ nói rằng người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, giảm tiêu thụ.

Trước tình cảnh đó, doanh nghiệp cho rằng dù bán ra lỗ nhưng họ cũng buộc phải bán. Do vậy mà nhìn trên tổng thể lượng xuất khẩu tăng cao nhưng thực tế hầu hết doanh nghiệp điều đều thua lỗ.

Không như một số doanh nghiệp ngần ngại nêu tên về kinh doanh khó khăn, thua lỗ, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Long Sơn, doanh nghiệp có nhà xưởng chế biến ở Bình Phước và các tỉnh khác, cũng xác nhận hiện nay việc kinh doanh xuất khẩu tại công ty ông bị thua lỗ.

Tính toán về các khoản chi phí và đầu tư, ông Sơn nhẫm tính hiện mỗi ký lô điều nhân doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bị lỗ khoảng 5.000 đồng, nên xuất đi càng nhiều thì doanh nghiệp càng bị lỗ.

Ở vị trí là Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước, ông Vũ Thái Sơn cũng cho rằng rất nhiều doanh nghiệp điều trên địa bàn gặp khó khăn và bị áp lực lớn. Nhiều doanh nghiệp gánh lãi suất cao để đầu tư nhà máy, kho bãi, chi phí cao,… nhưng giờ giá bán ra lại thấp hơn dẫn đến thua lỗ nặng.

Cũng có doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thô về bán, đến nay vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục về thuế nên rất khó khăn và có nguy cơ vướng vào pháp lý.

Đáng chú ý, có doanh nghiệp do vướng vào đầu tư bất động sản của những năm trước nên giờ gặp khó khăn về nguồn vốn khi thị trường này bị khó khăn.

Tương tự theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), do giá bán ở mức quá thấp, không tương ứng với giá điều thô nhập khẩu quá cao,…dẫn đến các doanh nghiệp chế biến phải giảm công suất. Không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động bởi không chỉ do không cân đối được giá bán điều nhân bán ra với giá điều thô mua vào mà còn do lãi suất ngân hàng quá cao, các chi phí khác như nhân công, nhiên liệu, bao bì, vận chuyển,…cũng tăng cao khiến doanh nghiệp càng chế biến càng lỗ.

Thống kê cũng cho thấy, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam tháng 3 vừa qua ước đạt mức 5.913 đô la/tấn, tăng 2,6% so với tháng 2-2023, nhưng lại giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung quí 1-2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.826 đô la/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ của năm ngoái.

Chọn lựa hướng đi nào?

Ngành điều Việt Nam có giá trị xuất khẩu khoảng 3,5 – 3,8 tỉ đô la/năm, dẫn đầu toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu trong nhiều năm nhưng vị trí này được cho là đang bị lung lay vì điều nhân nhập khẩu từ châu Phi tăng mạnh mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước.

Ngành điều đang gặp thách thức kép.

Lâu nay, ngành chế biến hạt điều xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc phần lớn nguyên liệu thô từ châu Phi. Vùng nguyên liệu trồng điều trong nước vẫn được duy trì nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 25% nhu cầu của các nhà máy chế biến. Như vậy, khoảng 3/4 lượng nguyên liệu điều cho sản xuất chế biến trong nước là phải nhập khẩu.

Trong khi đó, chiến lược mới trong sản xuất, chế biến điều của các nước xuất khẩu ở châu Phi đang đặt ra cho ngành điều Việt Nam vào tình thế cạnh tranh trực diện với nhiều bất lợi, buộc phải có hướng đi chiến lược phù hợp hơn.

Tại hội nghị giao ban giữa lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hội – hiệp hội doanh nghiệp diễn ra ở TPHCM mới đây, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cũng đã dùng từ “kêu cứu” khi đề cập đến những khó khăn của ngành.

Theo ông Nhựt, ngành điều Việt Nam đang dẫn đầu toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu nhưng vị trí này đang bị lung lay do tình trạng điều nhân nhập khẩu tăng lên nhanh chóng, cạnh tranh không bình đẳng.

Các doanh nghiệp nhập khẩu điều nhân hiện phần lớn do doanh nghiệp FDI làm đầu mối thực hiện, lợi nhuận chủ yếu tập trung cho số doanh nghiệp này. Ông Nhựt cho rằng các doanh nghiệp này tận dụng ưu đãi của các nước châu Phi nên xây nhà máy sơ chế tại đây. Sau đó chuyển điều nhân giá rẻ về Việt Nam (chi phí vận chuyển thấp vì 1 container điều nhân được chế biến từ hơn 4 container điều thô), chế biến đơn giản tại Việt Nam sau đó xuất khẩu.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư một nhà máy chế biến hoàn chỉnh từ điều thô thành điều nhân mất từ 100 – 500 tỉ đồng, nhưng nhập điều thô giá cao bởi châu Phi đánh thuế xuất khẩu điều thô, miễn thuế xuất khẩu điều nhân nên bị mất lợi thế cạnh tranh.

Theo người đại diện Vinacas, nếu doanh nghiệp chuyển sang nhập điều nhân từ châu Phi thì sẽ chỉ thực hiện 1 đến 3 công đoạn cuối để có thành phẩm xuất khẩu (khoảng 20% toàn dây chuyền chế biến nếu tính từ điều thô), từ đó lãng phí dây chuyền đã đầu tư và phải sa thải lao động, công nhân mất việc làm.

Lấy dẫn chứng Ấn Độ (một nước xuất khẩu điều nhân), ông Nhựt cho biết trước đây Việt Nam đã từng xuất khẩu sang nước này nhưng để bảo hộ trong nước, Ấn Độ áp thuế nhập khẩu điều nhân 25% nên không còn container điều nào được xuất khẩu sang. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có sự bảo hộ sản xuất trong nước.

Trước thực tế trên, lãnh đạo Vinacas khẩn cấp đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương và các ban ngành nghiên cứu giải pháp. Cần đàm phán để các nước châu Phi miễn thuế xuất khẩu điều thô, tạo công bằng trong cạnh tranh. “Nếu đề nghị này không được đáp ứng, Việt Nam cần áp thuế nhập khẩu điều nhân ở mức 25% tương tự như Ấn Độ đã thực hiện với điều Việt Nam để ngăn chặn tương lai ngành điều bị bóp chết”, Vinacas kiến nghị.

Theo giới kinh doanh trong ngành, đề xuất của Vinacas có thể hiểu rằng trước đây các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhập điều thô về rồi mới bóc vỏ cứng, bóc vỏ lụa sau đó tách nhân, đóng gói. Tuy nhiên, gần đây các nước cung cấp nguyên liệu thô ở châu Phi đã tiến đến một bước là có công nghệ bóc tách vỏ cứng. Việc nhập khẩu nhân điều sót lụa nói trên không phải là để tiêu thụ trong nước mà là sản xuất sau đó tái xuất.

Chế biến hạt điều. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Trao đổi với KTSG Online về vấn đề này, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, cho rằng hiện tại Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đang cung cấp công nghệ, máy móc cho nhà máy điều ở châu Phi, Bờ Biển Ngà nhưng họ chỉ làm đến khâu bóc vỏ cứng, chưa làm được hết các công đoạn như Việt Nam. Nếu Việt Nam tăng thuế sẽ làm họ suy yếu trước mắt, nhưng về lâu về dài, nếu các tập đoàn FDI đầu tư tại châu Phi tìm được nước khác thay thế Việt Nam như Bangladesh, Myanmar… thì chính các nhà máy tại Việt Nam lại mất đi công ăn việc làm và giá trị gia tăng của sản phẩm đó.

Theo ông Sơn, ngành điều gặp khó khăn do chính những yếu kém nội tại, cạnh tranh lẫn nhau khiến các doanh nghiệp đối mặt với việc mua nguyên liệu cao, bán ra giá rẻ. Nguyên nhân được chỉ ra là do vấn đề nội tại của ngành.

Bởi lẽ thời gian qua, nhiều nhà máy mới ra đời, công suất chế biến cao hơn, vượt hơn so với nguồn cung điều thô nên theo ông Sơn, các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh nhau mua điều thô với giá quá cao. Trong khi đó, xuất khẩu nhân điều thì cạnh tranh nhau, doanh nghiệp xuất khẩu “đạp giá nhau” nên giá bán nhân bị bên mua, nhà nhập khẩu ép giá rẻ xuống.

“Chính vì nghịch lý nguyên liệu đầu vào bị đẩy lên cao, trong khi giá sản phẩm bán ra lại bị đè xuống thấp thì làm sao mà doanh nghiệp chế biến xuất khẩu không thua lỗ?”, ông Chủ tịch Hội Điều Bình Phước đặt câu hỏi.

Do đó, dù giữ vị thế xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại không tận dụng được vị thế của mình, mà luôn tự cạnh tranh lẫn nhau. Giá đầu vào và đầu ra trái chiều là thua lỗ ngay. Thực tế này dẫn đến những doanh nghiệp quy mô nhỏ, nguồn vốn ít khó khăn phải đóng cửa hoạt động.

Bên cạnh đề xuất xem xét tăng thuế của Vinacas, ông Vũ Thái Sơn thì kêu gọi các doanh nghiệp chế biến điều trong nước cần chấp nhận giảm sản xuất, giảm công suất chế biến lại. Điều này theo ông Sơn là nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu điều thô ở châu Phi và Campuchia, để doanh nghiệp Việt Nam không tranh nhau mua điều thô với giá cao, ngược lại có thể “ép” được bên bán cung cấp điều thô giá rẻ, cạnh tranh hơn. Điều này sẽ giúp các nhà máy điều trong nước mới sản xuất có lãi.

Tuy nhiên, nếu giảm công suất sản xuất, chế biến thì nguy cơ các nhà máy sẽ phải giảm lực lượng lao động. Nhận câu hỏi này của KTSG Online, ông Sơn cho rằng điều này bắt buộc nhà sản xuất phải lựa chọn phương án nào là tốt nhất để hoạt động.

Bởi lẽ nếu cứ giữ 100% công suất và lực lượng lao động như hiện nay mà doanh nghiệp cứ liên tục kinh doanh thua lỗ thì nguy cơ đóng cửa nhà máy và doanh nghiệp đi đến phá sản sẽ là rất cao. “Khi ấy, doanh nghiệp không chỉ giảm lượng ít lao động nữa mà còn có khả năng không giữ được người lao động nào”, ông Chủ tịch Hội Điều Bình Phước lý giải.

Ông Sơn cụng cho rằng bản thân công ty ông với các nhà xưởng ở Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Thuận, Long An, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai,… để tồn tại thì cũng buộc phải cắt giảm lượng lao động. Thực tế cho thấy, khi người lao động các nhà máy ở các địa phương có ngành sản xuất công nghiệp phát triển như Bình Dương, Long An, Đồng Nai,… thì người lao động khu vực này sẽ không khó tìm được công việc mới. Thay vào đó, công ty ông cũng đầu tư máy móc tự động để thay thế lực lượng lao động chân tay để nâng cao năng suất và giảm chi phí nhằm cạnh tranh và tồn tại.

Trước tình hình đó, Vinacas đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương đàm phán ký các hiệp định song phương với từng nước về miễn thuế xuất nhập khẩu với hàng hóa của nhau; trong đó có việc bạn miễn thuế với điều thô xuất khẩu sang Việt Nam. Nếu đề nghị này không được chấp thuận, cần áp thuế suất 25% với hạt điều đã bóc vỏ (Mã 0801.32.00), theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 10-7-2020 của Chính phủ; áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới