Chủ Nhật, 8/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tiếp sức doanh nghiệp để kéo ‘đầu tàu’ kinh tế vào đường ray phục hồi

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu quí 1 của TPHCM bị sụt giảm gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong vòng 22 năm qua. Thông tin này cũng phản ánh hoạt động của khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn.

Ngoài nỗ lực xoay xở và vận dụng hết mức các giải pháp tự cứu mình, các doanh nghiệp đang bị “hụt hơi” trên cong đường duy trì và ổn định sản xuất, họ cần những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời để tiếp tục vượt qua tình hình khó khăn chung hiện nay.

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đều đang khó khăn, trong đó đáng chú ý là doanh nghiệp hoạt động ngành cơ khí. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Doanh nghiệp đang “đuối sức”

Ông Huỳnh Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất – Thương mại Vĩ Nam Việt (Vinavit), cho biết trong 3 tháng đầu năm nay, tình hình đơn hàng sản xuất các sản phẩm bù loong, ốc vít … của công ty ông bị sụt giảm đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu sụt giảm đơn hàng, trong khi đó những khách hàng trong nước chủ yếu là ngành chế biến sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu cũng chung tình cảnh tương tự vì thị trường ở Mỹ và châu Âu đang trong quá trình “ngủ đông”.

Kết quả kinh doanh quí 1 tồi tệ vừa qua đã nối tiếp chuỗi dài kinh doanh khó khăn từ những tháng cuối năm ngoái đến nay của doanh nghiệp có nhà xưởng trong khu Công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh này.

Cụ thể theo ông Đức, từ nửa cuối năm ngoái, tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp cơ khí như công ty ông đã bị sụt giảm mạnh. Và khó khăn đó tiếp tục kéo dài đến quí 1 vừa qua. Đáng lo ngại là trong quí 2 này, theo dự báo của ông Đức có khả năng đơn hàng sẽ tiếp tục giảm nặng nên doanh nghiệp hoạt động trong ngành này rất khó khăn.

Báo cáo kinh tế – xã hội của TPHCM cũng cho thấy, trong quí 1 vừa qua, hai ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí chế tạo và điện tử của thành phố tăng trưởng âm. Riêng ngành cơ khí chế tạo âm 6,5%. Trong khi, cùng kỳ năm ngoái, hoạt động ngành này tăng 4%.

Đại diện Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TPHCM (HAMEE) trước đó cũng cho rằng sụt giảm đơn hàng, thiếu vốn… khiến một số hội viên khó khăn đã phải bán nhà, bán đất để trả nợ ngân hàng, thậm chí chuyển nhượng doanh nghiệp.

Không riêng ngành cơ khí mà hầu hết doanh nghiệp ở các ngành nghề như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử,… cho biết ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine, khó khăn kinh tế và người tiêu dùng các nước nhập khẩu thắt chặt chi tiêu do lạm phát tăng cao,… khiến đơn hàng sản xuất bị sụt giảm mạnh.

Thực tế này cũng được nhìn thấy qua kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty vận chuyển hàng hóa, logistics… Cụ thể theo ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Transimex (TMS), thông thường doanh thu quí 1 sẽ đạt 25% kế hoạch doanh thu của cả năm. Trong quí 1 vừa qua, dù Transimex đã nỗ lực hết sức nhưng công ty cũng chỉ mới đạt được 16% kế hoạch doanh thu, ước đạt 400 tỉ đồng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trong cuộc gặp Thủ tưởng Chính phủ gần đây cũng dẫn số liệu hoạt động quí 1 của Công ty Tân Cảng Sài Gòn bị sụt giảm tăng trưởng đến 16%, mặc dù đây là đơn vị chủ lực về ngành cảng biển. “Với đặc điểm là cửa ngõ giao thương 95% lượng hàng hóa tại TPHCM, công ty này chưa từng suy giảm tăng trưởng kể từ khi thành lập”, ông Nên chia sẻ.

Dù đã có dự báo về sự chững lại nhưng mức sụt giảm này thực sự gây choáng váng cho chính quyền, doanh nghiệp lẫn người dân.

Để tồn tại, cần sự tiếp sức đường dài

Trong các cuộc gặp với lãnh đạo doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cũng nhìn nhận hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, tâm lí của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi các chỉ số kinh tế, cải cách hành chính của thành phố.

Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, cho rằng do ảnh hưởng chung của thế giới mà tình hình hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó như năm nay. Kim ngạch xuất khẩu giảm đều ở hầu hết ngành nghề từ dệt may, nông lâm thuỷ sản cho tới chế biến gỗ…

Nhấn mạnh sự khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương TPHCM), chia sẻ thêm rằng kim ngạch xuất khẩu trong quí 1 của thành phố đã có sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2000, tức sau 22 năm.

“Kể cả thời điểm rất khó khăn của giai đoạn 2008-2012, xuất khẩu của thành phố cũng không giảm nhiều như vậy”, ông Hiếu nói, và cho biết: “Dữ liệu từ trước đến nay đều cho thấy năm nào xuất khẩu giảm mạnh trong quí 1 thì kết quả của cả năm đó đều không khả quan”.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, kim ngạch xuất khẩu, một trong những động lực tăng trưởng chính, bị ảnh hưởng, đơn hàng từ thị trường thế giới giảm và tình trạng có thể kéo dài đến giữa năm 2023. Lãnh đạo TPHCM lo ngại nếu để tình trạng này tiếp diễn, kết quả kinh tế thành phố cả năm sẽ không khả quan.

Trước đó, đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cũng chia sẻ những doanh nghiệp thuộc hiệp hội rất khó khăn do xuất khẩu hàng hóa bị sụt giảm mạnh. Trong đó, đáng chú ý là ngành cơ khí  – điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm nhiều, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%, hay đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ giảm 30-40%. Hay ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm khoảng 15%, trong đó các sản phẩm dăm, viên nén, pallet, đồ gỗ giảm đến 45%,…

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để tồn tại.

Trước tình hình khó khăn kéo dài, các doanh nghiệp cho biết những giải pháp tự cứu mình thời gian qua họ đã làm hết. Ông Huỳnh Văn Đức của Vinavit cho hay, giờ doanh nghiệp “đuối sức” nên rất cần Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời để “hà hơi tiếp sức” cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này.

Cụ thể như doanh nghiệp cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay, Nhà nước giảm, giãn thuế giá trị gia tăng (VAT) và các khoản phí, lệ phí khác. Theo ông Đức, Thành phố cần có chính sách hỗ trợ nhanh, phân loại nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp nằm trong nhóm đó và nhóm nào bị nặng hơn phải “hà hơi tiếp sức” nhiều hơn và phải nhanh.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HAMEE cho rằng, thành phố cần có chính sách hỗ trợ dài hơi để giúp doanh nghiệp cơ khí vượt qua khó khăn trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.

Theo lãnh đạo HUBA, nhiều ngành nghề vẫn còn khó khăn chồng chất khi đơn hàng sụt giảm, dòng tiền “đứt đoạn” buộc phải giảm nhân công, tiết kiệm chi phí… Khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp đang gặp phải đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu.

Báo cáo của HUBA cho rằng doanh nghiệp gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản.

Theo các doanh nghiệp, dù nước đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế, song trên thực tế việc thụ hưởng chưa nhiều, đặc biệt là các gói hỗ trợ về vốn khi tỷ lệ thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%.

Theo khảo sát doanh nghiệp quí 1 của HUBA, có tới 41,2% số lượng doanh nghiệp được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp; 17,6% cho rằng họ đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh; 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất – kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%…

Chính vì vậy, để có thêm nhiều trợ lực cho doanh nghiệp, HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay 1 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm. Theo đó, thời gian của hợp đồng vay cũng được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn.

Bên cạnh đó, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. HUBA kiến nghị Ngân hàng nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.

HUBA cũng kiến nghị Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường.

Song song đó, HUBA kiến nghị UBND TPHCM thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 và thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo tăng cường kết nối doanh nghiệp và ngân hàng thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm đầu ra

Lần đầu tiên TPHCM sẽ tổ chức hội chợ xuất khẩu đa ngành để hỗ trợ phần nào doanh nghiệp xuất khẩu tìm đầu ra tại sân nhà.Ảnh minh họa: Lê Hoàng

“Trong tình hình này, nếu không có sự chuẩn bị, giải pháp phù hợp thì chỉ cần 1-2 cơn gió độc thoáng qua sẽ quật ngã chúng ta… Lãnh đạo Sở Công Thương luôn trăn trở hàng ngày, trong các cuộc họp đều trao đổi, tính toán giải pháp tham mưu cho thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp, hoặc ít ra cũng phải có động thái thể hiện sự quan tâm, ủng hộ về mặt tinh thần cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Nguyên Phương chia sẻ.

Để cải thiện tình hình xuất khẩu giảm mạnh trong thời gian qua, các ban ngành thời gian qua đã liên tục tính các phương án để giúp TPHCM lấy lại vị trí dẫn đầu. Trong đó, việc lần đầu tiên tổ chức hội chợ xuất khẩu đa ngành được cho là một trong những phương án tốt mà Sở Công Thương TPHCM đề xuất và đã được UBND TPHCM thông qua.

Lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM kỳ vọng sự kiện diễn ra từ 25 đến 28-5 tới tại SECC sẽ là dịp để doanh nghiệp, chuyên gia và các cơ quan Nhà nước cùng thảo luận, tìm ra giải pháp lâu dài cho xuất khẩu của thành phố.

Sự kiện sẽ có hơn 250 gian hàng từ các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của thành phố như nông sản; dệt may, da giày, túi xách; đồ gỗ, mỹ nghệ; thực phẩm, đồ uống; thủy hải sản; điện tử, cơ khí, cao su – nhựa; các nhóm ngành xuất khẩu khác và dịch vụ hỗ trợ.

Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp đến 50% chi phí tham gia gian hàng, tương ứng 12 triệu đồng/gian hàng/doanh nghiệp.

Đồng thời, mỗi ngày diễn ra diễn đàn và hội chợ, các doanh nghiệp cũng trực tiếp trao đổi, lắng nghe nhu cầu từ đại diện các phái đoàn thuộc thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hội chợ dự kiến thu hút khoảng 8.000 lượt khách tham quan bao gồm các đơn vị mua hàng quốc tế từ hàng loạt quốc gia, hệ thống siêu thị, nhập khẩu và bán lẻ, các sàn thương mại điện tử. Với các đoàn mua hàng quốc tế, TPHCM sẽ hỗ trợ vé máy bay, khách sạn, phương tiện đi lại tại Việt Nam xuyên suốt lịch trình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới