(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tham khảo ý kiến của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) khi nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phục hồi và mở cửa du lịch.
- Thêm một tỉnh đề xuất được đón khách du lịch quốc tế
- Phú Quốc đón gần 1.000 khách quốc tế sau hơn một tháng thí điểm đón khách
- Người Việt rất muốn đi du lịch nhưng sợ bị cách ly
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản nêu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV). Trong đó, Ban IV đã có văn bản về kết quả khảo sát nhu cầu, xu hướng của khách du lịch thời Covid-19 và đề xuất những giải pháp hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau đại dịch. Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tham khảo ý kiến của Ban IV trong quá trình nghiên cứu, xây dựng kịch bản, kế hoạch phục hồi và mở cửa du lịch thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả Covid-19.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính Phủ, Ban IV đã báo cáo kết quả khảo sát du lịch cho thấy, nhu cầu đi du lịch của du khách trong nước cao, với gần 90% số người khảo sát cho biết muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới. Trong đó, có 53,7% trả lời là muốn đi du lịch từ tháng 12-2021 đến các tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, rào cản lớn cho quá trình hồi phục du lịch sau tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 là việc du khách muốn đi du lịch nhưng lại sợ bị cách ly. Có đến 87% du khách được hỏi cho biết lo ngại lớn nhất là khi đi du lịch sẽ bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà.
Từ đó, Ban IV có những đề xuất như, đề nghị Chính phủ kiên định tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh” như nội dung của Nghị quyết 128, chỉ đạo các địa phương thống nhất thực hiện theo nghị quyết này, tức là cùng một cấp độ an toàn dịch thì phải có quy định giống nhau, không đưa ra những quy định riêng của địa phương.
Kế đến, Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương cập nhật thường xuyên, chính xác thông tin về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các yêu cầu cụ thể liên quan tới điều kiện di chuyển, đi lại, cư trú.
Thêm vào đó, Chính phủ cần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch nhanh chóng và hiệu quả hơn. Trước mắt, cấp trung ương nên ưu tiên cho việc cung cấp thông tin du lịch an toàn, còn cấp địa phương ưu tiên cho việc tiếp thị số điểm đến.
Cuối cùng là đề nghị Chính phủ tiên thực hiện đối thoại công – tư ở cấp cao để thảo luận và xây dựng các kịch bản, kế hoạch phục hồi du lịch, trước mắt là cho giai đoạn 2022–2023.
Trên cơ sở đó, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố công khai các kế hoạch, thường xuyên cập nhật kế hoạch theo diễn biến của thực tiễn để các bên cùng phối hợp thực hiện hiệu quả.