Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thận trọng với cổ phiếu nương theo ‘sóng’ đầu tư công!

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong bối cảnh hai trụ đỡ tiêu dùng và xuất khẩu tiếp tục suy yếu do dịch bệnh, liệu đầu tư công có trở thành đầu kéo khả thi hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng cuối năm 2021? Theo đó, có nên “mua đuổi” các cổ phiếu nương theo “sóng” đầu tư công?

Rất được coi trọng trong trung hạn

Về mặt chủ trương, kế hoạch giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội nâng lên mức 2,87 triệu tỉ đồng, tương ứng mức tăng hơn 40% so với con số thực hiện của giai đoạn trước. Riêng trong năm 2021, vốn đầu tư công kế hoạch ở mức gần 600.000 tỉ đồng. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân đầu tư công giai đoạn này tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,058%. Cũng trong dự báo trên, giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài nhà nước, cao hơn giai đoạn trước là 1,42 đồng, cho thấy sự cải thiện trong mức độ lan tỏa của đầu tư công.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều công trình phải dừng thi công. Ảnh: N.K

Đặc biệt, Chính phủ sẽ dành nguồn lực thích đáng để giải quyết các dự án trọng điểm một cách hiệu quả. Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của đầu tư công sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tác động lan tỏa nhiều khối ngành, chuyển đổi kinh tế số theo cách mạng công nghệ 4.0 thay vì ưu tiên việc đảm bảo an sinh xã hội như giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ tập trung nguồn vốn giải ngân ở các công trình hạ tầng lớn như sân bay, đường cao tốc, nhà ga có quy mô quốc gia thay vì các dự án quy mô vùng, tỉnh hay điện, đường, trường, trạm như giai đoạn trước.

Dự kiến Chính phủ sẽ cắt giảm các dự án không cần thiết để đưa số dự án về còn khoảng 5.000 dự án thực hiện (so với con số 6.447 dự án giai đoạn 2016-2020). Các dự án trọng điểm dự kiến tập trung triển khai giai đoạn 2021-2025 gồm cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, 11 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc – Nam, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất/Nội Bài, sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, dự án nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1…

Giải ngân trong ngắn hạn gặp khó vì dịch Covid-19

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tính đến ngày 31-8-2021 là 187.285 tỉ đồng, đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch của cùng kỳ năm 2020 (46,4%).

Cụ thể, 10 bộ và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước, trong đó, một số địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao như Quảng Ninh, Bình Phước, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa… hay Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Trong khi đó, có bốn bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân và có ba bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Một số cổ phiếu đã tăng tương đối mạnh, thậm chí phản ánh trước kỳ vọng. Nổi bật như BCC (+73%), PLC (+45%), HT1 (+44%), PC1 (+33%), KSB (+37%),… đều bứt phá mạnh trong tháng 7 và tháng 8 với mức tăng ấn tượng hơn nhiều so với VN-Index.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ giải ngân tám tháng đầu năm nay chậm hơn so với cùng kỳ do đặc thù của năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Một số nhiệm vụ, dự án khởi công mới chỉ được giao kế hoạch sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua.

Tuy vậy, nguyên nhân chủ yếu nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước là do dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Theo đó, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội; công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh còn thiếu thống nhất, có nơi ban hành quy định cứng nhắc làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, chậm tiến độ triển khai dự án.

Hầu hết các công trình xây dựng tại khu vực có nguy cơ cao (vùng đỏ) và một số công trình ở các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải tạm dừng thi công. Bên cạnh đó, giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh cũng tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án…

Nhóm ngành nào hưởng lợi?

Theo đánh giá, cổ phiếu các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công bao gồm nhóm vật liệu xây dựng (HPG, HSG, HT1, BCC, KSB); thi công công trình (FCN, ITD). Với các doanh nghiệp có kinh nghiệm tham gia vào các dự án đầu tư công trong quá khứ và có vị thế đầu ngành, lợi thế cạnh tranh sẽ là rất lớn.

Bên cạnh đó, các nhóm ngành được hưởng lợi gián tiếp sau khi hạ tầng hoàn thiện là bất động sản (VHM, NVL, KDH, NLG); xây dựng (CTD, HBC, VCG); logistics và cảng biển (ACV, GMD).

Ngoài ra, nhóm ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi có cơ hội tăng tín dụng giải ngân trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, một số cổ phiếu đã tăng tương đối mạnh, thậm chí phản ánh trước kỳ vọng. Nổi bật có thể kể đến như BCC (+73%), PLC (+45%), HT1 (+44%), PC1 (+33%), KSB (+37%),… đều bứt phá mạnh trong tháng 7 và tháng 8 với mức tăng ấn tượng hơn nhiều so với VN-Index.

Tuy vậy, trong các tháng còn lại của năm nay, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua đuổi theo các cổ phiếu đã tăng mạnh bởi việc cụ thể hóa kỳ vọng thành kết quả thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ đóng vai trò quyết định.

Cùng cách nhìn khá thận trọng, trong báo cáo chiến lược ngành sáu tháng cuối năm 2021, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo đầu tư công sẽ tăng trưởng hạn chế do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, Chính phủ có thể sẽ sử dụng một phần chi tiêu đầu tư công để dành nhiều nguồn lực hơn cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, các ngành được dự báo sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công vẫn có những rủi ro hiện hữu. Đơn cử như các doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt với cơn sốt giá nguyên vật liệu đầu vào; doanh nghiệp xi măng gặp vấn đề với tình trạng dư cung; một số doanh nghiệp phải chờ dự án nghiệm thu mới thu được tiền…

Nhóm cổ phiếu xây lắp hạ tầng và vật liệu xây dựng được đánh giá có thể hưởng lợi sớm và phản ánh nhanh nhất vào kết quả kinh doanh, tuy nhiên mức độ hưởng lợi còn tùy thuộc vào vị trí địa lý của các dự án được triển khai, năng lực của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, giá chào thầu và nhiều yếu tố khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới