Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thằng bé làng chài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thằng bé làng chài

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Thằng bé ngồi bệt ở một góc làng chài, lặng nhìn ra biển. Ngày mai, nó sẽ xa triền cát này, tạm biệt những lượn sóng kia, theo ba mẹ về nơi ở mới. Nhìn tất cả lần cuối để rồi chia tay, dù chỉ càng cào sâu vào vết thương lòng, nhưng thế còn hơn đi rồi mà chẳng còn lưu lại chút hình ảnh gì trong hoài niệm.

Nền nhà cũ của thằng bé, sẽ là một phần đất nhỏ trong dự án xây dựng một khách sạn cao cấp. Tiền đền bù nhận rồi, nhà mới cũng đã mua xong. Thôi, chia tay biển! Ngày mai, nó sẽ về nhà mới nằm sâu bên rặng núi xa tít bên kia, cách chừng mười cây số. Nơi ăn chốn ở vậy là ổn. Chỉ có nghề chài lưới của ba mẹ nó thì làm sao mưu sinh trên vùng đất núi. Thây kệ, đó là chuyện của người lớn. Bé như nó, cách nào mà tính.

Thằng bé kể lể với tôi rằng, nó đã quá quen với làng chài này, nên mai kia mốt nọ chẳng biết có “hạp” với chỗ ở mới hay không. Từng triền cát, từng doi vịnh, chỗ nông sâu, nó đều thuộc như lòng bàn tay. Cả những nếp nhà xác xơ, tạm bợ đằng kia nữa. Bên này là chỗ nó từng chơi đánh đáo, lắc bầu cua… Còn dưới gốc cây phi lao cao ngất sát biển, trưa nào nó chẳng xách tô cơm ra ngồi ăn, ngóng dáng ba từ biển trở về… Nhưng chắc rồi cái cũ sẽ nguôi ngoai, còn cái mới cũng sẽ quen. Cái gì cũng vậy.

Thành phố nó ở đang là điểm nóng về tốc độ đô thị hóa. Gia đình nó phải ra đi, âu cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Con đường to đẹp thế kia, mà hai bên đường chỉ toàn nhà tranh, tôn rách, coi sao đặng. Đó phải là nơi của những ngôi nhà cao tầng, những nhà hàng lớn, đèn đóm sáng choang. Những sự thay thế sẽ diễn ra như một quy luật của sự phát triển.

Ngay chính hồi trưa này, tôi đã dự lễ khởi công một dự án xây dựng khu cao ốc thương mại, khách sạn cao cấp lớn ngay nội ô thành phố mà thằng bé đang sinh sống. Dân tứ phía mừng rơn. Những cao ốc mọc lên, khu nhà của họ sẽ “ké phần” thay đổi diện mạo. Khách sang trọng sẽ ra vào nườm nượp, kinh doanh rồi sẽ xôm tụ. Rồi ai có hỏi mua nhà, cũng đừng mơ họ bán với giá vài chục cây vàng như bây giờ. Đủ thứ để mừng.

Ở quê tôi đang sống, nhiều dự án xây dựng lớn như vậy cũng liên tục khởi công. Ai cũng mừng – chắc vậy. Bởi ngay ngày động thổ, hàng chục, hàng trăm chiếc xe hơi sang trọng, biển xanh, biển trắng thi nhau kéo đến. Bia rượu ê hề, lời chúc nhau rôm rả.

Nhưng mèn ơi! Nhìn thằng bé mới chợt nhớ!

Ngay trước những ngày vui xôm tụ với hàng trăm, hàng ngàn khách đến dự, có mấy ai đã từng đến “tham gia” những buổi chia tay lặng lẽ như của gia đình thằng bé này. Không có những cuộc chia tay, những sự nhường chỗ ấy, có đâu đất cho những dự án, có đâu chỗ cho những tòa nhà sang trọng? Và rồi khi đường phố đã đẹp hẳn ra nhờ những khách sạn, nhà hàng… to đẹp, có ai sực nhớ để hỏi nhau rằng – dù chỉ để hỏi, những người chủ đất xưa kia giờ đã ra sao.

Những phận người nghèo mỏng manh, dễ vỡ như những triền sóng tan nhanh trên bãi cát ngoài kia. Khi những báo cáo thành tích vẫn tập trung vào những dự án mới, những chỉ tiêu tăng thu, thì lấy đâu ra chỗ cho những người phải trả giá vì những thành tích ấy.

Đành rằng, cũng sẽ có người đổi đời từ số tiền đền bù, nhưng ai biết sẽ có bao nhiêu người lún sâu vào cái vũng đói nghèo khi bơ vơ lạc lõng giữa môi trường mới, chẳng thể hòa nhập. Chưa ai bỏ công ra mà tính chi ly những điều ấy. Thường thì người ta chỉ tính rằng, nhờ dự án này, tăng trưởng sẽ “lên” bao nhiêu, thu thuế sẽ đạt bao nhiêu… Rồi để triển khai được, chỉ cần đền bù bao nhiêu là có đất, cộng thêm vài dòng như chú ý vấn đề giải quyết việc làm, tái định cư… Còn cái giá mà người dân phải trả cho tăng trưởng ít ai tính kỹ.

Nghĩ chuyện vu vơ, mới sực nhớ thằng bé. Chẳng hỏi đến nó, nó cũng ngồi lặng lẽ, nhìn biển. Mai này, trong đám bạn tóc khô khét nắng đằng kia, có ai còn nhớ nó? Và còn ai nhắc rằng, nó đã từng sống ở đây?

Gia đình thằng bé nghèo, chắc là vậy! Chiếc quần cộc bạc màu mà nó mặc, đôi chỗ đã thâm kim, nhăn quéo. Móc túi định giúi cho thằng bé ít tiền, nhưng chợt nhớ lại hú hồn! Mớ tiền ít ỏi mà mình cho, không chừng lại khiến thằng bé càng quặn thắt? Người ta đã đưa tiền để ba mẹ nó ra đi, nhưng riêng với nó, không chắc đền bao nhiêu cho đủ những triền cát, những lượn sóng biển đã in sâu vào tâm khảm từ ngày mới chào đời. Trẻ con nghèo vẫn luôn có những niềm vui riêng, những thứ đồ chơi mộc mạc, những trò vui đơn sơ, những khung trời thơ mộng của chúng.

Mặt trời đã sắp lặn! Đêm về, rồi ngày mới sẽ bắt đầu. Và thằng bé sẽ ra đi…

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới