Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tham dự Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra ngày 22-4 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp FDI phát triển lâu dài ở Việt Nam. Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam.

Chính phủ gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài sáng nay 22-4 – Ảnh: Baochinhphu.vn

Theo TTXVN, tại hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt qua dự báo, gây ra những khó khăn cho kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. Do đó, Chính phủ tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài để lắng nghe, chia sẻ, thấu hiếu và đồng hành cùng các daonh nghiệp FDI.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, thuận lợi. Trên cơ sở đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

TTXVN đưa tin, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội tại hội nghị cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam. Với khảo sát của Jetro, 47% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) thông tin, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và thương mại giữa hai nước năm 2022 đã tăng 175 lần trong 30 năm qua, đạt mức cao nhất lịch sử là 87,7 tỉ đô la.

Hiện có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Công ty điện tử Samsung đầu tư thêm 20 tỉ đô la vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Các công ty Điện tử LG, LG Display, LG Innotek cũng mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Đại diện Kocham cho biết, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam cũng đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng nếu môi trường đầu tư tiếp tục ổn định.

Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam cho biết sẽ tăng cường quy mô 6.000 nhân viên trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chất lượng cao. Bosch sẽ tính đến việc mở rộng sang lĩnh vực khác, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, logistic bởi tập đoàn này tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có cơ hội để tiếp tục phát triển.

Baochinhphu.vn đưa tin, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng Việt Nam cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng.

EuroCham hoan nghênh quyết định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng. Điều này sẽ hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA.

Theo hướng đó, EuroCham khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Chính phủ có thể xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng sắc thuế này đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.

Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng.

Cũng liên quan đến thuế, Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đề xuất cần nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) mong muốn đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện. Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cần sớm ban hành Quy hoạch điện VIII.

Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài – Ảnh: Baochinhphu.vn

Ghi nhận quyết tâm mở rộng đầu tư, phát triển lâu dài ở Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường.

Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; Thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD. Đó là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; Tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; Xây dựng môi trường – chính sách ổn định, có tính dự báo cao, bảo đảm thực thi minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phươn tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần cầu thị, trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư bao gồm các vấn đề tiếp cận vốn tín dụng, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, đất đai, thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, khí thải…

Ông cho rằng, với tinh thần đoàn kết, sẻ chia, chung tay, cộng đồng  doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục quyết liệt hành động và đạt được nhiều thành công. Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới