Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Thanh lý’… thần tượng!

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ câu chuyện của một cô bé sinh viên năm thứ nhất, ngẫm thấy nhiều điều thú vị về model “đu Idol” hiện nay.

Năm năm trước, cô bé ấy là học sinh năm cuối bậc trung học cơ sở. Khi ấy, nhóm nhạc nam W. gồm 5 thành viên của xứ kim chi chính là thần tượng của cô.

Một lần nọ, nhóm W. đến TPHCM biểu diễn. Bằng tất cả vốn liếng hiểu biết tích lũy được, cô bé qua được vòng tuyển lựa của công ty tổ chức sự kiện để được nằm trong danh sách fan đi đón thần tượng ở sân bay.

Bốn giờ chiều, fan tập họp nhận banner, hoa, mũ, áo… và đến sân bay vào lúc 5 giờ rưỡi. Đứng đợi rã cả chân, trông nhừ cả mắt, mãi đến 10 giờ rưỡi tối nhóm W. mới xuống sân bay. Nhưng trong một vòng vây bảo vệ, họ đã rất vội vàng bước lên xe và đi thẳng.

Thất vọng vì không chụp được một bức ảnh, hôm sau, cô bé đập heo đất, xin phụ huynh thêm tiền và tìm cách mua được chiếc vé xem buổi biểu diễn cuối của nhóm W. Bức ảnh hiếm hoi chụp được tối hôm ấy bằng tất cả sự cố gắng đã khiến cô bé vui đến hết mùa hè chớm vừa thiếu nữ.

Giờ đây, sau nhiều năm “ôm ấp” idol thuở ấy, cô bé ngày xưa nay đã trưởng thành và xoay qua chọn nhóm nhạc khác làm thần tượng. Có lẽ bởi sự chín chắn dần lên qua thời gian, suy nghĩ hôm nay của cô phù hợp hơn với lời nhạc và phong cách của idol hiện tại. Một ngày mùa hè, cô quyết định “thanh lý” thần tượng cũ là nhóm W. ngày ấy. Cô soạn ra mấy hộp carton chứa đủ thứ: album, hình ảnh, móc khóa còn mới và linh tinh phụ kiện liên quan đến nhóm W., chụp ảnh và rao lên mạng bán lại. Hiện vẫn tiếp tục có một lớp đàn em đang “đu W.”, nên cô cũng lai rai thu lại được tiền uống… trà sữa!

Tôi theo dõi câu chuyện của cô bé này một cách thú vị, rồi ngẫm ngợi, liên tưởng đến bộ phim vừa xem về công nghệ giải trí của một nước châu Á. Trong bộ phim ấy có một đoạn thoại của hai nhân vật đang làm ở một công ty chuyên tổ chức sự kiện. Họ nói để “chăm nuôi” một nhân tố từ lúc người đó chưa được biết mặt biết tên cho đến khi trở thành ngôi sao, nhà quản lý “bảo bọc” mọi thứ. Rồi khi ngôi sao đã thu hút được một lượng lớn fan, nhà quản lý độc quyền có thể thu về 60% doanh số từ việc kinh doanh hình ảnh của ngôi sao ấy, ngoài việc bán vé các buổi biểu diễn.

Việc quảng bá hình ảnh các ngôi sao nghệ thuật và nâng tầm để ngôi sao ấy trở thành “thương hiệu” của một công ty, một tập đoàn không phải chuyện gì mới mẻ. Vấn đề ở chỗ một khi “thương mại hóa” quá đà, khi mà yếu tố kinh doanh được khai thác tối đa thì chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy, ảnh hưởng đến hình ảnh của thần tượng trong mắt fan. Tỷ như khi ca sĩ quá mệt mỏi với các vòng lưu diễn, phải hát nhép hoặc đặt lời nhạc quảng bá thời trang hơi bị… “phô”.

Idol là niềm mơ ước, hướng đến với cảm thức, tâm lý và tình yêu của giới trẻ ở bất cứ thời nào và bất cứ đâu. Idol có thể là một ca sĩ, nhạc sĩ, nhóm nhạc hay diễn viên điện ảnh… Tính định hướng từ họ nhiều khi tạo ra cơ hội bộc lộ cảm xúc cho người trẻ trong cộng đồng, nên việc người trẻ xác định một thần tượng cho riêng mình để yêu quý là rất quan trọng.

Câu chuyện của cô bé nêu ở đầu bài viết cũng có thể là chuyện của không ít người. Khi một quãng thời gian qua đi, khi tầm nhận thức đã khác, thần tượng thuở xưa không còn phù hợp, hoặc khi việc hành xử của thần tượng khiếm khuyết ở điểm nào đó khiến fan thất vọng thì sẽ dẫn tới “dấu chấm hết cho một cuộc tình” giữa fan và idol.

Bởi vậy, khi được hỏi vì sao lại đem bán hết kỷ vật của nhóm nhạc ngày ấy vốn rất yêu chuộng, cô bé chỉ lẳng lặng quay đi mà không trả lời. Có lẽ cô đã “thanh lý” hình ảnh thần tượng một thời, ngay tự trong tâm khảm!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới