Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thành phố New York như tôi biết

Vũ Quang Việt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(XUÂN KTSG) – Tôi đã sống ở thành phố New York từ năm 1973 đến nay, tức là 48 năm, so với 6 năm thời trẻ con ở Thái Bình và 12 năm ở Sài Gòn, thì đúng là phải coi thành phố New York là quê hương mình. Mà càng ngày càng cảm thấy thế thật. Mỗi lần đi xa về, nhìn thấy đường phố gần gũi là thấy mình về nhà.

Số làn đường cho xe hơi chạy bị giảm xuống, tạo không gian cho khách bộ hành ngồi nghỉ.

Về một thành phố xanh

Trước kia ngại đi bộ, mỗi lần đi đâu là leo lên xe điện ngầm nên không cảm thấy gần gũi với những con đường, những góc phố. Nhưng từ ngày về hưu, đi xe đạp và đi bộ thường xuyên nên không gian quen thuộc đã cho phép cảm nhận rõ rệt những gì còn lại và những gì đã biến chuyển trong gần 50 năm qua. Điều thay đổi rõ nhất là ngày càng thấy nhiều công viên được xây lên, đường phố cho xe hơi đi bị làm hẹp lại, dành chỗ để các chậu cây cảnh và chỗ ngồi cho khách đi bộ.

Toàn bộ khu dọc phía Đông bên sông Hudson đã trở thành công viên cây xanh, có đường đi xe đạp và đường chạy bộ, kéo dài từ phía Bắc đầu đảo Manhattan nơi vẫn còn giữ khu rừng khá nguyên thủy trên núi cao nhìn xuống dòng sông phía dưới.

Con đường dọc bờ sông có chiều dài khoảng 15 mile (25 ki lô mét), mất một tiếng rưỡi nếu đạp xe đạp từ tốn. Bắc đảo có khu Cloisters là tu viện thời Trung cổ được Rockeffler mua từ bên châu Âu đem về sắp lại. Chung quanh và phía Bắc còn tìm thấy khu rừng nguyên thủy và từ trên đỉnh cao có thể nhìn sang bang New Jersey đầy cây xanh.

Hiện nay New York có 77.580 mẫu Anh (acres) cây xanh, chiếm 37,8% với 205.000 mẫu diện tích cả thành phố. Đó là tính cả những vùng gần biển, ngập mặn, được giữ nhằm bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là khu Đảo quận Staten Island, mà có lúc thành phố định cho phép phá đi xây dựng khu dân cư.

New York có đến 30.000 mẫu công viên, chiếm 14% diện tích thuộc quyền quản lý của thành phố và/hoặc giao cho các tổ chức phi vụ lợi quản lý. Như vậy là rất lớn, diện tích công viên gấp 3 lần so với thành phố Chicago với 8.800 mẫu, và 5 lần so với thành phố San Franciscos với 5.810 mẫu. Phía Bắc khu rừng nguyên sơ vẫn được bảo tồn.

Hình ảnh về công viên xây trên đường tàu điện cũ.

Điều này thật ra không còn ngạc nhiên với nhiều người, khi so với trước đây, thành phố New York chỉ có nhà cao tầng, khu vực Harlem ổ chuột, nhà cháy trụi, ít ai dám tới.

Phải nói mới đây nhiều công viên mới được xây dựng phía Tây của Manhattan là do các tổ chức phi vụ lợi gây quỹ xây dựng và bảo trì, mà chính quyền địa phương không phải tốn một xu.

Điển hình là việc biến đường xe lửa trước đây được dùng để chuyển hàng thịt và hoa quả vào thành phố, thay vì bị phá đi, đã được dân khu vực, nhất là giới nghệ sĩ gây quỹ, biến thành công viên, The Highline (Đường trên cao), hàng ngày thu hút rất nhiều dân thành phố và du khách.

Công viên xe lửa này trước đây chấm dứt ở khu chứa hàng hóa, giờ chấm dứt ở bảo tàng nghệ thuật mới xây là Whitney Musuem. Phía dọc bờ sông trước đây là bến tàu đã biến thành công viên kéo dài đến tận đỉnh phía Bắc của đảo Manhatan.

Chỉ hơn 20 năm trước, ít ai dám đi qua khu này về ban đêm, vì đường tối, và hoạt động mại dâm. Bây giờ những kho chứa hàng đã biến thành phòng tranh tư nhân hoặc bị đập đi xây nhà mới, đắt tiền, nhưng nhà cao hơn một mức nào đó và được hưởng thuế suất thấp phải dành ít nhất 20% diện tích cho người nghèo thuê với tiền thuê không được phép hơn 30% thu nhập của họ.

Đây là biện pháp nhằm giảm chi đầu tư từ ngân sách để xây dựng nhà ở do chính phủ sở hữu. Ngay cả khu phía Đông, dọc theo bờ sông Đông từ trụ sở Liên hiệp quốc xuống phía Nam và vòng về bờ sông Hudson phía Tây cũng đều là công viên, và nơi chơi thể thao cho mọi người, và hiện nay đang trong giai đoạn đại chỉnh trang.

Gần như có thể đi xe đạp hoặc chạy bộ chung quanh đảo mà không phải dừng chờ qua đường trừ phía Đông từ trụ sở Liên hiệp quốc đi lên mạn Bắc, phần lớn phải qua đường phố nhưng trên lối đi dành riêng cho xe đạp.

Bây giờ không phải chỉ tìm thấy bồ câu và sóc, mà có thể tìm lại 220 giống chim. Bờ sông và hồ trong công viên thường xuyên thấy cò và chim ưng biển, chính tôi cũng đã chụp được trong Central Park, công viên lớn nhất giữa đảo Manhattan rộng tới 843 mẫu và bằng khoảng 6% diện tích quận Manhattan.

Trong công viên, dâu xanh (blueberry) xuất hiện đã thu hút bướm dâu xanh. Rồi chồn (mink), linh miêu (bobcat), diều hâu đuôi đỏ cũng tìm đường về. Có lần tôi thấy cả diều hâu trong công viên gần ngay nhà, chỉ cách 5 phút đi bộ, mùa hè thì thấy vô kể đom đóm lập lòe ban đêm.

Thú vật hoang dã trở lại vì chính sách cấm dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, và chương trình gần 10 năm tính từ năm 2009 nhằm rửa sạch chất hóa học PCB do Công ty General Electrisc thải ra sông Hudson. Lươn, hàu hoang dã lớn, ngựa biển nhỏ đã trở về với sông.

Phải đến năm 2016 Bộ Y tế bang mới ra khuyến cáo về việc ăn cá bắt trên sông nhưng tùy nơi bắt, chỉ người lớn và phụ nữ không mang thai mới nên ăn, và chỉ ăn một vài loại một tháng một lần, còn lươn thì không nên ăn.

Cũng chính việc xanh hóa thành phố, xóa bỏ tàn tích của thời công nghiệp và chuyển hoàn toàn sang dịch vụ, các bến cảng trong thành phố đã chuyển thành công viên, khu vực chứa hàng rộng không còn được sử dụng đã được tư nhân chuyển thành các phòng tranh có sức chứa các bức tranh và tượng lớn. Khu Soho nổi tiếng trở nên đắt đỏ, các nghệ sĩ với studio vài chục phòng tranh đã chuyển tới Chelsea, rồi mới đây lại hơn 40 phòng tranh chuyển tới Tribeca.

Các cháu nội của tôi đang chơi đùa trong vườn nhà.

Thời thị trưởng Bloomberg (ba nhiệm kỳ 2002-2013), có lẽ là một trong những thời vàng son nhất của thành phố, ông ta đã tập trung phát triển các khu công viên dọc theo sông không chỉ ở quận đảo Manhattan mà còn ở cả quận Brooklyn. Nhiều nơi ông giao cho các tổ chức phi vụ lợi gây quỹ phát triển mà không dựa vào thuế nhà nước kể cả chi phí bảo trì.

Đối với người dân New York, nhiều người còn tỏ ra hãnh diện hơn nếu là dân quận Brooklyn. Quận này trước đây có tên là Breuckelen do Hà Lan lập và bị Anh chiếm năm 1664. Trước đây Brooklyn là thành phố riêng, độc lập với New Amsterdam và sau này Anh đổi tên thành New York khi chiếm đóng năm 1653.

Thành phố New York lúc đầu chỉ có 2 quận là Manhattan và Queens. Brooklyn là một thành phố độc lập cạnh biển, nên có khu trung tâm hành chính và thương mại, có nhà hát giao hưởng và kịch nghệ, bảo tàng nghệ thuật riêng, và có một công viên lớn với thảo cầm viên, vườn Nhật, không kém mấy công viên Central Park ở Manhattan.

Trước đây Brooklyn và New York được gọi là thành phố anh em. Mãi đến năm 1898 Brooklyn mới quyết định xin sát nhập vào thành phố New York. Ở đây, và với trẻ nhỏ thì rất lý thú, vì chỉ cần đi ngang dọc khoảng 10 phút là có thể tìm thấy vườn chơi cho trẻ em. Tôi đã từng hàng ngày coi cháu dẫn chúng đi chơi công viên, ngồi tán chuyện thoải mái với các ông bà da màu. Công viên như thế này ở Brooklyn có thể tìm thấy khắp nơi.

West Side Highway (xa lộ phía Tây) xây xong khoảng năm 1940, và đến năm 1973 phần phía Nam sụp. Thời Tổng thống Reagan chính phủ liên bang đã có kế hoạch chi 2,1 tỉ đô la để xây lại xa lộ sáu làn xe, nhưng các nghiên cứu của Bộ Môi trường cho thấy để xây cần lấp một phần bờ sông do đó ảnh hưởng tới môi trường và chỗ ở của cá nên đề nghị đổi xa lộ lấy tàu điện ngầm.

Cuối cùng vào năm 1985, do dân chống đối, dự án xây dựng xa lộ bị hủy. Công viên xanh xây trên đường xe lửa, công viên mới do tư nhân xây dựng năm 2020 bên bờ sông và họ được hưởng quyền sử dụng mở nhà hàng trên một khu bến tàu cũ.

Đây là lý do thời thị trưởng Bloomberg tập trung xanh hóa thành phố và có lẽ vì thế không ít giới cổ vũ cho tư tưởng xã hội quá cấp tiến phê bình rằng chính sách kiểu này chỉ nhằm phục vụ cho người giàu và người trung lưu.

Nhưng thực tế, chính sách cũng đã không quên khuyến khích tăng chỗ ở cho người có thu nhập thấp, như việc đòi hỏi các nhà cao tầng, xây vượt mức trung bình và nhất là xây trên đất thuê dài lâu (50-100 năm) của thành phố phải dành 20% chỗ cho người có thu nhập thấp và tiền cho thuê không được phép tính quá 30% thu nhập của họ.

Tôi thấy đây là chính sách rất hay vì nơi ở trở nên khu hòa đồng giữa người giàu và người nghèo, giữa những người khác màu da, ở cùng một nơi và con cái học cùng trường và do đó không còn cảnh cô lập những người nghèo và da màu vào một số địa điểm để trước đây những khu này nhanh chóng trở thành khu ổ chuột như Harlem hay nhiều khu khác ở quận Bronx, và trẻ con tụ tập, nhanh chóng học điều xấu của nhau khi bố mẹ phải lo chạy kiếm tiền, không có thì giờ lo cho con cái.

Một bà bạn quen, từng làm trong quân đội Mỹ, lương không bao nhiêu, được thuê một căn hộ nhỏ trong một tòa nhà sang trọng và chỉ trả 500 đô la mỗi tháng so với giá thị trường trên 2.000 đô la.

Vấn đề người vô gia cư

Tuy thế, cũng cần phải nói thành phố New York này không phải là thiên đường. Mà rõ ràng là thế. Không thể che lấp đi. Ai đã từng sống ở New York đều thấy phải cảnh giác khi đi đường, nhất là các con đường có nhiều người vô gia cư nghiện hút hoặc tâm thần vì có thể bị dí dao xin đểu.

Với dân số 8 triệu người, thông tin không chính thức từ tổ chức từ thiện cho thấy ở thời điểm tháng 8-2021 có khoảng 48.000 người, trong đó 15.000 là trẻ em không nhà ở New York và 18.000 là người lớn đơn thân, ngủ tại các cơ sở dành cho họ do thành phố tổ chức; trong số này 57% là người da đen, 32% là người gốc Hispanic, 7% da trắng và 1% là gốc Á.

Tại sao lại trở thành vô gia cư? Đối với gia đình vô gia cư, có thể vì họ không còn đủ thu nhập để trả tiền thuê nhà do mất việc, hoặc bị hành hung, xung đột trong gia đình nên phải ra đường. Đó là chưa kể không ít người tới thành phố kiếm việc nhưng không có việc làm, và những người tới để ăn xin.

Theo luật, kể từ năm 1980 chính quyền thành phố New York phải cung cấp cho người vô gia cư nơi tạm trú, có thể là khu tạm trú công cộng do thành phố và các tổ chức phi vụ lợi tổ chức, cho đến khi thành phố kiếm được nơi ở thường trực cho họ. Vì không đủ chỗ chính quyền phải đưa họ vào ở hotel tốn mỗi ngày có thể đến 200 đô la. Biện pháp tốt nhất là xây thêm nhà cho người thu nhập thấp. Việc tăng số phòng ở tạm thời chỉ là giải pháp tạm bợ.

Tuy nhiên chính sách thời Ronald Reagan cắt giảm trợ cấp xã hội và giảm thuế đã tạo ra rất nhiều vấn đề xã hội mà kinh tế cũng vẫn phát triển ỳ ạch không như ông ta tiên đoán. Số phòng cho người đơn thân thuê của chính phủ ở thành phố đã giảm từ 129.000 đơn vị năm 1960 xuống còn 25.000 năm 1979.

Chính sách vì người nghèo?

Để có thêm chỗ ở, thành phố đã ra chính sách kiểm soát giá tiền thuê nhà, làm như đó là chính sách “vì người nghèo”. Nhưng kiểm soát giá đưa đến giảm cung. Do chủ nhà không được phép tăng tiền thuê nhà, và tiền thuế ngày càng tăng đã đưa tới tình trạng phá sản, chủ nhà không đủ tiền trả thuế, đành tuyên bố phá sản, vất nhà cho chính phủ sở hữu.

Chính phủ cũng không đủ tiền sửa chữa nên phải bỏ hoang và chúng trở thành nơi cư trú của tội phạm. Nhiều khu phố ở Harlem đã trở thành chỗ không người. Dân nghiện ngập buôn thuốc kéo tới, rồi đốt cháy, hoặc phá tan hoang, tới mức thành phố phải đập đi.

Thời đó, rất nhiều khu ở Harlem, cả khu ngay cạnh Đại học Columbia lừng danh và con đường phía Tây ngay cạnh công viên Central Park lừng danh cũng trở thành nơi tan hoang như sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Nhiều khu ở quận Bronx của thành phố bên kia sông cũng không khác gì.

Người vô gia cư đơn thân thường không chịu vào nơi tạm trú nên nằm ngủ khắp nơi. Những người này phần lớn là nghiện ngập, xin đểu. Thời 1980 tôi rất ngại đi trên đường phố. Lúc nào cũng ngó trước ngó sau đề phòng vì đám xin đểu có thể dí dao đòi tiền. Và tôi cũng đã từng bị thế.

Những năm 1990, thành phố đã đi đến quyết định cho không các căn hộ bị bỏ hoang do chủ phá sản không trả được thuế, nói ở trên, cho bất cứ ai muốn nhận, với điều kiện là phải tự sửa chữa và ở đó ít nhất 10 năm trước khi được chính thức sở hữu. Mấy người bạn rủ nhau nhận và họ sửa, có rủ tôi, nhưng tôi lắc đầu vì đó là thời còn là sinh viên chưa nghĩ nhiều về tương lai.

Ngày nay, những khu này, kể cả Harlem, cũng đã khác vì các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở, kể cả cho không như nói trên. Harlem đã có rất nhiều căn nhà hai ba tầng nhiều triệu đô la, một căn hộ 2 phòng ngủ cũng trên nửa triệu.

Nhưng dù thành phố có chỗ cho người vô gia cư, liệu cảnh sát có thể bắt những người ngủ ngoài đường đưa vào khu tạm trú cho người vô gia cư không? Câu trả lời là không.

Năm 2016, Thống đốc bang New York, vì thời tiết quá lạnh, đã ra quyết định đưa những người ngủ ngoài đường vào nơi tạm trú. Hội Luật sư quốc gia (National Lawyer Guild) thuộc thành phần cấp tiến đã kiện chống lại trên cơ sở là chính quyền vi phạm quyền tự do chọn lựa của người dân và hội này đã thắng.

Dân vô gia cư có thể ngồi ở công viên mà cảnh sát cũng không được quyền làm gì, chỉ trừ khi họ nằm xuống ngủ thì cảnh sát mới có quyền đánh thức bắt họ ngồi dậy vì không thể lấy chỗ công cộng làm nhà.

Theo luật, không ai được phép ngủ ở nơi công cộng, lấy đất công làm nhà nhưng rồi cũng không có biện pháp để thực hiện. Đưa ra tòa thì rách việc, mất sức, nên lờ là tối ưu. Khi bị dân địa phương than quá thì đưa cảnh sát tới đuổi. Cách hiểu này đã thành luật ở mọi nơi trên nước Mỹ.

Đổi thay thành phố nhiều nhất là thời Bloomberg với các quyết định quan trọng như xanh hóa thành phố, mở đường cho xe đạp khắp nơi, và thay vì xây thêm đường tạo mọi thuận lợi cho người đi xe hơi, thì gây khó khăn cho họ khi lái xe vào thành phố.

Giải quyết vấn đề thiếu chỗ ở, vấn đề người vô gia cư vẫn là câu chuyện nhức nhối không chỉ ở New York mà còn ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Thời Thị trưởng Koch, năm 1986 New York thực hiện chương trình đầu tư 5,1 tỉ đô la trong 10 năm xây nhà cho người nghèo, xây thêm được 150.000 căn hộ cho thuê với giá thấp và 15.000 căn cho người vô gia cư ở tạm cho đến khi được sắp đặt chỗ ở vĩnh viễn.

Số người vô gia cư giảm hẳn vào những năm 1990. Thời Bloomberg làm thị trưởng cũng quyết định chương trình 10 năm xây 165.000 căn hộ, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Số người vô gia cư vẫn tăng.

Kết luận

Đó là câu chuyện của tôi về một thành phố tư bản chủ nghĩa được tiếng là có văn hóa, cấp tiến xây dựng trên các bộ óc thuần lý. Quả là khó tin, nhưng có thật. Nhưng dù vẫn phải sống cảnh giác với an ninh, tôi vẫn ngày càng cảm thấy rằng đó là thành phố của tôi và của con cháu tôi.

Một xã hội dựa rất nhiều vào các hoạt động phi vụ lợi của đại học đã giúp những người như tôi có cơ hội đi học mà không một xu dính túi. Và tôi mong rằng con cháu tôi rồi sẽ lớn lên ở một thành phố không chỉ đẹp, có văn hóa, an ninh mà còn vì quyền bình đẳng và quyền sống đàng hoàng ở một thành phố xứng đáng gọi là văn minh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới