Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thay đổi tư duy chống ngập

KS. Trần Văn Tường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - TPHCM đã chi số tiền rất lớn để chống ngập, cải tạo và nâng cao mặt đường, hàng loạt dự án đã được triển khai nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng, bởi tình trạng ngập ngày càng nặng nề.

Mỗi năm cơ quan chức năng lại thống kê một số điểm ngập để giải quyết. Theo thống kê mới đây của Sở Xây dựng, tính đến năm 2023 còn 18 điểm ngập, trong đó có 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa, gồm Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm), Hồ Học Lãm, quốc lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.

Và năm tuyến đường trục chính ngập do triều cường, gồm Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích và quốc lộ 50. Sở cũng cho biết đang tiếp tục triển khai các dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu), Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt)... để xóa dần điểm ngập.

Đường Trần Xuân Soạn bị ngập do triều cường. Ảnh: N.K

Thiết nghĩ, thống kê nên được xem như một “bức tranh” làm cơ sở đối chiếu, so sánh cách làm nào tốt hơn, phục vụ chỉ đạo và điều hành. Đây còn là công cụ quản lý vĩ mô rất quan trọng nếu được cung cấp các thông tin trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời sẽ giúp cấp thẩm quyền trong việc đánh giá đúng, hoạch định chiến lược phù hợp, hình thành các giải pháp đáp ứng nhu cầu.

Ngược lại sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường, không phản ánh được những bất cập để kịp thời khắc phục. Từ đó, cơ quan quản lý cứ nâng đường chống ngập, nhà dân lại nâng cao hơn, chưa giải quyết xong điểm ngập cũ đã phát sinh điểm ngập mới, cứ thế xoay vòng.

Dòng chảy bị thu hẹp, phân cấp quản lý không hợp lý

TPHCM có điều kiện thoát nước theo độ dốc so với mặt nước biển, cửa sông. Cao nhất là 12 mét tại khu vực quận Gò Vấp rồi thấp dần từ 9 mét xuống 6 mét tại Gia Định, Tân Sơn Nhất và khu vực Sài Gòn cũ. Hầu hết nội thành cũng có độ cao trên 3 mét. Các khu vực thấp nhất cũng có độ cao 1 mét. Thuận lợi hơn nữa có sông Sài Gòn len lỏi trong lòng đô thị cùng hệ thống rạch chằng chịt với các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật… Có đến 111 tuyến sông, rạch với tổng chiều dài khoảng 1.000 ki lô mét mang chức năng giao thông thủy.

Ngập do mưa cho thấy thiếu cân bằng nước, giảm tỷ lệ thấm hút trực tiếp đã làm tăng hệ số dòng chảy, trong khi hệ thống hiện hữu không đủ khả năng tiêu thoát. Quá trình đô thị hóa mất kiểm soát đã làm thay đổi toàn bộ bề mặt lưu vực, giảm khả năng thấm hút nước. Đấu nối kéo dài cống một cách tùy tiện là sai lầm lớn, làm tiền đề cho việc dẫn nước về gây quá tải. Một vị trí bị tắc, nghẽn cục bộ cũng có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ mạng lưới thoát nước chung.

Các khu dân cư với dự án bất động sản trở thành con đê chắn ngang chặn dòng chảy thoát nước tự nhiên, như khu vực phường Hiệp Bình Chánh và đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức) bị ngập nặng trong khi mực nước sông Sài Gòn gần đó lại thấp. Hay đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) ngập lút bánh xe do nước không thoát được ra rạch Xuyên Tâm. Đất trống, hoa màu vốn từng được cảnh báo là không gian thoát nước, không được phá bỏ nhưng cũng đã bị san lấp, các vùng ven với hệ thống ao hồ cũng chịu chung số phận trở thành nơi xây cất công trình.

Quy hoạch và xây dựng do cơ quan chức năng phê duyệt, quản lý, kiểm tra, cấp phép, kể cả khâu xử lý vi phạm. Không có trong quy hoạch thì không một dự án bất động sản nào được san lấp rạch để phân lô, bán nền. Không có dự án nào triển khai thực hiện được nếu thiếu phê duyệt và cấp phép từ các cơ quan chức năng, quận, huyện quản lý địa bàn.

Đáng chú ý trong phân cấp quản lý cống thoát nước thành phố có tổng chiều dài gần 4.627 ki lô mét, thì Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật quản lý cống cấp 2, cấp 3 các loại dài 1.919 ki lô mét cùng 90.571 hầm ga, 1.274 cửa xả. UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện quản lý cống cấp 4 dài khoảng 2.707 ki lô mét cùng các hẻm với 146.638 hầm ga. Điều này vô tình chia tách cục bộ từng đoạn, mỗi khi xảy ra sự cố hay có nhu cầu cải tạo thì mạnh ai nấy làm. Nếu lấy ý kiến các bên để cải tạo cũng mất nhiều thời gian và khó xác định trách nhiệm.

Chẳng hạn trong cùng khu vực, phía cung đoạn này được quản lý tốt nhưng phía còn lại để xảy ra tắc nghẽn dòng chảy, ngập nước thì cả hai đều chịu ảnh hưởng chung mà không phân định được trách nhiệm thuộc về ai. Phân cấp quản lý cắt khúc còn hạn chế khai thác phát huy tối đa chức năng các sông, kênh, rạch. Phối hợp chưa tốt khiến cấu trúc hệ thống cống ngày càng chồng chéo, thiếu hỗ trợ cho nhau, mưa lớn nước tràn trên các mặt đường lân cận dồn từ cao về thấp.

Cần giải pháp toàn diện

Chống ngập cho cả khu vực, không chỉ trên một tuyến đường. Xác định được phạm vi và nguyên nhân, đảm bảo nguyên lý cân bằng nước, dẫn dòng chứ đừng nâng nền. Như với tình trạng ngập nước khu vực chợ Thủ Đức, bên cạnh việc khơi thông cống thì dẫn dòng ra sông Sài Gòn đồng thời hạn chế nước mưa dồn về bằng cách phân thủy trên các tuyến đường lân cận Kha Vạn Cân ra suối Linh Tây, Phạm Văn Đồng ra rạch Gò Dưa. Ngập nước đường Chu Văn An thì thông cống, dẫn dòng ra rạch Xuyên Tâm. Tương tự các nơi khác.

Công tác quản lý nên có sự đồng bộ, thống nhất trong một tổng thể. Thay vì phân cấp theo kích thước lớn nhỏ cống hãy tập trung về cho một đơn vị làm đầu mối phối hợp trong khu vực đó, chịu trách nhiệm, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo công việc. Công trình xây dựng không cản trở hướng thoát nước, rà soát khôi phục dòng chảy tự nhiên.

Thông tin và cảnh báo. Thông tin về chiều hướng ngập, các hướng dòng chảy xiết, cảnh báo những sự cố có thể xảy ra, những nguyên tắc đối phó để giúp người dân chuyển từ thế bị động sang chủ động phòng ngừa rủi ro, lập kế hoạch xây dựng nhà ở và khu dân cư cho phù hợp. Phổ biến kiến thức cộng đồng góp phần chống ngập, không vứt rác bừa bãi, đổ chất thải xuống cống, bít cửa thu nước, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thiết lập bản đồ chống ngập, đề án nghiên cứu để tạo điều kiện cho cộng đồng, cư dân bị ảnh hưởng cùng tham gia tiến trình lựa chọn giải pháp giúp cơ quan chức năng cập nhật đầy đủ thông tin và có cái nhìn tổng thể, thực trạng khu vực, điều kiện sinh sống, nhu cầu căn bản, những khó khăn gặp phải. Mỗi dự án triển khai phải tổ chức hội nghị lấy ý kiến địa phương, chuyên đề thảo luận sâu hơn, tóm tắt và đưa ra kết luận. Điều này còn giúp hạn chế các trở ngại, mâu thuẫn, phản ánh trong quá trình thực hiện.

Bảo vệ hệ thống sông, kênh rạch; tạo vùng thấm hút nước. Có chiến lược lâu dài, xem thảm họa ngập nước đô thị như vấn đề thiết yếu trong phát triển. Lồng ghép trong quy hoạch, chính sách các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp các quy định bảo vệ hệ thống sông, kênh, rạch và vùng trũng thoát nước. Chuyển hạ tầng này thành mạng lưới đường thủy kết hợp hoạt động giải trí, không gian tiếp giáp giữa nước và đất vừa phục vụ các dịch vụ phù hợp phát triển kinh tế, cải tạo môi trường.

TPHCM chuẩn bị chuyển đất nông nghiệp thành đất ở, công nghiệp, dịch vụ có thể cân nhắc dành ra một phần vùng ven tạo công viên thủy lực, thoát nước vừa làm “vành đai xanh” cân bằng sinh thái, dự trữ đất cho thế hệ sau.

Kinh nghiệm các đô thị lớn trên thế giới đều dành ra một số khu vực vùng ven, vùng trũng để thấm hút và chứa nước. Seoul có dân số hơn 20 triệu người, giá đất đắt đỏ nhưng chính quyền vẫn dành vùng đất rộng hơn 100 ki lô mét vuông để bảo tồn theo dạng nguyên thủy, chống ngập, trồng cây, điều tiết khí hậu.

2 BÌNH LUẬN

  1. Những năm 80, nhà tôi ở bên cạnh kênh Nhiêu Lộc, mỗi lần mưa lớn, ở trên đường không ngập nhưng kênh nước tràn bờ. Nhưng bây giờ đường thì ngập nửa mét nhưng kênh gần đó cạn queo. Lý do chủ yếu là các cống thoát nước đã cũ và do rác đóng trong lòng cống, miệng cống quá nhiều.
    Bây giờ nếu thi công hệ thống cống mới thì tốn kinh phí khổng lồ và có thể mất rất nhiều năm để hoàn thành. Tạm thời có hai cách vừa nhanh vừa ít tốn kinh phí, ở vài đường bây giờ có nắp cống kiểu mới làm bằng song sắt to đan xen với nhau, đường Đỗ Thị Lời, Trần Văn Đang có nắp cống này nước thoát rất nhanh. Đường Tô Hiến Thành gần khúc Thành Thái có các nắp cống này nước thoát rất nhanh, còn đoạn trước trường Đại học Bách khoa không có các nắp cống này thì mưa lớn là ngập mênh mông.
    Cách thứ hai là làm một hệ thống kênh mini trên lòng đường, chạy sát lề đường, trên có lót vĩ sắt đục lỗ để xe chạy, bề ngang kênh mini rộng ba tấc, sâu bốn tấc dẫn nước ra kênh,sông hoặc ra đường cống chính. Người ta đã chứng minh rằng tốc độ dòng chảy của kênh nhanh gấp mấy lần tốc độ dòng chảy của cống.

  2. Cần 1 giải pháp tổng thể đồng bộ hạn chế nước ngập cục bộ: 1/ Khoanh vùng ngập, đánh giá thực tế, xác định đúng nguyên nhân thì mới có giải pháp căn cơ cho từng khu vực. 2/ Xử lý ngay tình trạng san lấp, lấn rạch. 3/ Nạo vét cống, mở rộng cửa hố ga. 4/ Nếu không thoát được ra sông kênh rạch thì xây dựng hồ điều tiết, tạo vùng trũng chứa nước mưa để thấm xuống đất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới