Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

The Economist dự báo GDP Việt Nam 2009 tăng 0,3%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

The Economist dự báo GDP Việt Nam 2009 tăng 0,3%

(TBKTSG Online) – Tạp chí The Economist hôm 16-3 đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2009 chỉ là 0,3%. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phải là 6,5%.   

“Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2009 chỉ là 0,3%”, ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách Corporate Network khu vực Đông Nam Á tại cơ quan thẩm định Economist Intelligence Unit (EIU), đồng chủ tịch tại hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại 2009 (diễn ra trong hai ngày 17 và 18-3-2009) đã đưa ra nhận định trên tại cuộc họp báo về hội nghị hôm 16-3 ở Hà Nội.

Corporate Network là mạng lưới kết nối các nhà lãnh đạo cấp cao của các công ty đa quốc gia hoạt động ở châu Á thuộc Economist Intelligence Unit (EIU).

Đề cập đến yếu tố tại sạo đưa ra nhận định này, ông Wood nói: “Vì chúng tôi chủ yếu dự báo dựa trên những yếu tố bên ngoài Việt Nam”.

Theo chuyên gia này, các giá trị xuất khẩu ở châu Á sẽ giảm mạnh mà tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đã giảm tới 40%. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật đã giảm tới 60%.

Đầu tư cũng giảm mạnh. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ giảm tới 70%. Lượng kiều hối 8 tỉ đô la Mỹ năm ngoái (chiếm 9% GDP) năm nay cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Ngành ngân hàng và thị trường tín dụng bị ảnh hưởng nặng, cho vay của ngân hàng kém đi nhiều. Giá bất động sản giảm mạnh, ảnh hưởng đến niềm tin của nhiều người. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ dưới 4,7% năm ngoái lên hơn 8,2% năm nay.

“Chính phủ cũng có nhiều biện pháp như đưa ra gói kích cầu, song rất khó để phân biệt các khoản chi tiêu mới và những khoản cũ. Theo chúng tôi, khoản chi tiêu mới sẽ vào khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ. Thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm nay sẽ nặng hơn. Nguồn thu từ xuất khẩu dầu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, phần nào ngân sách sẽ được bù đắp bằng mức cam kết ODA rất cao của cộng đồng tài trợ cuối năm ngoái”, ông Wood nhận xét.

Ông Wood cũng đưa ra dự báo rằng tiền đồng sẽ giảm khoảng 9% so với đô la Mỹ trong năm nay. “Thường khi giảm giá tiền đồng sẽ kích thích xuất khẩu nhưng vì các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều giảm nên chưa rõ việc giảm giá tiền đồng sẽ kích thích cho xuất khẩu bao nhiêu”, ông nói.

Về môi trường kinh doanh, việc Việt Nam vừa bị tụt hạng từ thứ 87 xuống 92 trên thế giới về các điều kiện thuận lợi trong kinh doanh năm 2009 (xếp hạng của Ngân hàng Thế giới), mà dịch vụ thuế là một trong những dịch vụ tụt hậu nhất, khiến cách nhìn về Việt Nam bị xấu đi.

Về môi trường kinh doanh, việc Việt Nam vừa bị tụt hạng từ thứ 87 xuống 92 trên thế giới về các điều kiện thuận lợi trong kinh doanh năm 2009 (xếp hạng của Ngân hàng Thế giới), mà dịch vụ thuế là một trong những dịch vụ tụt hậu nhất, khiến cách nhìn về Việt Nam bị xấu đi. Nạn tham nhũng cũng là vấn đề mà ông Wood đưa ra như một hòn đá tảng.

Các vấn đề chính được ông Wood đưa ra ở đây còn là sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự kiểm soát lạm phát, các dòng tiền tệ và các hành động hỗ trợ để phát triển hơn ngành tài chính. “Chính phủ cần cam kết cải cách mạnh hơn nữa”, ông nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những thách thức như các vấn đề đối với thị trường lao động, tăng cường khả năng công nghệ và sáng tạo trong nền kinh tế, hạ tầng cơ sở, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và cuối cùng là sự ổn định chính trị và công bằng trong tăng trưởng.

Phân tích thêm về con số tăng trưởng kinh tế, ông Wood nói rằng nhìn vào dự đoán tăng trưởng chung của cả thế giới chỉ còn 2% thì con số 0,3% của Việt Nam vẫn còn lạc quan.

“Hầu hết các nước châu Á sẽ tăng trưởng âm trong khi Việt Nam được xếp vào một trong số ít quốc gia sẽ tăng trưởng dương, dù chỉ là 0,3%. Lập trường chúng tôi tương đối bi quan về nền kinh tế chung và chúng tôi vẫn giữ lập trường như vậy”.

Với Việt Nam, tại hội nghị tương tự năm ngoái, The Economist đã đưa ra những dự báo rất lạc quan và ngay ở một cuộc họp sau đó họ lại phải đưa ra những dự báo khác “vì có những diễn biến mới khiến chúng tôi nhận thấy chúng tôi cần thực tế hơn. Vài tuần tới nếu chúng tôi có những dự báo vui hơn thì sẽ tốt, nhưng thực ra không có khả năng  đó”, ông Wood bảo vệ quan điểm của mình.

HỒNG PHÚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới