(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước gửi thông báo đã cấp thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng đã cho vay trên 80% chỉ tiêu được cấp từ đầu năm.
- Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 8 phục hồi trở lại
- Bức tranh tín dụng và nợ xấu của các ngân hàng
Kể từ ngày 28-8, các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo đầu năm, sẽ được điều chỉnh tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng của các tổ chức này.
Theo thông báo của NHNN, tính đến ngày 26-8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023. Con số này được đánh giá là "thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm". Bức tranh tăng trưởng tín dụng cũng có sự khác biệt lớn khi có đơn vị tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số tổ chức tín dụng tăng sát chỉ tiêu được giao.
"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị", văn bản của NHNN có đoạn. Ngoài ra, cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng cũng nói thêm rằng sẽ tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ để dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Trong năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến khoảng 15%. Nhà điều hành chính sách tiền tệ chủ động điều chỉnh hạn mức cho từng nhà băng mà không yêu cầu ngân hàng gửi đề nghị cấp thêm. Điểm này khác biệt so với các năm trước đây.
Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2024 đạt khoảng 6% so với hồi đầu năm, tương đương mức tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính nửa đầu năm, có không ít các ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng cao.
Trong khi đó, nhóm phân tích Công ty chứng khoán Maybank cũng nhận định, tín dụng được thúc đẩy bởi cho vay doanh nghiệp (với sự đẩy mạnh đáng kể trong cho vay sản xuất, tiện ích và phát triển bất động sản) trong khi cho vay bán lẻ vẫn còn khá ảm đạm.
Theo đánh giá của nhóm phân tích VPBankS, tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu trong nửa đầu năm 2024 nhờ tăng trưởng GDP ở mức cao, chủ yếu từ du lịch quay trở lại mức trước Covid-19 và sản xuất tăng trưởng mạnh. Các động lực từ xuất khẩu hay khối FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng.
“Chúng tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm và kỳ vọng thêm vào việc Fed hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược” thế giới của Việt Nam”, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán VPBankS đánh giá.